Để sống sót, nhiều cửa hàng tạp hóa cũng nỗ lực thay đổi. Ảnh: T.L
Cửa hàng tạp hóa "sống mòn"
Loại hình cửa hàng tạp hóa dân sinh đang mất dần chỗ đứng trước sức ép của các hãng bán lẻ lớn, nhất là khi các nhà sản xuất đang muốn tự phân phối sản phẩm của mình thông qua hệ thống cửa hàng do chính mình xây dựng.
Sức ép từ tên tuổi lớn
Mới đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố mở chuỗi cửa hàng bán lẻ để bán thịt heo ăn chuối do tập đoàn này tự sản xuất và dự kiến hệ thống sẽ có trên 1.000 cửa hàng trong thời gian tới. Ngoài hệ thống bán lẻ rộng khắp đang được xây dựng, con heo và quả chuối được xem như cứu cánh cho Tập đoàn sau nhiều năm thua lỗ và tìm kiếm mô hình kinh doanh phù hợp.
Trước Hoàng Anh Gia Lai, có rất nhiều nhà sản xuất chủ động phát triển hệ thống bán lẻ để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh của mình. Mô hình này đang trở thành xu hướng của rất nhiều công ty sản xuất hiện nay.
Những cái tên đã rất quen thuộc với người tiêu dùng như Vissan, PNJ, Vinamilk... Trước Hoàng Anh Gia Lai, Vissan, vốn là một công ty kinh doanh, giết mổ, cũng trở thành một nhà bán lẻ với 130.000 cửa hàng. Vinamilk, sau vài năm từ nhà sản xuất bước chân vào lĩnh vực bán lẻ sữa, đã phát triển 500 cửa hàng trên cả nước (đến năm 2021).
Bên cạnh sự dấn thân vào thị trường bán lẻ của các nhà sản xuất, sự tham gia ồ ạt của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang tạo sức ép rất lớn lên các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Sau khi mua hệ thống siêu thị Emart của Hàn Quốc, tỉ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco, tuyên bố sẽ mở rộng quy mô hệ thống siêu thị Emart và đặt mục tiêu từ nay đến năm 2026, hệ thống siêu thị này sẽ phát triển lên đến 20 cửa hàng với doanh số ước đạt 1 tỉ USD.
Nova Consumer đã hoàn tất thương vụ mua bán và sáp nhập Sunrise Foods và đã khai trương siêu thị Nova Supermarket rộng 2.000 m2 đầu tiên tại TP.HCM, tiếp nối cho kế hoạch mở rộng hơn 2.000 điểm bán trong 3 năm tới trên toàn quốc.
Masan với con bài chủ lực là hệ thống WinMart đang đẩy nhanh tiến độ nhân rộng mô hình bán lẻ tiện lợi WINLife tại Hà Nội và TP.HCM. Hệ thống WINLife tích hợp nhiều dịch vụ từ bán lẻ, dịch vụ tài chính, dược, F&B, dịch vụ viễn thông với kế hoạch 80-100 cửa hàng trong năm nay.
Mô hình cửa hàng tiện lợi được coi là bản nâng cấp của cửa hàng tạp hóa và đang mở rộng ở Việt Nam. Khối ngoại có chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7-Eleven, Ministop, FamilyMart, GS25, B’s Mart... Ở khối nội, ngoài WINLife là Bách Hóa Xanh, Co.op Smile, Satrafoods... Nhiều cửa hàng tiện lợi bán những mặt hàng thiết yếu tương tự cửa hàng tạp hóa, thậm chí bán cả thẻ điện thoại, dược phẩm và thanh toán hóa đơn điện, nước...
Theo Bộ Công Thương, hơn 10 năm qua, kênh bán lẻ hiện đại đã phát triển rất nhanh chóng. Năm 2005 cả nước có hơn 220 siêu thị tại 32 tỉnh, thành, đến nay có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành và 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành. Riêng chuỗi các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng phát triển với tốc độ chóng mặt.
Tạp hóa mất dần thị trường
Vài năm trở lại đây, những con số dự báo về cái chết của cửa hàng tạp hóa cũng cho thấy sự yếu dần của mô hình này trước những đợt sóng mạnh của mô hình bán lẻ hiện đại.
Tạp hóa phát triển theo hướng tự phát, tiện mặt bằng nhà nên không có quảng bá rộng hay phát tờ rơi cho khu vực lân cận, trong khi marketing là khâu mà các cửa hàng tiện lợi, siêu thi mini làm rất tốt. Ảnh: TL. |
Có thể thấy, bán lẻ tạp hóa đang mất dần lợi thế vốn có như gần nhà, đa dạng sản phẩm, tình hàng xóm, mua nợ và dần trở nên lỗi thời. Ở các cửa hàng tạp hóa, có sự tương đồng về nguồn hàng và nhóm mặt hàng như bánh kẹo, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồ dùng vệ sinh, đồ nấu nướng nên sự cạnh tranh duy nhất là về giá. Nhưng ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, giá có thể cao hơn nhưng lại đi kèm khuyến mãi, giảm giá nên ưu thế về giá của cửa hàng tạp hóa không còn nhiều nữa.
Bên cạnh đó là yếu tố marketing. Tạp hóa phát triển theo hướng tự phát, tiện mặt bằng nhà nên không có quảng bá rộng hay phát tờ rơi cho khu vực lân cận, trong khi marketing là khâu mà các cửa hàng tiện lợi, siêu thi mini làm rất tốt. Kèm theo đó là sự tiện lợi thanh toán của các cửa hàng tiện lợi nhờ máy móc, công nghệ, cùng phần mềm theo dõi đơn hàng để điều chỉnh sản phẩm theo đúng nhu cầu người tiêu dùng, kiểm soát được nguồn hàng và có nguồn cung ứng kịp thời.
Yếu tố thế hệ cũng khá quan trọng. Mô hình tạp hóa vốn quen thuộc với thế hệ 70, 80, hoặc 90, sang đến thế hệ Gen Y, Gen Z đã coi mua sắm thương mại điện tử như một thói quen và đi mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên biệt ngày càng nhiều.
Với sự lấn át mạnh mẽ từ các hệ thống cửa hàng hiện đại, theo nghiên cứu của Nielsen, khoảng 52% trong số 800 cửa hàng truyền thống dự đoán tình hình kinh doanh trong 12 tháng tới sẽ diễn biến không tốt.
Trước thực trạng này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đánh giá, tiềm năng kinh tế hộ gia đình tại Việt Nam rất lớn, nhưng cần được đầu tư mạnh hơn, bài bản hơn để phát triển trong tương lai.
Để sống sót, nhiều cửa hàng tạp hóa cũng nỗ lực thay đổi. Câu chuyện của chị Nguyễn Cẩm Thơ, chủ cửa hàng tạp hóa ở con hẻm trên đường Cao Thắng, là một ví dụ. Chị cho biết vài năm nay doanh thu cửa hàng đã giảm 1/3 trước sự xuất hiện của các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini mở ngay ngoài ngõ. Theo chị Thơ, nhiều siêu thị mini có chương trình khuyến mãi, rồi tích điểm, thậm chí chiều tối còn giảm giá rau 50% nên nhiều người canh mua.
Để tồn tại, chị Thơ sửa sang lại cửa hàng cho rộng hơn, lắp thêm máy tính tiền, đưa sản phẩm của cửa hàng lên Shopee, Lazada. Chị cũng cố gắng giảm khâu trung gian để giảm giá bán thấp hơn hoặc bằng giá những sản phẩm đang có chương trình khuyến mại của cửa hàng bán lẻ. Chị cũng đưa ra nhiều chính sách bán hàng qua điện thoại, tặng khuyến mãi, lưu số điện thoại trong group chat zalo hằng ngày nhằm đưa bản tin giá sản phẩm, khuyến mãi đến hàng xóm.
Những nỗ lực này có thể giúp chị Thơ cải thiện phần nào tình hình kinh doanh nhưng số phận của đa số cửa hàng tạp hóa sẽ khó lòng khả quan trước các đối thủ mạnh về tài chính, công nghệ, giỏi về năng lực quản lý, am hiểu thị trường. "Dự báo trong tương lai, các tiệm tạp hóa truyền thống cần làm quen với thanh toán không dùng tiền mặt, bởi nó sẽ giúp các hộ kinh doanh đa dạng hóa kênh thanh toán và đem lại tiện lợi tối ưu cho người tiêu dùng", Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, chia sẻ.