Cung vượt cầu: Xuất khẩu hồ tiêu giảm giá trị
Các nước trồng tiêu như Malaysia, Indonesia sẽ vào vụ thu hoạch mới vào tháng 8 này. Nguồn hàng mới này đang thêm áp lực lên thị trường, các nhà buôn chưa vội giao dịch, muốn đợi hàng mới để chốt giá cho đơn hàng dịp cuối năm.
Theo quan sát của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến cuối năm, mặt hàng hạt tiêu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do cung đang vượt cầu.
Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7.2018 ước đạt 21.000 tấn, với giá trị đạt 64 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu hạt tiêu 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 153.000 tấn và 517 triệu USD, tăng 3,7% về lượng nhưng giảm 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Lượng xuất khẩu sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2018, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ đạt 11.700 tấn, tăng 4.400 tấn tương đương 59,4%; Mỹ đạt 23.600 tấn, tăng 1,8 nghìn tấn tương đương 8,5%; Pakistan đạt 6.900 tấn, tăng 1.600 tấn tương đương 29,9% và Đức đạt 4,8 nghìn tấn, tăng 810 tấn tương đương 20,1%.Các thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục là Mỹ với 87,4 triệu USD, chiếm 19,3%; Ấn Độ với 39,5 triệu USD, chiếm 8,7%; Pakistan với 22,6 triệu USD, chiếm 5,0%; Đức với 19,1 triệu USD, chiếm 4,2% và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất với 17,4 triệu USD, chiếm 3,8%.
Thế nhưng, xuất khẩu sang thị trường Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất nửa đầu năm 2018 chỉ đạt 5.600 tấn, giảm tới 2.600 tấn tương đương 31,8%.
Các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng xu hướng này cùng chiều với xu hướng giá chung của hầu hết các quốc gia xuất khẩu chính trên thế giới, trừ Brazil có giá xuất khẩu hạt tiêu đen ổn định trong tháng 7.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá thu mua hạt tiêu trong tháng 7.2018 tiếp tục giảm sâu. Tính đến ngày 24.7.2018, giá thu mua hạt tiêu đen giao động ở mức 52.000-53.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với đầu tháng, và giảm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước.
Lý do chính của việc giá giảm được ngành nông nghiệp xác định vẫn là do “sức ép từ nguồn cung” hồ tiêu toàn cầu. Nguồn cung tăng đáng kể trong vài năm qua do việc mở rộng diện tích hồ tiêu ở hầu hết các nước sản xuất, đặc biệt là ở Việt Nam, Brazil, Campuchia và một số khu vực ở Indonesia.
Trong báo cáo tháng 6.2018, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) nhận định, giá hạt tiêu trong các tháng cuối năm 2018 sẽ không biến động nhiều, do Việt Nam, nguồn cung hồ tiêu lớn nhất trên thị trường, đã kết thúc vụ thu hoạch.
Indonesia, nguồn cung lớn thứ hai, tuy đã bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng nguồn cung từ nước này có thể sẽ không tạo áp lực đáng kể trên thị trường do hoạt động thu hái không thuận lợi.
Khó khăn về tiêu thụ, ngành nông nghiệp khuyến cáo các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam cần phải chủ động được lợi thế là nắm giữ nguồn cung lớn, dự trữ hồ tiêu khô và tính toán vòng kinh doanh sản phẩm để có thể đẩy giá hạt tiêu đi lên.
Cạnh đó, cần kiên quyết chuyển đổi cây hồ tiêu sang các cây trồng khác tại các diện tích hồ tiêu đang bị sâu bệnh hại nặng và các diện tích không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng cho sản xuất hồ tiêu, nhằm giảm áp lực nguồn cung trong nước.