Reuters
CPTPP: Cơ hội cho Việt Nam phát triển nhanh, bền vững
Quốc hội dự kiến phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. TS Võ Trí Thành, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, thương hiệu và cạnh tranh, cho biết cá nhân ông đã “gần như chắc chắn” Quốc hội sẽ phê chuẩn CTTPP tại kỳ họp này.
Theo Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, thương hiệu và cạnh tranh, CTTPP để có hiệu lực cần có 6 nước thành viên thông qua. Đến nay, đã có 4 nước là Mexico, Nhật Bản, Singapore và mới nhất là New Zealand. Về nguyên tắc còn phải chờ một số thủ tục quy trình pháp lý nhưng "nhiều khả năng Australia cũng sẽ sớm thông qua hiệp định này", ông Thành nói.
Trong khi đó, Việt Nam, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã khẳng định việc sẽ trở thành một trong 6 thành viên đầu tiên hoàn tất phê chuẩn Hiệp định này. Tham gia CPTPP, Việt Nam khẳng định cam kết tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, sẽ có hai tác động tích cực được tạo ra nếu Quốc hội phê chuẩn CTTPP tại kỳ họp Kỳ họp này.
Thứ nhất, lòng tin của thị trường, của nhà đầu tư, của doanh nghiệp vào nỗ lực tiếp tục hội nhập sâu rộng, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam. Bởi vì CTTPP là một hiệp định chất lượng cao có tác động rất nhiều đến cải cách thể chế.
Thứ hai, CTTPP sẽ mở ra rất là nhiều cơ hội mới về thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, kĩ năng, cũng như cả tác động trực tiếp lẫn gián tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam.
“Việc Quốc hội phê chuẩn CTTPP đặt ra nhiều kì vọng”, TS Thành cho biết. Dự kiến, Quốc hội sẽ họp Kỳ này trong thời gian 24 ngày (không kể ngày nghỉ), từ 22.10 đến 21.11.2018.
Hiệp định CPTPP chính thức được 11 nước thành viên ký kết tại Santiago của Chile hồi tháng 3 năm nay, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Với CTTPP, khoảng 500 triệu người tại 11 quốc gia có thể tiếp cận với nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ đa dạng với giá rẻ hơn. Cùng với hơn 10.000 tỉ USD sản lượng kinh tế, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, các quốc gia này mang đến nhiều triển vọng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo TS Thành, hội nhập chưa chắc đã đảm bảo cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, nhưng không có hội nhập, chắc chắn Việt Nam không thể phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam chấp nhận những rủi ro và thách thức và đây là những việc cần làm để có được cơ hội phát triển nhanh và bền vững.