Cửa hàng 7-Eleven đầu tiên chính thức khai trương, bán bánh mì, gỏi cuốn, hột vịt lộn
Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven được thành lập vào năm 1927 và hiện có hơn 62.000 cửa hàng trên thế giới. Với việc mở cửa hàng đầu tiên hôm nay, Việt Nam là thị trường thứ 19 của chuỗi cửa hàng tiện lợi 90 tuổi này. Theo đó, 7-Eleven đặt mục tiêu mở 20 cửa hàng trong năm nay và 200 cửa hàng trong vòng 3 năm tới tại Việt Nam.
Công ty Cổ phần Seven System Việt Nam (SSV) là đơn vị được nhượng quyền độc quyền 7-Eleven tại Việt Nam (master franchisee). Trước đó, trang tin Nikkei của Nhật từng đưa tin rằng công ty con của Seven & i Holdings (trụ sở Nhật) là 7-Eleven Inc. (Mỹ) đã ký kết hợp tác với công ty IFB Holdings của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn Nhịp Cầu Đầu Tư, ông Vũ Thanh Tú, Tổng Giám đốc SSV cho biết công ty do người Việt sở hữu 100%. "SSV đã phải đáp ứng được quy trình toàn cầu của 7-Eleven Inc. và Seven-Eleven Japan trước khi nhận được sự chấp thuận phát triển hệ thống 7-Eleven", ông Tú nói.
"Tại thời điểm này, tất cả các cửa hàng sẽ đều được sở hữu bởi công ty chúng tôi và đó là điều rất quan trọng", ông nói.
"Chúng tôi phải xây dựng mọi thứ từ đầu. Để có thể nghĩ tới việc nhượng quyền, 7-Eleven phải đảm bảo hệ thống vận hành tốt, đảm bảo có lãi và trong tương lai các đối tác nhượng quyền cũng phải có lãi. Cho nên trước khi nhượng quyền thì phải mất một thời gian và tôi chưa thể nói được là khi nào", vị CEO SSV cho biết.
Cửa hàng 7-Eleven đầu tiên thu hút rất nhiều người xếp hàng trong ngày khai trương. Ảnh: Tuấn Minh |
Hiện nhượng quyền là mô hình mà 7-Eleven đang thực hiện ở các thị trường như Nhật, Mỹ - nơi có số cửa hàng 7-Eleven nhượng quyền chiếm khoảng 80%. Số cửa hàng nhượng quyền của 7-Eleven tại Thái Lan cũng chiếm tới gần 50%.
Tuy vậy, một trong những khó khăn lớn nhất của SSV khi mở cửa hàng ở Việt Nam là tìm được địa điểm tốt.
"Là công ty mới vào, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc tìm địa điểm có đủ không gian để thực hiện chiến lược của mình. Thứ nhất là tiện lợi. Thứ hai là phải có đủ chỗ cho mọi người ngồi ăn và làm sao để biết được khách hàng muốn gì", ông Tú nói.
Vị này cho biết, 7-Eleven bắt đầu giả thuyết khách hàng sẽ muốn cái này cái kia. "Cuối cùng thì chúng tôi vẫn phải tìm cách hiểu, nói chuyện và kết nối với khách hàng, để tìm cách thay đổi. Đó là lý do vì sao chúng tôi tập trung vào ứng dụng 7Rewards. Đó là một trong những thách thức để làm sao lắng nghe khách hàng và tìm cách thay đổi."
Một thách thức khác là 7-Eleven phải nghiên cứu xem khách hàng sẽ cần mua những thứ gì trong cả ngày, ông cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc SSV có xây dựng công ty thực phẩm riêng để tự cung cấp như 7-Eleven đã làm ở Thái Lan, ông Tú cho biết trong giai đoạn đầu sẽ chỉ làm việc với các đối tác. "7-Eleven đã tìm ra những đối tác để làm việc trong hệ thống này, để cung cấp, làm ra thực phẩm sạch cho cửa hàng. Chúng tôi muốn tập trung vào việc bán thức ăn ngon chứ không phải sản xuất hay cung cấp thực phẩm. Đó là cách làm của 7-Eleven toàn cầu".
"7-Eleven là một trong những thương hiệu lớn cuối cùng vào Việt Nam. Chúng tôi phải tìm cách tạo ra sự khác biệt, và chúng tôi chọn thực phẩm tươi là một phần quan trọng trong chiến lược ở Việt Nam", vị CEO này nói. 7-Eleven xây dựng thực đơn có nhiều món ăn mà người Việt đã quen để có thể thu hút các khách hàng bản địa, như xôi, chè, gỏi cuốn, thịt kho trứng, bánh mì, và có cả hột vịt lộn.
Ông Ryuichi Isaka, Chủ tịch Seven & i Holdings, ăn bánh mì vừa mua trong cửa hàng 7-Eleven. Ảnh: Tuấn Minh |
"Những công ty khác đang bán những thứ mà họ nghĩ là sẽ bán được nhưng chúng tôi thì lại muốn hiểu khách hàng Việt Nam muốn gì", ông Tú nói, và cho biết SSV đã thành lập từ hai năm trước để tìm hiểu thị trường này.
"Việc tìm hiểu xem mọi người muốn gì rất tốn thời gian nhưng việc tìm ra đối tác sản xuất thực phẩm tươi đó còn mất thời gian hơn nữa. Đồ ăn của chúng tôi được nấu hằng ngày và được giao tới cửa hàng vào mỗi buổi sáng".
Theo ông Tú: "Tiềm năng của thị trường Việt Nam rất lớn. Dân số Việt Nam rất trẻ và sẵn sàng thử cái mới. Tôi nghĩ đó là một lợi thế lớn cho 7-Eleven và chúng tôi cũng rất sẵn lòng tung ra những sản phẩm mới và sáng tạo".
Hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại châu Á. Ảnh: Nikkei |
Trong sự kiện ra mắt lần này, 7-Eleven cũng ra mắt ứng dụng di động 7Rewards. Trả lời phỏng vấn của Nhịp Cầu Đầu Tư, ông Bùi Hải An, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc vận hành của Silicon Straits Saigon - nhà cung cấp giải pháp công nghệ cho 7-Eleven Việt Nam, cho biết rằng 7Rewards là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng cửa hàng tiện lợi hiện đại và mọi thứ sẽ xoay quanh smartphone.
Theo ông An, trước khi 7-Eleven Việt Nam chính thức khai trương, ứng dụng này đã đạt vài ngàn lượt tải về, và kỳ vọng sẽ đạt con số 20-30.000 lượt tải trong vài tuần đầu khai trương. Ngoài việc tích điểm, ứng dụng này cũng có chức năng làm khảo sát, phản hồi và tương tác giúp 7-Eleven.
Ngoài 7Rewards, 7-Eleven cũng đang có nhiều phần mềm ứng dụng đằng sau để hỗ trợ hoạt động của các cửa hàng. Bên cạnh đó, 7-Eleven sẽ tiến tới tích hợp khả năng thanh toán vào ứng dụng này, ông An cho biết.
"7-Eleven được sinh ra ở Mỹ nhưng người Nhật mới là người làm cho nó hoàn hảo. Họ đã xây dựng một hệ thống được vận hành và điều phối tốt. Chính người Nhật đã nghĩ ra hệ thống làm việc chung với các đối tác", ông Vũ Thanh Tú nói, và cho rằng điều lớn nhất mà công ty ông học được từ 7-Eleven Nhật Bản là cách xây dựng một hệ thống để kết nối mọi thứ cùng nhau.
Trường Văn