Cú lột xác ngoạn mục của một ngân hàng
Với tư cách người tham mưu trong việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước nhận định, các ngân hàng cần coi tái cơ cấu là quá trình thường xuyên, liên tục. Nợ xấu là câu chuyện phát sinh thường ngày. Với con đường phía trước còn dài, còn rất nhiều việc cần phải làm để đưa hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững trong giai đoạn 2016-2020. Điều này cũng đòi hỏi sự trao đổi, chia sẻ từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học.
Tại hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng” vừa được Ngân hàng Nhà nước tổ chức ở Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định, ngành ngân hàng đã triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu. Những thành công bước đầu của đề án này được xem là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Trong các trường hợp tự tái cấu trúc, không nhiều các ngân hàng nhỏ có thể tái cấu trúc thành công và đạt được những tiến bộ nhanh chóng như trường hợp TPBank. Các nhà lãnh đạo của TPBank cho rằng, sự thành công đã đến từ niềm tin vững chắc vào năng lực nội tại và chiến lược phù hợp mà họ theo đuổi.
Còn nhớ vào thời điểm bắt đầu tái cơ cấu năm 2012, những nhà lãnh đạo của TPBank phải đối mặt với nhiều thách thức. Nợ tồn đọng trên thị trường cả ngàn tỉ đồng, dẫn đến việc phải trích lập dự phòng lớn. Do vậy mà số lỗ lũy kế năm 2011 trở nên quá sức, khiến niềm tin vào một viễn cảnh phục hồi của ngân hàng bị nghi ngờ.
Nhưng với thái độ quyết liệt và sẵn sàng đối diện với khó khăn, TPBank nỗ lực vạch ra các phương hướng xử lý khả thi. Các cổ đông, bộ máy điều hành mới đều quyết tâm và tâm huyết với ngân hàng… Nhờ vậy, ngân hàng này đã nhanh chóng thoát khỏi khó khăn.
Cụ thể, ngay tại thời điểm tái cơ cấu, TPBank đã chú trọng đến công tác xử lý thu hồi các khoản nợ quá hạn, thành lập ban xử lý nợ có sự tham gia, chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo cao cấp, cùng các biện pháp phân loại xử lý nợ tích cực. Vì thế, tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh qua các thời kỳ sau tái cơ cấu.
Bên cạnh việc gấp rút xử lý nợ, TPBank đã nhanh chóng tăng vốn điều lệ thêm 2.250 tỉ đồng, để tạo lớp đệm tài chính mới, vững chắc hơn. Ngân hàng cũng xác lập cho mình những chiến lược hoạt động mới, nhằm khai phá thị trường phù hợp với khả năng cạnh tranh, tập trung vào 4 mũi nhọn chính, gồm kinh doanh vàng bạc, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ và đặc biệt, xác định trở thành ngân hàng điện tử hiện đại tại Việt Nam. Chỉ sau một năm tái cơ cấu, TPBank đã ghi nhận lợi nhuận 363 tỉ đồng trong năm 2013. Con số này tăng 48% vào năm 2014 và đến tháng 6.2015, với lợi nhuận đạt tới 342 tỉ đồng, ngân hàng chính thức khắc phục được khoản lỗ khủng lũy kế trước đó.
Niềm tin của khách hàng đối với TPBank dần quay trở lại. Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của TPBank tăng 245% so với cuối năm 2012, đạt 51.700 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động của TPBank đã được cải thiện rất đáng kể: tỉ lệ nợ xấu từ diện cao nhất trong hệ thống giờ chỉ còn 0,48%, mức có thể xem là thấp nhất trong các ngân hàng Việt Nam và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Sự khởi sắc của TPBank là một điển hình cho cơ hội hồi sinh của các ngân hàng nhỏ tại Việt Nam, dù phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn và thị trường bị thống trị bởi những ngân hàng lớn thuộc sở hữu Nhà nước.
“Việt Nam cần có những ngân hàng vừa và nhỏ hoạt động có hiệu quả trong một phân khúc thị trường thích hợp và đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngân hàng cho nhiều tầng lớp trong xã hội”, Tiến sĩ Bùi Quang Tín thuộc Đại học Ngân hàng TP.HCM đánh giá.
Không thỏa mãn với những gì làm được hiện nay, Ban Lãnh đạo TPBank sớm đặt ra chiến lược mới cho giai đoạn sắp tới. Cụ thể đến năm 2020, TPBank sẽ vào nhóm các ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Với nền tảng vững chắc hơn và năng lực đã được kiểm chứng trong thời gian qua, Ban Lãnh đạo TPBank có đủ cơ sở để tin tưởng rằng giấc mơ của mình sẽ trở thành hiện thực.
Sơn Thanh