Hợp tác giữa Vietcombank và FWD được đánh giá sẽ giúp hàng triệu người dân Việt Nam được tiếp cận và bảo vệ với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: Minh Trường
Cú hích mới cho thị trường bancassurance
Buổi lễ ký kết hợp tác độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng giữa Vietcombank và Tập đoàn FWD vừa qua không chỉ có sự tham dự của đại diện cao nhất đến từ hai bên là ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank và tỉ phú Richard Li - Nhà sáng lập, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Pacific Century, tập đoàn mẹ của FWD mà còn thu hút sự quan tâm chú ý của toàn ngành tài chính Việt Nam.
So bó đũa, chọn cột cờ
Giải thích về lý do FWD đã vượt qua nhiều tập đoàn bảo hiểm tên tuổi khác để trở thành đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền của Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết FWD có ưu thế nổi bật trong việc ứng dụng kỹ thuật số vào tất cả quy trình của hoạt động bảo hiểm, có quan điểm phát triển sản phẩm đa dạng, đơn giản, phù hợp với từng phân khúc khách hàng, tương thích với chiến lược Chuyển đổi Ngân hàng số và Chiến lược phát triển hoạt động Ngân hàng bán lẻ của Vietcombank.
Theo đại diện của Vietcombank, Tập đoàn Bảo hiểm FWD là đối tác bảo hiểm phù hợp để triển khai hợp tác bán độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại hệ thống Vietcombank. |
Theo thông tin chính thức từ hai bên, hợp đồng hợp tác giữa Vietcombank và FWD có thời hạn 15 năm và đây là hợp đồng độc quyền, nghĩa là FWD sẽ độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua hệ thống của Vietcombank trong 15 năm tới. FWD cũng đồng thời mua lại công ty Vietcombank Cardif (VCLI), công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif. Giao dịch này đang chờ sự phê duyệt của các cơ quan chức năng và hai bên đều từ chối tiết lộ giá trị của giao dịch này. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg tiết lộ từ đầu tháng 9 thì con số ban đầu ước tính lên đến 400 triệu đô la Mỹ.
Vietcombank sẽ chuyển nhượng vốn góp 45% tại VCLI cho Tập đoàn bảo hiểm FWD. Vừa qua, HĐQT của Vietcombank cũng đã thông qua giao dịch với ngân hàng Mizuho Bank chi nhánh Hà Nội về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền chuyển nhượng phần vốn góp của Vietcombank tại VCLI. Sau khi giao dịch hoàn tất, FWD sẽ hợp nhất VCLI vào hoạt động kinh doanh hiện có tại Việt Nam.
Vietcombank đã mở tài khoản nhận lại tiền chuyển nhượng phần góp vốn của mình tại VCLI. |
Cục diện bancassurance sẽ thay đổi?
Giao dịch và thỏa thuận hợp tác giữa Vietcombank và FWD được các chuyên gia tài chính dự báo sẽ làm thay đổi đáng kể bảng xếp hạng thị trường bancassurance. Với mạng lưới rộng khắp với hơn 560 chi nhánh, phòng giao dịch cùng với các sản phẩm bảo hiểm mới, đơn giản, dễ hiệu được hỗ trợ bởi công nghệ của FWD, Vietcombank khẳng định mục tiêu sẽ nhanh chóng trở thành ngân hàng đứng đầu về doanh thu bảo hiểm.
Phía FWD cũng không giấu tham vọng mối hợp tác sẽ đưa hoạt động kinh doanh của công ty lên một tầm cao mới, với mục tiêu xây dựng một mô hình liên kết bảo hiểm - ngân hàng dẫn đầu không chỉ tại Việt Nam và trên toàn khu vực châu Á. Trước thương vụ với Vietcombank, FWD đã mua lại và hợp tác với Ngân hàng Siam Thái Lan, trở thành đối tác chiến lược của nhiều ngân hàng lớn tại Châu Á như tại Philippines là Security Bank Corporation, tại Malaysia là HSBC và tại Indonesia là Commonwealth of Australia, tại Hồng Kông là ICBC (Industrial and Commercial Bank of China).
Nói về quyết định đồng hành cùng Vietcombank, ông Richard Li cho rằng hợp tác với Vietcombank là bước tiến phù hợp tiếp theo trong chiến lược của FWD là trở thành công ty có kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đầu tại Châu Á và thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm.
Chiều 12/11/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Richard Li, người sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Pacific Century, Tập đoàn mẹ của FWD. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Ông Richard Li cho biết thêm việc hợp tác với Vietcombank đồng nghĩa với việc FWD sẽ mở rộng cả về quy mô và phạm vi của mình, giúp nâng cao năng lực tiếp cận nhiều khách hàng hơn trên phạm vi cả nước, tăng cường cạnh tranh và giành vị thế tại thị trường năng động này.
Kỳ vọng của Vietcombank và FWD hoàn toàn có cơ sở. Trong 5 năm qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam tăng trưởng từ 25%-35%/năm, trong khi đó thị phần của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng từ mức 4% vào năm 2012 đã tăng lên mức 17% vào năm 2018. Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng của kênh bancassurance cao hơn tốc độ tăng trưởng của doanh thu bảo hiểm nói chung. Với việc hợp tác của Vietcombank và FWD, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến những bước tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian tới.