Việt Nam phải nhập khẩu điện mặc dù cung đang vượt cầu. Nguồn: Solarsonglam.

 
Vũ Hoài Thứ Hai | 14/10/2019 10:19

Cung đang vượt cầu, vì sao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện?

Mặc dù công suất lắp đặt điện của Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng tình trạng thiếu điện vẫn còn tiếp tục diễn ra.

Mới đây, trong báo cáo ngành điện của Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities, CTS) công bố cho hay, mặc dù công suất lắp đặt điện của Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng tình trạng thiếu điện vẫn còn tiếp tục diễn ra. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào để đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng tăng cao trong mùa khô, cho dù sản lượng nhập chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Đánh giá về việc khi nguồn cung điện vẫn đang vượt cầu, tuy nhiên Việt Nam vẫn trong tình trạng thiếu hụt điện và phải nhập khẩu điện. CTS đưa ra 3 nguyên nhân chính, cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc mất cân đối giữa điện năng tiêu thụ và sản xuất giữa các miền. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVN NLDC), miền Nam có sản lượng điện tiêu thụ cao nhất cả nước, chiếm hơn 50% nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% tổng nhu cầu của miền.Trong khi đó, ở miền Bắc và miền Trung lại xảy ra tình trạng thừa cung.

 

Thứ hai, tỷ lệ hao hụt trong quá trình truyền tải điện năng lớn. Cụ thể, việc truyền tải một lượng lớn điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam qua đường dây 500 kV khiến cho việc hao hụt là không thể tránh khỏi. Tỷ lệ hao hụt hiện nay mặc dù đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước nhưng vẫn còn khá cao.

 

Thứ ba, nguồn cung điện chủ yếu dựa vào thủy điện và nhiệt điện than, trong khi nhiệt điện khí (nguồn cung điện chính cho miền Nam) chưa được chú trọng phát triển. Các nhà máy thủy điện lớn tập trung chủ yếu ở miền Bắc do đặc trưng về địa hình đồi núi và dòng sông lớn. Tương tự, các nhà máy nhiệt điện than cũng phần lớn được xây dựng tại miền Bắc khi mà mỏ than lớn nhất của Việt Nam nằm tại tỉnh Quảng Ninh.

 

Từ năm 2013, thủy điện luôn đóng góp một phần lớn trong cơ cấu sản lượng nguồn điện của Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của CTS, nguồn cung thủy điện đã hết và không ổn định, nguồn nguyên liệu than và khí trong nước cho nhà máy nhiệt điện không được đảm bảo khi sản lượng than khai thác không đủ và phải nhập khẩu than từ bên ngoài. Vậy còn điện mặt trời thì sao?

Nghịch lý điện mặt trời

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến hết ngày 30/06/2019, có 82 nhà máy điện mặt trời đã được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia kiểm tra điều kiện và đóng điện thành công với tổng công suất là 4.646 MW.

Dẫu vậy, có một nghịch lý là các nhà máy điện mặt trời sau khi đi vào hoạt động lại luôn phải cắt giảm sản lượng điện, cao nhất cũng chỉ hoạt động 60% công suất. Nguyên nhân chính là do sự đầu tư nóng, ồ ạt nhà máy điện mặt trời tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk đã khiến cho lưới điện truyền tải tại khu vực này liên tục chịu áp lực lớn. Đặc điểm của loại hình điện mặt trời là phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết và chỉ hoạt động vào giờ có bức xạ mặt trời cao. Vì vậy, khi thời tiết thuận lợi, tất cả các nhà máy điện mặt trời cùng phát đồng loạt đã gây quá tải các đường dây, trạm biến áp liên quan.

Đánh giá về năng lượng điện mặt trời, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng  đầu tư vào năng lượng mặt trời có thể sẽ chậm lại. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam mới có vài nhà máy năng lượng mặt trời với công suất chưa tới 100MW. Tuy nhiên bước sang nửa đầu năm 2019, năng lượng mặt trời đã có bước nhảy vọt với tổng công suất lắp máy lên tới 4.464 MW vào cuối tháng 06/2019 và dự kiến sẽ tăng lên 5.100 MW vào cuối năm 2019. Năng lượng mặt trời có bước tăng nhảy vọt này là do các nhà máy đều đẩy nhanh tiến độ để kịp hòa lưới trước 30/06/2019, là thời điểm cuối cùng được hưởng cơ chế ưu đãi theo Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ (ngoại trừ Bình Thuận và Ninh Thuận được kéo dài thêm thời gian ưu đãi đến 30/06/2020).

Dự thảo điện mặt trời mới. Nguồn: BVSC
Dự thảo điện mặt trời mới. Nguồn: BVSC

Hiện tại, Chính phủ đã ban hành dự thảo giá điện mặt trời cho những năm tới, theo đó giá điện mặt trời giảm đáng kể so với ưu đãi trước đó dẫn tới việc đầu tư vào năng lượng mặt trời có thể sẽ chậm lại.

Thiếu hụt điện, Việt Nam sắp phải tăng nhập điện từ Trung Quốc?