Cửa đã mở cho doanh nghiệp nhỏ?
Cánh cửa để doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận với những hỗ trợ về tín dụng, thị trường, công nghệ... đã được xác lập. Thế nhưng, vẫn còn những băn khoăn, nghi ngại trong cộng đồng các doanh nghiệp và ngay tại nghị trường Quốc hội, ngày 12.6, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chính thức được thông qua với chỉ 30 phiếu không tán thành. Theo luật này, các hỗ trợ trọng tâm cho 3 đối tượng doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Kết quả này phản ánh sự thay đổi về tư duy làm luật và nhận thức về vai trò của SME. Theo số liệu năm 2016, SME chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Khối này đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm. Tuy nhiên, số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tháng 11.2016 cho thấy, chỉ 30% doanh nghiệp SME tiếp cận được vốn ngân hàng và số vốn đi đến các địa chỉ này chỉ chiếm 3% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Có thể thấy, quyết tâm coi doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế phần nào đã trở thành hành động. Chẳng hạn, nhóm doanh nghiệp trong Top 50 của NCĐT bình chọn đã đại diện cho phần vốn hóa tương đương hơn 50% thị trường chứng khoán Việt Nam và hơn 1/5 GDP của Việt Nam. Kể cả chưa kỳ vọng cao xa về Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, khi trao đổi với NCĐT, vẫn cho rằng, nếu áp dụng luật mới, những doanh nghiệp nhỏ sẽ có thêm cơ hội để tồn tại.
Doanh nghiệp có động lực để lớn hay không khi xu hướng hiện tại đang là “nhỏ hóa’’, trong khi hỗ trợ được xác định tập trung nhiều hơn cho loại siêu nhỏ, chiếm 68,2%. Về vấn đề này, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), duy trì một cộng đồng SME sẽ khiến cho từng doanh nghiệp là chuyên nghiệp và cả cộng đồng doanh nghiệp tạo sức mạnh đáng kể. Với tinh thần như vậy, câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để chủ trương trên mang lại hiệu quả trong thực tiễn?
Hộ gia đình có muốn lên doanh nghiệp?
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường sáng ngày 13.6 về điệp khúc giải cứu thịt heo thời gian qua, hay việc thông qua Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thể là câu trả lời mà người dân chờ đợi. Có lẽ, họ cũng không chờ đợi nhiều như những thông tin trên báo chí, bởi bài toán của người nông dân đơn giản hơn nhiều.
Hai nạn nhân nổi bật trên truyền thông của cuộc khủng hoảng thừa thịt heo là chị Phạm Thị X. (Hải Phòng) và bà Đỗ Thị C. (Hà Nội) đã ổn định lại việc sản xuất và kinh doanh. Những rắc rối từ trên trời rơi xuống cũng giúp sạp hàng của họ đông khách hơn. Dù biết nếu xin đăng ký kinh doanh và chuyển lên thành doanh nghiệp như tinh thần của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ sẽ có cơ hội tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi, được hỗ trợ về thị trường, theo lý thuyết, giúp họ tránh được cơn biến động như vừa qua. Nhưng họ vẫn không có ý định chuyển lên “chuyên nghiệp”.
Trong hình dung của 2 người phụ nữ này, thành doanh nghiệp chỉ mang lại thêm những rắc rối. Hết sổ sách kế toán, rồi hết thuế môn bài đến thuế sản phẩm, trực thu, gián thu..., chưa kể là những kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, thanh tra thuế... Tất nhiên, đứng từ góc độ một công dân đặt quyền lợi của nền kinh tế lên cao nhất, đặc biệt trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn như hiện nay, tham gia như một chủ thể có pháp nhân để thực hiện đầy đủ việc đóng góp vào ngân sách quốc gia là một việc đáng làm. Khi khung thuế môi trường với xăng dầu được điều chỉnh tăng lên tới 8.000 đồng/lít, người ta vẫn có thể lý luận, điều này giúp người dân được thể hiện trách nhiệm công dân thì kinh doanh hộ gia đình tự nguyện chuyển thành doanh nghiệp cũng không phải là điều khó hiểu.
Rủi ro khởi nghiệp và tham gia chuỗi
Khi trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu ra thực trạng nhức nhối, trong quý I/2017, tỉ lệ doanh nghiệp khai sinh trong tương quan với số doanh nghiệp khai tử là 10/9. Nguồn lực của nền kinh tế càng dàn trải, cơ hội tồn tại của các doanh nghiệp càng giảm bớt. Nguồn lực vốn không nhiều, lại hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp mà tỉ lệ sống thấp như vậy liệu có phải là điều hợp lý?
Theo ông Thiên, doanh nghiệp lớn chính là nhà tài trợ cho khởi nghiệp. Nhà nước chỉ đóng vai trò tài trợ nhân lực, hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, tạo ra chính sách cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chứ không thể là nhà tài trợ. Thiết nghĩ, khuyến nghị này rất cần được xem xét khi ứng xử với nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Về nhóm doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, liệu có thể kỳ vọng, doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người, tổng nguồn vốn không quá 100 tỉ đồng tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và có đổi mới sáng tạo về quy trình công nghệ? Sự thật là doanh nghiệp càng nhỏ càng khó có cơ hội tạo ra sản phẩm cạnh tranh về giá và chất lượng, theo kịp, chứ không nói đến việc dẫn dắt về công nghệ. Vậy ai sẽ là người được nhận những hỗ trợ này? Những nghi ngại về dòng tiền lại đi vào những địa chỉ thân hữu không phải là không có cơ sở.
Ông Hiroshi Arai, Cục Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, cho hay, Nhật còn có khoảng 70-80 chính sách, luật hỗ trợ cho SME. Hiện ở Nhật có khoảng 8.000 chuyên gia làm công tác hướng dẫn kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ cách vận hành, thực hiện thủ tục kế toán hợp lý... “Chúng tôi dành 310 triệu USD để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khu vực này. Ngoài hỗ trợ tài chính, chúng tôi có các chính sách hỗ trợ đào tạo. Trong đó Luật khuyến khích hiện đại hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, ông Hiroshi Arai nhấn mạnh.
Dù vậy, khi đối chiếu với tình hình Việt Nam, những người lạc quan vẫn trấn an rằng, khi xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành và thiết kế từng chương trình cụ thể của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, bức tranh sẽ sáng rõ hơn.
Hoàng Hạnh