Ảnh: TL

 
Công Sang Thứ Sáu | 01/03/2019 13:30

“Cú nhảy cóc” của Yeah1

Mua lại một công ty đang lỗ của Mỹ dường như là một món hời cho Yeah1 trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng.

Cuối năm 2018, Yeah1 công bố mua lại 100% cổ phần ScaleLab (Mỹ) với giá mua tối đa là 20 triệu USD, trong đó 8 triệu USD sẽ dựa trên hiệu quả kinh doanh của ban lãnh đạo sau khi sáp nhập. ScaleLab thành lập năm 2013 và hiện đóng góp 3 tỉ lượt xem mỗi tháng cho YouTube nhờ có hơn 410 triệu người theo dõi.

Bước ra thế giới

Trước đó, Yeah1 đã mua lại SPRINGme (Thái Lan), SomethingBig (Pháp). Tuy nhiên, thương vụ kết thúc đầu tháng 1.2019 lại được chú ý nhất vì Công ty mua lại ScaleLab khi doanh thu đơn vị này trong năm 2018 là gần 30 triệu USD. Đây là con số khá thấp so với Công ty đang sở hữu lượng khách hàng gấp 4 lần dân số Việt Nam. Một điều thú vị khác nữa là ScaleLab đang lỗ.

ScaleLab là đại diện cho các công ty trong lĩnh vực mạng đa kênh (Multi-Channel Network - MCN). MCN có thể hiểu là  mạng lưới các kênh (channel) có nhiều người xem hoặc đăng ký trên các nền tảng video của YouTube. Doanh thu nhóm này phần lớn đến từ việc quảng cáo trong các video clip hoặc đến từ các nhãn hàng. Để tăng số lượng lượt xem, các MCN thường hợp tác với những người có ảnh hưởng trên internet và chia sẻ doanh thu với họ. Càng nhiều người xem, khả năng nhấp vào các quảng cáo bên trong clip càng nhiều, các MCN sẽ càng có lợi. Nhưng dù sở hữu hàng trăm triệu người xem, các MCN vẫn lỗ và thậm chí là phá sản. DEFY (sở hữu MCN Smosh và Clevver), đã phải đóng cửa vì lỗ hồi tháng 11 năm ngoái.

“Cu nhay coc” cua Yeah1
 

Các MCN thường nhận 55% doanh thu từ YouTube nhưng chi từ 70-95% số đó cho các đối tác. Điều này dẫn đến chi phí là vấn đề lớn của MCN, nhất là ở Mỹ phải đối mặt trong khi doanh thu ngành này đươc ví như lượm bạc cắc. Theo ông Niraan De Silva, Giám đốc Chiến lược của Yeah1, chi phí các MCN đó xuất phát từ các nước phát triển nên khá cao, trong khi doanh thu lại thấp do người xem đến từ các nước đang phát triển, nơi giá trị quảng cáo cho lượt xem thấp hơn. Đó là lý do nhiều công ty buộc phải đóng cửa trong thời gian qua. Việc mua lại ScaleLab, Yeah1 đang làm một quy trình ngược lần đầu tiên xuất hiện trong lĩnh vực MCN: dùng công ty có chi phí vận hành thấp mua lại công ty có chi phí vận hành cao.

Theo ông Niraan, sau khi mua lại ScaleLab, Công ty bắt đầu phân phối các nội dung mới thông qua mạng lưới đối tác sẵn có. Doanh thu ScaleLab được kỳ vọng vẫn giữ nhưng chi phí vận hành giảm đáng kể nhờ chuyển về cho đội ngũ Việt Nam quản lý. “Ngay khi mua lại ScaleLab chúng tôi đã hòa vốn”, ông Niraan khẳng định. Dường như lợi ích của Yeah1 chưa dừng lại ở đó, theo ông Niraan, việc sở hữu ScaleLab giúp Công ty xếp vào nhóm 3 công ty MCN có độ phủ rộng nhất thế giới hiện nay là Vivo (trực thuộc Sony Nhật), RTL (Đức). ScaleLab rõ ràng đã đưa Yeah1 bước ra thế giới với giá chỉ vài chục triệu USD.

Cuộc chiến quy mô

Theo khảo sát của McKinsey, độ lớn thị trường quảng cáo số toàn cầu trong năm 2018 là hơn 224 tỉ USD và dự đoán sẽ đạt hơn 272 tỉ USD vào năm 2020. Đây là cuộc chiến về quy mô, do đó các công ty truyền thông số đang ráo riết mua bán sáp nhập để tăng độ phủ trên internet trong thời gian qua. Việc có độ phủ rộng, sẽ tạo lợi thế cho các công ty truyền thông số trên bàn đàm phán với các nhãn hàng lớn, bằng cách truyền tải các chiến dịch quảng cáo len lỏi khắp internet. Điều này cũng giúp thu hút các cá nhân có ảnh hưởng trên internet (influencer) tham gia mạng lưới MCN của công ty. Hai yếu tố này sẽ tạo rào cản gia nhập ngành cho các công ty có ít độ phủ hơn vì có đến 70% nội dung được phát trên các MCN hiện nay là do bên thứ 3 (các influencer, các nhà sản xuất nội dung) cung cấp.

“Cu nhay coc” cua Yeah1
 

“Vấn đề của các influencer hiện nay là độ phủ nội dung của họ chỉ phục vụ thị trường bản địa. Việc hợp tác với các MCN lớn sẽ giúp họ tiếp cận người xem ở các quốc gia khác, không những tăng doanh thu mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới”, ông Niraan nói. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của các công ty truyền thông số là thông qua các đối tác, họ sẽ có được dữ liệu chính xác về thị hiếu người sử dụng. Đây là nền tảng cho các công ty số bước tiếp bước thứ 2: tạo các nội dung độc quyền, vốn đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty hơn.

Do đó, không khó hiểu khi các công ty như Yeah1 đầu tư về phim hoặc các nhóm nhạc trẻ, với hệ thống phân phối toàn cầu, họ sẽ hưởng trọn 100% doanh thu từ YouTube thay vì chia sẻ với các influencer khác. Đông Nam Á với hơn 400 triệu người đang là điểm đến hấp dẫn vì doanh thu hằng năm của ngành công nghiệp nội dung số khu vực ước đạt 150 tỉ USD, trong đó nguồn thu từ bản quyền đạt 5-7 tỉ USD.

Có thể nói lợi thế lớn nhất của Yeah1 hiện nay là xây dựng được đội ngũ vận hành có chi phí tốt nhất nhờ lợi thế nhân công từ Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng đi xa đến đâu thì phải chờ thời gian trả lời. Bên cạnh đó, khả năng lợi thế về nhân công của Yeah1 sẽ sớm không còn khi các đối thủ khác nhận ra tiềm năng và đặt đội ngũ vận hành ở Việt Nam.

Đại diện Yeah1 cho biết sẽ sớm công bố việc sáp nhập với một MCN mới để tăng độ phủ trong thời gian tới. “Chúng tôi là công ty đại chúng, chúng tôi phải tính toán cụ thể cho mỗi bước đi”, ông Niraan nói.