Giá nhập điều nguyên liệu đang có xu hướng tăng
Cung hạn hẹp, cơ hội cho giá xuất khẩu điều nhân phục hồi
Giá giảm, nguồn cung hụt
Giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trở lại trong thời gian tới do nhu cầu cuối năm tăng tại các thị trường quan trọng và nguồn cung hạn hẹp. Thông tin này đến từ một báo cáo chung của Trung tâm Tin học và Thống kê, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Xuất khẩu điều nhân sang các thị trường trọng điểm Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc và Anh đều tăng cả về lượng và giá trị. Tháng 6.2018, xuất khẩu điều nhân ước đạt 33.000 tấn với giá trị 300 triệu USD. Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt là 37,9%, 13,1% và 10,9% tổng giá trị xuất khẩu.
Nhập khẩu điều thô tháng 6.2018 của Việt Nam ước đạt 151,54 nghìn tấn tương đương 304,4 triệu USD. Trong tháng này, giá điều nhân trên thị trường thế giới tương đối ổn định do nhu cầu không biến động. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng điều nhân Việt Nam trong tháng 6.2018 đạt 9.068 USD/tấn, giảm 337 USD/tấn, giảm 3,6% so với tháng 5.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành nông nghiệp cũng lưu ý tình trạng một số doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam mở rộng công suất chế biến khi thị trường xuất khẩu khởi sắc, nhưng lại bán tháo sản phẩm bằng cách hạ giá để tranh giành khách hàng. Hệ quả là số lượng lớn điều nhân được xuất khẩu nhưng giá lại rẻ, lợi nhuận không nhiều.
Giá xuất khẩu liên tiếp giảm từ đầu năm đến nay kèm theo nguồn cung thiếu hụt đã khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến trong nước phải tạm dừng hoạt động.
Trong khi đó, giá điều thô trên thị trường trong nước lại diễn biến trái chiều. Tại Đồng Nai, giá hạt điều thô ổn định ở mức 49.000 đồng/kg, nhưng giá điều thô tại Bình Phước lại giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 44.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, doanh nghiệp đang gặp những khó khăn nhất định do giá nguyên liệu cao trong khi giá điều nhân xuống thấp. Ông hy vọng, tình hình sẽ được cải thiện khi một số doanh nghiệp đàm phán lại giá mua nguyên liệu, giảm từ 150-300 USD/tấn.
Dù vậy, giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang trong xu hướng giảm, theo các chuyên gia, doanh nghiệp chế biến điều nhân trong nước cần giảm công xuất chế biến, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, tập chung vào chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Cạnh đó, giá nhập điều nguyên liệu đang có xu hướng tăng, các doanh nghiệp chế biến điều nhân cần chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu, tăng cường liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu có năng suất, chất lượng cao, tập chung vào chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện, điều Ấn Độ là nguồn cung cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường thế giới. Tại cảng Delhi của Ấn Độ, giá điều nhân loại WW180 và loại WW210 ổn định ở 16.000 USD/tấn và mức 14.500 USD/tấn so với giữa tháng 5/2018. Giá điều nhân vỡ hai mảnh giao dịch ở mức 11.130 USD/tấn tăng nhẹ so với giữa tháng 5/2018.
Cơ hội cuối năm
Theo quan sát của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trở lại trong thời gian tới do nhu cầu cuối năm tăng tại các thị trường quan trọng và nguồn cung hạn hẹp.
Giá USD đang có xu hướng tăng lên, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ thương mại tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc đang trở lại và gây ra bất ổn thị trường. Thêm vào đó, giá trị xuất khẩu cao trong những tháng cuối năm 2017 cũng đặt ra những thách thức cho thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu điều từ nay đến cuối năm 2018.