CTTPP: Áp lực cải cách và quyền sở hữu tư nhân
Việc 11 quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một bước tiến lớn rất quan trọng trong hợp tác khu vực theo hướng mở hơn, sâu hơn và toàn diện hơn.
Hiệp định này cũng là một bước tiến đột phá trong việc tạo lập một khung khổ thể chế mới quản trị sự hợp tác kinh tế khu vực trong điều kiện quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa đang phải đối diện với xu hướng trái chiều quay về bảo hộ và biệt lập cản trở tự do hóa và hội nhập.
Ý nghĩa của thể chế quản trị khu vực này được xem như một giải pháp thành công, tháo gỡ những bế tắc trong quá trình phát triển của toàn cầu hóa, tự do hóa những năm gần đây. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi các quốc gia tham gia phải cải cách thể chế cần thiết cho phù hợp với việc thực hiện thể chế hợp tác khu vực này.
Việt Nam tham gia CPTPP đương nhiên nhằm mục đích trước hết là thuận lợi hóa thương mại, tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư có chất lượng cao. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này, đặc biệt là những lợi ích gián tiếp, bên cạnh những lợi ích trực tiếp về mở cửa thị trường.
Thế nhưng, để được hưởng những lợi ích đó, CPTPP yêu cầu nước ta phải có những bước tiến mới mạnh mẽ hơn về cải cách thể chế kinh tế để tạo ra được động lực nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Do đó, CPTPP thật sự cũng là một áp lực và một cơ hội lớn đối với nước ta trong quá trình đổi mới, cải cách để dắt dẫn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Trong hiệp định CPTPP tuy không trực tiếp đặt ra vấn đề về quyền tài sản, về sở hữu nhưng trên thực tế để thực hiện được các yêu cầu của hiệp định đòi hỏi các quốc gia tham gia, nhất là các nước chưa có nền kinh tế thị trường đầy đủ phải rất quan tâm vấn đề cải cách thể chế theo hướng thật sự tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân trong hoạt động kinh tế.
Nhiều năm qua, WB không ghi nhận bất kỳ một cải cách nào của Việt Nam về đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, thậm chí thứ hạng còn liên tục giảm trong 10 năm qua, từ vị trí 40 nay đã xuống vị trí 63.
Báo cáo năm 2035 cũng chỉ rõ: Muốn thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân Việt Nam, nâng cao năng suất của khu vực tư nhân Việt Nam thì quyền tài sản là số 1 phải quan tâm. Thứ hai là nền tảng tiếp cận nguồn lực, mà cái đó cũng liên quan đến sở hữu.
Công cuộc cải cách ở nước ta đang đứng trước những yêu cầu và thách thức lớn, trong đó một vấn đề cơ bản của cải cách thể chế kinh tế theo hướng thị trường là giải quyết vấn đề quyền tài sản. Vấn đề này đã được đặt ra từ nhiều năm nay, đã được giải quyết từng bước tích cực, thể hiện trong việc xác định vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế về quyền sử dụng đất…
Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc hạn chế cần tiếp tục giải quyết để giải phóng mạnh mọi nguồn lực phát triển còn rất lớn trong xã hội. Kinh tế tư nhân cần được bình đẳng thật sự trên thực tế với kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài về tiếp cận đất đai, vốn tín dụng và các thủ tục hành chính, giảm bớt hẳn các điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Ở nông thôn cần mở rộng hơn quy mô sử dụng đất (hạn điền) và thời gian sử dụng đất, hoàn thiện các thủ tục sao cho thuận lợi dễ dàng nhất trong việc thực hiện các quyền này.
Cần tạo lập được thị trường thật sự về đất đai bảo đảm việc luân chuyển quyền sử dụng đất thuận lợi nhất với giá cả hợp lý theo nguyên tắc thị trường. Giải quyết căn bản tình trạng khiếu kiện về đất đai ở nông thôn và các khu vực mở rộng xây dựng hạ tầng và đô thị.
Một điểm quan trọng nữa, tiếp tục nghiên cứu để sớm có kết luận về thừa nhận có sở hữu tư nhân về đất đai. Như vậy, có thể nói mối quan hệ giữa cải cách thể chế và tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế là mối quan hệ nhân quả. Và cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng như thế nào khi nước ta tham gia CPTPP.
(*) Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.