VNMedia
CPI tháng 1 có “đóng góp rất lớn” của điều hành giá điện
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1.2018 đã tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2017, Tổng cục Thống kê xác nhận.
CPI tháng 1 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu, như giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt kể từ đầu năm đóng góp làm tăng CPI chung 0,11%. Cạnh đó, giá điện sinh hoạt tăng 2,64% do giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 1/12/2017 theo Quyết định số 4495 ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương, đóng góp làm tăng CPI chung 0,06%.
Thị trường và điều hành, hai nguyên nhân dẫn đến biến động giá trong tháng 1 năm nay, trong đó giá lương thực, giá xăng dầu tăng cao bởi tác động của yếu tố thị trường còn tăng giá điện và giá dịch vụ y tế lại chịu tác động mạnh từ việc điều hành.
Điều hành giá cả, điển hình là giá điện, một điểm “không hài lòng” của kinh tế năm 2017, dù CPI bình quân năm 2017 chỉ tăng 3,53% so với năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem), nhận xét.
Năm 2017, điều hành chưa thực sự ổn định, ông Dương nói và dẫn chứng, các đơn vị liên quan đã tìm mọi cách để tăng giá điện và tháng 12, giá điện đã được điều chỉnh khi triển vọng lạm phát dưới mục tiêu.
Người đứng đầu Ban Kinh tế vĩ mô của Ciem cũng cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của năm 2018 không nhiều thách thức, đặc biệt là nhìn từ góc độ điều hành kinh tế vĩ mô.
Lạm phát năm nay sẽ không trở thành vấn đề khi chúng ta vẫn giữ được sự kiên định với chính sách tiền tệ, đạt được mục tiêu đề ra về tổng phương tiện thanh toán, đạt mục tiêu về tăng trưởng tín dụng và xử lý hiệu quả dòng vốn nước ngoài, theo ông Dương.
Thế nhưng, “rủi ro nằm ở điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý” và “nó có thể tác động đến lạm phát”, ông Dương cảnh báo. Theo ông, câu chuyện điều hành giá điện, “không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát của Chính phủ mà còn tác động trực tiếp đến túi tiền của người dân”.
Từ 1.12.2017, giá điện bình quân tăng 6,08% lên 1.720,65 đồng/kWh, theo đề xuất của Bộ Công Thương cùng kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ý nghĩa con số lạm phát sẽ không lớn bằng áp lực xã hội đối với việc điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tham vấn và xây dựng kịch bản điều hành ít gây xáo trộn đối với cuộc sống của người dân nhất mà vẫn bảo đảm được cải cách trong các ngành mà nhà nước quản lý giá, mà giá điện chỉ là một trong số đó ?
“Đầu tiên vẫn là phải ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức thấp như hiện nay và điều hành giá cả phải nhất quán hơn nữa”, ông Nguyễn Anh Dương tham vấn.