Ảnh: Quý Hòa

 
Viết Nguyên Thứ Tư | 12/02/2020 10:00

Cuộc chiến franchise của ngành chuyển phát

Các công ty chuyển phát đã mở rộng cuộc cạnh tranh bằng nhượng quyền kinh doanh.

Theo nghiên cứu của Google/Temasek, 3 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng trung bình trên 25%/năm và ước đạt 33 tỉ USD vào năm 2025. Nếu dự đoán này chính xác, thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ chỉ đứng sau Indonesia (100 tỉ USD) và Thái Lan (43 tỉ USD) ở Đông Nam Á.

Cuộc đua khốc liệt

Với sức mua 5 triệu đơn hàng/ngày, cùng hàng trăm triệu lượt truy cập mỗi tháng vào Lazada, Shopee, Sendo, Tiki, Thegioididong..., thương mại điện tử tại Việt Nam đang tạo ra sức hấp dẫn rất lớn. Cùng với đó, ngành logistics - giao hàng có cơ hội phát triển vượt bậc. Theo Vụ Bưu chính, năm 2019, tổng doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 30.000 tỉ đồng (1,3 tỉ USD), tăng 27% so với năm 2018.

EMS kết thúc năm 2019 với doanh thu gần 3.500 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Vietnam Post ghi nhận doanh thu trên 1 tỉ USD, tăng hơn 22%. ước đạt hơn 6.700 tỉ đồng, tăng 36,6%. Song song đó, cả EMS, Viettel Post và Vietnam Post đều có những đổi thay trong triển khai dịch vụ. EMS kết hợp với Lalamove để triển khai dịch vụ giao hàng siêu tốc (2 giờ trong nội thành). Vỏ Sò và MyGo của Viettel Post cũng hứa hẹn giúp gia tăng số lượng đơn hàng, rút ngắn thời gian giao hàng nội thành, giành giật thị phần chuyển hàng trong ngành thương mại điện tử. Ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Vietnam Post, nhận định, chưa khi nào thị trường bưu chính cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Các doanh nghiệp chuyển phát tư nhân giảm giá bằng mọi cách, chỉ lựa chọn phục vụ giao hàng tại các thành phố lớn, trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang đầu tư mạnh vào phát triển lĩnh vực chuyển phát, logistics.

 

Dù vậy, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận, thương mại điện tử vẫn còn gặp trở ngại ở một số khâu như giao hàng. Khảo sát của Bộ này cho thấy, có tới 40% khách mua hàng trực tuyến chưa hài lòng về việc vận chuyển, giao hàng. Ngoài ra, thị trường chuyển phát đang cần thêm những tên tuổi mới để giúp thúc đẩy ngành này.

Đây chính là thời cơ để các hãng chuyển phát uy tín từ nước ngoài vào cuộc. Nửa cuối năm 2019 thị trường chuyển phát Việt Nam đã ghi nhận sự thâm nhập của các tên tuổi như Best Inc (Mỹ), InExpress (Anh), ZTO Express. Bằng con đường nhượng quyền, Best Express có 7 trung tâm khai thác, với hơn 100 bưu cục. Theo sau là ZTO Express đã phát triển được 12 bưu cục. InExpress tuy mới hiện diện trên thị trường Việt Nam nhưng cũng thiết lập hơn 30 đại lý. Lâu dài hơn, các hãng đặt mục tiêu gia tăng quy mô mạnh mẽ. Chẳng hạn, Best Inc dự kiến thiết lập độ phủ khắp Việt Nam, với 300 bưu cục, thực hiện chuyển phát 150.000 bưu kiện/ngày và sẽ tăng công suất lên gấp đôi trong vòng 3 năm tới.

Đứng trước sự sôi động của thị trường, các công ty Việt Nam không thể ngồi yên. FPT Retail quyết định dấn thân vào bưu chính, chuyển phát nhằm tận dụng nguồn lực sẵn có từ mạng lưới hơn 540 cửa hàng khắp 63 tỉnh thành. SuperShip chọn cách mở rộng bằng triển khai nhượng quyền, như cách các hãng nước ngoài ZJC Express, SF Express, STO Express đã đi. Be Group cũng tuyên bố nhảy vào lĩnh vực giao nhận khi vận hành thêm 2 dịch vụ giao hàng beExpress và beDelivery phục vụ các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Mở rộng nhượng quyền

Cạnh tranh gây áp lực cho các hãng là phải đầu tư vốn cho công nghệ, mạng lưới. Nhưng chi phí tự đầu tư mở điểm thường tốn kém, mất thời gian. Vì thế, các hãng thường chọn cách nhượng quyền để mở rộng mạng lưới. Bằng cách nhượng quyền, chỉ từ năm 2009 đến năm 2010, STO Express đã phát triển từ 30 lên 50 trung tâm chuyển phát. Ngoài ra, STO Expres cũng tăng từ 1.800 điểm mạng lên 6.000 điểm.
Tuy nhiên, triển khai nhượng quyền trong bối cảnh cạnh tranh cao không phải luôn thuận lợi. Theo Bộ Công Thương, trong 235 doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam, vẫn có những thương hiệu đã hoàn toàn khai tử. Cơ sở lạc quan cho các nhà đầu tư khi dấn bước vào nhượng quyền chuyển phát là lĩnh vực này còn mới, chưa rơi vào mức độ bão hòa như các mảng ẩm thực nhà hàng, may mặc...

 

Chi phí cho nhượng quyền cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư phải cân nhắc. Hiện tại, người nhận nhượng quyền từ Best Express phải chi khoảng 1 tỉ đồng cho vốn đầu tư cơ sở vật chất ban đầu (chiếm 50%), tiền ký quỹ, phí nhượng quyền... Để thu hút và cạnh tranh hơn, ZTO Express đưa ra mức chi phí chỉ bằng 1/4-1/5 so với Best Express. Với SuperShip, chi phí còn rẻ hơn, chỉ 100 triệu đồng. Điều này lý giải vì sao, sau hơn 1 năm triển khai nhượng quyền, SuperShip từ đơn vị giao hàng với 2 điểm bưu cục đã phát triển khắp toàn quốc với hơn 128 điểm. SuperShip đang hướng tới mục tiêu 500 điểm vào tháng 6.2020.

Tuy nhiên, để thực sự là mô hình thu hút và hiệu quả, ông Lê Thanh Hoài, CEO SuperShip, thừa nhận: “Các hãng phải phát triển thương hiệu tốt, có nền tảng công nghệ mạnh, có dữ liệu khách hàng lớn và tạo dựng được uy tín thị trường”. Đây không phải là chuyện dễ dàng cho các công ty. Dù vậy, trong một thị trường logistics - giao nhận còn nhiều dư địa, cần đa dạng dịch vụ và người Việt Nam rất ưa thích khởi nghiệp, 88% người trẻ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để triển khai startup (thế giới chỉ 47%) thì cơ hội cho các hãng triển khai nhượng quyền chuyển phát nhanh là rất lớn.