Ảnh: Tuoitre.vn
CPTPP: Cơ hội cho ngành nông nghiệp có thể không lớn
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực ngày 14/1/2019 trên thực tế không phải cơ hội vàng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
4 thách thức lớn
CPTPP là một thị trường lớn với tổng dân số khoảng 500 triệu người, tổng giá trị GDP năm 2018 là 11 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP và 14% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
Cơ hội mà CPTPP mang lại cho ngành nông nghiệp có thể không quá lớn do các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam đều đã được hưởng thuế suất ưu đãi tại các thị trường lớn thông qua các FTA song phương, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận xét tại Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” hôm 2.7.
Về sức cầu, tổng kim ngạch nhập khẩu của 10 nước đối tác trong CPTPP là gần 2.500 tỷ USD năm 2018. Tuy nhiên, năm 2018 Việt Nam mới xuất khẩu sang các nước này 36,8 tỷ USD, chiếm khoảng 1,6% tổng giá trị nhập khẩu của khối, trong đó kim ngạch xuất khẩu nông sản là 5,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 14% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối này.
Như vậy, xét riêng thị trường xuất khẩu nông sản, khối này chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2018.
Trong khi đó, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam đạt 40 tỷ USD, đứng thứ 15 trên thế giới với thị trường trải rộng trên 180 quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu nông sản chiếm 16,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2018, theo Tổng cục Thống kê và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Trong khi đó, CPTPP đang đặt ra 4 thách thức lớn cho ngành nông nghiệp nói chung xuất khẩu nông sản Việt Nam nói riêng,.
Thứ nhất, quy định khắt khe về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ là lực cản lớn đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Theo quy định tại Chương 7 về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Biện pháp SPS), các bên sẽ áp dụng đầy đủ các nội dung theo Hiệp định SPS và các bên sẽ phải thành lập Ủy ban SPS nhằm tăng cường việc thực thi của các bên về vấn đề này.
Thứ hai, các quy định về tiêu chuẩn lao động, công đoàn… nhiều khả năng sẽ tạo thêm nhiều chi phí phát sinh cũng như tăng chi phí lao động. Tại Chương 19 về lao động, Hiệp định đã nêu rõ việc các bên cam kết thực hiện bảo vệ các quyền quốc tế về lao động.
Thứ ba, quá trình dỡ bỏ các rào cản thuế quan sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn cho nhiều nông sản tại thị trường trong nước như rau quả, thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm đã qua chế biến từ các nước như Úc, New Zealand, Chile.
Thứ tư, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tuy có thể giúp gia tăng xuất khẩu một số mặt hàng sang Mỹ và các nước lân cận nhưng ngược lại, hàng hóa của Trung Quốc được dự báo sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam, cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam tại thị trường nội địa.
Tiến sĩ Lực cho rằng, thách thức rất lớn khi ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào lợi thế tự nhiên và lao động giá rẻ, hàm lượng công nghệ thấp, chuỗi giá trị nông nghiệp mới sơ khai…
Cam kết thuế của Việt Nam
Các thành viên CPTPP đều cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ Biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình. Các cam kết mở cửa thị trường được thể hiện chi tiết theo từng dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu của mỗi nước CPTPP.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, bà Phạm Quỳnh Mai, cho biết, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.
Việt Nam đưa ra 4 cam kết đối với mặt hàng nông sản cụ thể cho các nước CPTPP: - Xóa bỏ thuế ngay đối với mặt hàng gạo, quả nhiệt đới và hoa tươi của các nước CPTPP - Cơ bản xóa bỏ thuế đối với cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều (trong 4 năm) và rau củ nhiệt đới (3 - 4 năm) - Có lộ trình xóa bỏ thuế trong 2 - 4 năm đối với các mặt hàng khác như quả nhiệt đới (2 năm), quả ôn đới (3 - 4 năm) - Xóa bỏ thuế trong hạn ngạch của WTO đối với đường và muối (vào năm thứ 11), và trứng (vào năm thứ 6) |
Ở chiều ngược lại, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước.
Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình, trong khi một số đối tác CPTPP cũng đưa ra một số cam kết thuế nhập khẩu với mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam.
Canada cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu gạo, rau và hoa quả được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm.
Australia cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, khoảng 2,9 tỷ USD ngay khi thực hiện Hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam, bao gồm gạo và các sản phẩm gạo, rau và hoa quả đều được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Mexico cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Sức ép cạnh tranh ngày một lớn, bà Mai khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong khối nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.