Thứ Tư | 16/10/2013 09:04

Cung tăng, cầu giảm, giá gạo lao dốc

Mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo của Việt Nam đang gặp khó khăn trong bối cảnh cung vẫn tăng, giá gạo thế giới giảm mạnh.
Những năm gần đây, các nước trong khu vực đầu tư rất mạnh cho sản xuất lúa, gạo, nhằm tăng khả năng cạnh tranh. TS. Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp- cho biết: Trong năm tài khóa 2012, Chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 3,5% GDP cho chương trình trợ giá gạo. Cùng với đó, Thái Lan còn có 3 chương trình lớn hỗ trợ nông nghiệp: Hoãn nợ cho nông dân vay tiền của Ngân hàng Nông nghiệp, “Mỗi làng một triệu bath” và “Mỗi làng một sản phẩm”.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc đã khích lệ các doanh nghiệp hướng ra các nước khác để thuê đất nông nghiệp sản xuất. Ông Sơn ước tính, hiện có hơn 40 công ty nông nghiệp Trung Quốc hoạt động ở 30 nước, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp mà Trung Quốc đang thiếu như gạo, đậu tương, ngô...

Xuất khẩu gạo Việt Nam thêm khó khăn khi các nước nhập khẩu chính tăng mức tự cung.

Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) gần đây đã tăng cường mua lúa, gạo trong nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Indonesia cũng tăng đầu tư cho nông nghiệp và trợ cấp, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư... cho người trồng lúa.

Chính phủ Philippines không chỉ nỗ lực bảo đảm lúa gạo cho toàn dân, mà còn đặt ra mục tiêu xuất khẩu 100 tấn gạo chất lượng cao trong năm 2013. Chính phủ Philippines dự kiến sẽ tăng 22% ngân sách dành cho nông nghiệp nhằm tăng cường mạng lưới giao thông và hệ thống tưới tiêu.

Chuyên gia Nguyễn Đình Bích cho biết: "Giá gạo tùy thuộc vào cung- cầu. Tới đây, nếu Thái Lan tiếp tục giảm giá bán gạo, chắc chắn Ấn Độ và Pakistan cũng phải giảm theo và Việt Nam cũng không ngoại lệ"

Giá gạo đang giảm ở khắp các thị trường, cùng với sự chi phối của chính sách lương thực Thái Lan tạo thêm thách thức cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 5,35 triệu tấn, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trị chỉ đạt 2,35 tỷ USD, giảm 16,7%. Giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm. Giá gạo Việt Nam trung bình 8 tháng đầu năm khoảng 438,55 USD/tấn, giảm 14,36 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012.

Chuyên gia Nguyễn Đình Bích phân tích: Tình trạng xuất khẩu gạo khó khăn sẽ kéo sang cả năm tới. Thái Lan còn tồn kho 15- 17 triệu tấn gạo, trong đó chỉ còn 1,2 triệu tấn là gạo thơm, còn lại hơn 90% là gạo trắng. Thái Lan buộc phải xuất khẩu lượng gạo đó ra thị trường thế giới. Nhưng với tiến độ như 7 tháng đầu năm thì phải gần 4 năm nữa mới xuất hết khối lượng gạo trắng đang tồn kho, với điều kiện nông dân Thái Lan ngừng sản xuất lúa.

Hồi tháng 8, Thái Lan đã phải chào giá gạo trắng bình quân 435 USD/tấn, trong khi với tỷ giá hối đoái của đồng bath hiện nay, Thái Lan phải bán với giá 750 USD/tấn thì mới không bị lỗ. Chưa biết chính phủ Thái chịu đựng được mức lỗ đến chừng nào nhưng Thái Lan vẫn phải tiếp tục giảm giá nhằm tăng khối lượng xuất khẩu.

Nguồn Báo Công thương


Sự kiện