Đại dịch trong 2 năm qua càng khiến cuộc sàng lọc trên thị trường bán lẻ Việt Nam trở nên khốc liệt. Ảnh: Quý Hòa.
Cục diện mới của thị trường bán lẻ
Khi thị trường hồi phục, những toan tính về mở rộng thị phần trong ngành bán lẻ cũng dần lộ diện rõ ràng hơn, hứa hẹn thay đổi cán cân cạnh tranh giữa các thương hiệu bán lẻ nội và ngoại.
Ngoại mở rộng
Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu với GDP bình quân ở mức 5.000 USD/người/năm cùng tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng đã thúc đẩy một làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng của người Việt. Kéo theo đó, các nhà bán lẻ từ khắp châu Á đã đổ bộ vào Việt Nam khi những hạn chế đối với công ty nước ngoài được nới lỏng, làm gia tăng cạnh tranh trong ngành bán lẻ.
Đại dịch trong 2 năm qua càng khiến cuộc sàng lọc trên thị trường bán lẻ Việt Nam trở nên khốc liệt. Nếu thời điểm trước dịch, hệ thống bán lẻ nội địa có nhiều lợi thế, thì hiện tại các nhà bán lẻ ngoại đang liên tục đưa ra những chiến lược tấn công mạnh mẽ.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận xét thời gian gần đây, các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Central Group, AEON, Circle K, K Mart… liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam, gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa.
Sau đại dịch, cuộc sàng lọc trên thị trường bán lẻ Việt Nam càng khốc liệt. Ảnh: T.L |
Ông Olivier Langlet, Giám đốc Điều hành của Central Retail Việt Nam, cho biết hệ thống này sẽ đầu tư 20.000 tỉ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới (2022-2026) nhằm hướng đến mục tiêu doanh thu 65.000 tỉ đồng. Theo ông Olivier Langlet, với khoản đầu tư này, Central Retail cũng muốn tăng gấp đôi tỉ lệ doanh số bán hàng đa kênh lên 15% so với mức 8% hiện nay. Bên cạnh kỳ vọng đẩy mạnh lĩnh vực thực phẩm và bất động sản, Central Retail còn đặt mục tiêu mở rộng kênh bán lẻ bao phủ 55/63 tỉnh, thành.
Đầu tư vào Việt Nam từ năm 2012, Central Retail đã trải qua giai đoạn tăng trưởng thần tốc nhờ các thương vụ thâu tóm Nguyễn Kim, Big C hay LanChi Mart để cán mốc doanh thu hơn 1 tỉ USD vào năm 2019. Chuỗi bán lẻ Thái Lan tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2020 lên quy mô khoảng 32.000 tỉ đồng trước khi giảm về mức 27.365 tỉ đồng vào năm 2021.
Một nhà bán lẻ lớn khác đến từ Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam cũng hoạt động tích cực tại thị trường 100 triệu dân khi gần đây khai trương kho cung ứng thứ 5 tại Sa Pa. Đây là bước đệm trong kế hoạch mở rộng và phát triển hệ thống mạng lưới cung ứng giai đoạn 5 năm (2020-2025) của MM Mega Market Việt Nam.
Ông Bruno Jousselin, Tổng Giám đốc Điều hành của MM Mega Market Việt Nam, nhận định: “Ngành du lịch Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19 được dự đoán sẽ nhanh chóng hồi phục và bắt kịp đà phát triển mạnh mẽ. Việc khai trương kho hàng mới này nằm trong chiến lược kinh doanh của MM nhắm tới nhóm khách hàng Horeca (nhà hàng, khách sạn). Trong năm nay, chúng tôi có kế hoạch mở thêm nhiều kho giao hàng tại các tỉnh, thành phố du lịch trên cả nước”.
Vài năm trở lại đây, MM Mega Market Việt Nam liên tục mở rộng các trạm trung chuyển hàng hóa, các kho cung ứng thực phẩm từ Nam ra Bắc. Chiến lược này nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng nguồn cung ứng cho khách hàng và mở rộng cả mảng xuất khẩu hàng hóa ra khu vực.
Không chỉ các nhà bán lẻ Thái Lan, thương hiệu bán lẻ Nhật AEON cũng có mặt tại Việt Nam gần 8 năm. Tổng Giám đốc AEON MALL Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho biết, đến năm 2025, nhà bán lẻ này có chủ trương triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Đại diện AEON MALL cho biết có kế hoạch mở thêm khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam vào năm 2025, một mức tăng đáng kể so với chỉ 4 siêu thị ở Hà Nội hiện nay.
Trong kế hoạch mở rộng, AEON sẽ xây dựng thêm các cửa hàng lớn hơn với diện tích sàn từ 500 m2 trở lên. Ông Soichi Okazaki, Giám đốc Điều hành phụ trách mảng kinh doanh tại Đông Nam Á của AEON, cho biết: “Việt Nam là thị trường quan trọng nhất đối với chiến lược phát triển ra nước ngoài của chúng tôi”.
Theo Euromonitor, giai đoạn 2016-2026, thị trường thực phẩm chế biến tại 6 nền kinh tế hàng đầu của ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 60% lên 112,7 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, đạt gần 90%. Quy mô đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần năm 2020.
Khi tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam cam kết sẽ dỡ bỏ rào cản đối với đầu tư bán lẻ nước ngoài vào năm 2024. Việc dỡ bỏ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thương hiệu bán lẻ nước ngoài.
AEON đặt mục tiêu tăng tỉ trọng đầu tư ra nước ngoài từ nay tới tài khóa 2025 lên 25%/năm, gần gấp đôi mức trước đó và tăng hơn gấp đôi lợi nhuận hoạt động ở châu Á (không bao gồm thị trường Nhật) lên hơn 100 tỉ yen/năm (875 triệu USD). Tập đoàn này có kế hoạch mở thêm nhiều siêu thị ở Indonesia, Campuchia và các nơi khác trong khu vực. Tuy nhiên, AEON không phải là tập đoàn Nhật duy nhất để mắt đến thị trường Đông Nam Á. Sumitomo Corp dự định sẽ hợp tác với BRG Group để mở rộng chuỗi siêu thị FujiMart theo phong cách Nhật tại Việt Nam. Hiện nay, FujiMart có 3 cơ sở tại Hà Nội.
Bên cạnh các chuỗi bán lẻ lớn, những hệ thống cửa hàng tiện lợi của nước ngoài như FamilyMart, K Mart, Circle K, 7-Eleven... cũng đều nằm trong nhóm đang thống trị thị trường Việt Nam.
Nội mạnh tay tái cấu trúc
Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ đáng chú ý hơn khi nhiều cửa hàng của hệ thống Bách Hóa Xanh cố gắng thanh lý hàng hóa để đóng cửa. Hoạt động này khiến dư luận quan tâm vì Bách Hóa Xanh nổi lên như một hệ thống bán lẻ hiệu quả, có doanh thu tăng thần tốc từ hơn 250 tỉ đồng năm 2016 lên hơn 28.200 tỉ đồng trong năm 2021.
Tính đến sáng 13/7/2022, chuỗi bán lẻ này chỉ còn hiển thị 1.824 cửa hàng hoạt động, trong khi vào tháng 4/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động công bố chuỗi Bách Hóa Xanh có 2.140 cửa hàng. Theo thông tin từ đại diện truyền thông của Thế Giới Di Động, Bách Hóa Xanh đang đóng các cửa hàng không đáp ứng chuẩn mới của đơn vị. Theo kế hoạch, 100% các cửa hàng Bách Hóa Xanh sẽ được thay đổi cách bày trí trong quý III/2022.
Bách Hóa Xanh đang gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu. Ảnh: Quý Hòa |
Thực tế, ngay từ đầu năm nay, Thế Giới Di Động đã tuyên bố tạm dừng mở mới Bách Hóa Xanh để cải thiện nền tảng vận hành và tối ưu hóa lợi nhuận, tập trung cho các chuỗi mới hơn. Cùng với tuyên bố này, Thế Giới Di Động dừng đưa ra mục tiêu về doanh số, lợi nhuận cho Bách Hóa Xanh trong năm 2022.
Nếu để ý, ngay trong những ngày cuối năm 2021, Bách Hóa Xanh đã có những động thái chuẩn bị cho cuộc thay đổi lớn này. Khi đó, ông Trần Kinh Doanh, người được xem là linh hồn của chuỗi Bách Hóa Xanh, rời khỏi vị trí điều hành và người trực tiếp dẫn dắt hệ thống này là ông Trần Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế Giới Di Động.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022, Thế Giới Di Động có doanh thu thuần 59.324 tỉ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đóng góp khoảng 48.100 tỉ đồng, tương đương 81,1%. Bách Hóa Xanh mang về 10.500 tỉ đồng, chiếm 17,7%. Còn lại 1,2% đến từ các mảng kinh doanh khác.
Sau 6 năm tham gia thị trường bán lẻ thực phẩm, có thời điểm Bách Hóa Xanh được kỳ vọng là con gà đẻ trứng vàng cho Thế Giới Di Động khi tạo được doanh số khá ấn tượng. Tuy nhiên, Bách Hóa Xanh đang gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu, buộc phải tái cấu trúc mạnh tay hướng đến việc hoàn thiện các khâu kiểm soát cung ứng hàng hóa, liên kết với vùng nguyên liệu… Vào tháng 4/2022, Thế Giới Di Động đã lấy ý kiến cổ đông về việc chào bán tối đa 20% cổ phần của chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh trong giai đoạn 2022-2023. Trong quý IV, chuỗi này sẽ hoàn tất tự động hóa nền tảng back-end (dự báo mua hàng, tối ưu hóa danh mục sản phẩm kinh doanh cho từng cửa hàng, nâng cấp chất lượng dịch vụ...) với mục tiêu đạt doanh thu 1,3 tỉ đồng/cửa hàng, đồng thời phát triển mạnh kênh online để cải thiện hiệu quả hoạt động.
Thời điểm Bách Hóa Xanh tiến hành tái cấu trúc khá đặc biệt khi chuỗi kinh doanh này sắp chạm ngưỡng doanh thu 30.000 tỉ đồng. Trùng hợp là Saigon Co.op cũng giảm tăng trưởng khi tiệm cận cột mốc 30.000 tỉ đồng doanh thu vào năm 2017. Đến năm 2021, Saigon Co.op vẫn chỉ thu về 30.671 tỉ đồng, giảm 7,8% so với năm liền trước.
Cũng sắp xếp lại chuỗi, mạnh tay đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình các điểm bán không hiệu quả ở tất cả các mô hình, Saigon Co.op và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã mạnh tay khai tử không ít điểm bán không hiệu quả. Trong bối cảnh mãi lực chung của ngành bán lẻ đi xuống từ giữa năm 2021 đến nay, doanh thu của hầu hết doanh nghiệp bị sụt giảm trầm trọng.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết kế hoạch năm nay sẽ mở mới 80-100 điểm bán nhỏ. Trong đó, sẽ quy hoạch, phân định rõ phân khúc phát triển của từng chuỗi Co.op Food, Co.opSmile, Cheers; tập trung củng cố và đẩy mạnh phát triển chuỗi Co.op Food. Theo ông Đức, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, sự chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ Việt Nam từ loại hình thương mại truyền thống sang hiện đại diễn ra sâu sắc, hoạt động đầu tư góp vốn, mua bán - sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước diễn ra liên tục, làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ.
Nhận định về tốc độ tăng trưởng của Saigon Co.op trong năm 2022, ông Đức cho biết, Saigon Co.op kỳ vọng sẽ đón đầu được xu hướng phát triển và doanh số phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ.
Công tác phát triển mạng lưới cũng bị ảnh hưởng lớn do dịch, chỉ phát triển thêm được gần 40 điểm bán mới gồm Co.opmart, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers và Finelife. Mặt khác, các chuỗi bán lẻ nhỏ cũng tập trung rà soát, đóng cửa những điểm bán không hiệu quả và ngưng hợp tác với các Co.op Food nhượng quyền do đối tác không đáp ứng điều khoản cam kết trong hợp đồng.
Tham vọng nhất trong thị trường bán lẻ nội là hệ thống WinMart, WinMart+ của Masan với mô hình của một hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ. Ảnh: T.L |
Có thể thấy thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ, gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong các xu hướng bán lẻ mới. Tham vọng nhất trong thị trường bán lẻ nội là hệ thống WinMart, WinMart+ của Masan với mô hình của một hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ. Cùng với đó là lợi thế rất lớn từ đầu vào của hàng loạt nhãn hàng tiêu dùng nổi tiếng như Chin-Su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Vĩnh Hảo… Tính đến cuối năm 2021, Masan Consumer sở hữu tới 5 thương hiệu với doanh thu trên 2.000 tỉ đồng.
Hệ thống được kỳ vọng sẽ tạo lợi thế cho các nhà bán lẻ nội địa trước sự mở rộng của đối thủ ngoại. Masan đã đạt được những dấu mốc quan trọng để chuyển đổi mô hình từ một doanh nghiệp bán lẻ - tiêu dùng truyền thống thành một hệ sinh thái công nghệ tiêu dùng O2O. “Cửa hàng hiện đại sẽ kết nối mọi nhu cầu của người tiêu dùng trên một nền tảng, xuyên suốt từ online đến offline. Đây là điểm đến tất cả trong một, phục vụ cả về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí lẫn chăm sóc sức khỏe”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Masan, giải thích ngắn gọn về chiến lược phát triển hệ thống bán lẻ của Tập đoàn.
Cho đến nay, sau 2 năm, hệ thống bán lẻ của Masan đã dần hoàn thiện mô hình trung tâm thương mại thu nhỏ mini-mall kết hợp WinMart (tạp hóa), Techcombank (dịch vụ tài chính), Phúc Long (trà và cà phê), Phano (chăm sóc sức khỏe) và Reddi (viễn thông). Trong đó, mục tiêu của mô hình mini-mall là đến năm 2025 sẽ phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng, hướng tới 30.000 điểm bán trên cả nước và doanh thu một năm là 7- 8 tỉ USD, chiếm 50% thị phần bán lẻ Việt Nam.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan, cho biết để gia tăng số lượng điểm bán thuộc kênh phân phối hiện đại, cũng như doanh thu và lợi nhuận, Masan sẽ hướng tới nhượng quyền thương hiệu. Nhượng quyền sẽ giúp Masan nhanh chóng nhân rộng mạng lưới bán lẻ theo mô hình mini-mall tại các vị trí đắc địa nhất. Ban điều hành đặt kế hoạch triển khai 200 cửa hàng nhượng quyền trong năm 2022.
Trong chiến lược Point of Life, ông Danny Le tiết lộ, đến năm 2025, nếu thành công trong việc đưa hệ thống siêu thị mini trở thành điểm giao dịch tài chính, Masan và Techcombank có thể thu hút 2 tỉ USD tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 50 triệu khách hàng