CPI tăng 8 tháng liên tiếp
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2016 của cả nước đã tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 2,28% so với cùng tháng năm trước.
Như vậy, tính dồn sau 5 tháng đầu năm, so với tháng 12 năm trước CPI cả nước đã tăng 1,88%.
Việc CPI tăng liên tiếp trong 8 tháng gần đây đã dấy lên những quan ngại về việc lạm phát sẽ quay trở lại vào năm nay. CPI năm nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng mạnh do tác động của thị trường thế giới về giá lương thực, nhiên liệu. Mặt khác, mặt bằng giá năm ngoái ở mức thấp kỷ lục nên càng tạo cơ hội cho giá các mặt hàng tăng mạnh trong năm nay.
Xét trong dãy số liệu lịch sử, CPI tháng này được ghi nhận là tháng 5 có mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Ngoài ra, tháng 5 năm nay cũng được ghi nhận là tháng có 11 nhóm hàng đồng loạt tăng giá so với tháng trước trong vòng 3 năm qua.
Tăng cao nhất trong tháng là nhóm giao thông với mức tăng 2,39% chủ yếu do tác động từ việc tăng giá của các mặt hàng xăng dầu liên tục trong thời gian qua. Ngoài ra, cũng cộng hưởng từ việc tăng giá của các loại xăng dầu, giá vé ôtô khách cũng đã tăng nhẹ so với tháng trước.
Mức tăng cao thứ hai thuộc về nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 0,88%. Giá gas bán lẻ liên tục điều chỉnh tăng mạnh trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính làm chỉ số giá nhóm hàng này tăng mạnh.
Ngoài ra, việc giá bán lẻ dầu hỏa được điều chỉnh tăng theo giá các mặt hàng xăng dầu khác cũng góp phần đáng kể vào mức tăng trên.
Tuy không phải mức tăng cao nhất nhưng nhờ có quyền số lớn nhất nên ảnh hưởng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lên chỉ số chung là không nhỏ.
Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 0,36%, trong đó lương thực tăng 0,68%, thực phẩm tăng 0,38% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,16%.
Lương thực đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố trong và ngoài nước.
Trong nước, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã khiến tâm lý lo ngại nguồn cung bị hạn chế trong tương lai đã đẩy giá thu mua lương thực tăng lên. Ngoài ra, Việt Nam đã và đang thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo lớn sang Trung Quốc và Indonesia nên cũng tác động khiến giá gạo tăng cao.
Tuy nhiên, với động thái xả kho gạo mới đây của Thái Lan chắc chắn khiến giá gạo trong nước và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng.
Tính từ đầu năm, giá các mặt hàng lương thực đã tăng 3,19%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng của chỉ số chung.
Cũng trong diễn biến tăng giá, các mặt hàng thực phẩm đã bật tăng trở lại sau khi giảm theo quy luật ở 2 tháng trước trong khi giá các dịch vụ ăn uống ngoài gia định tiếp tục mạnh.
Các nhóm hàng còn lại đều tăng nhẹ trong đó tăng thấp nhất là nhóm giáo dục với mức 0,02%.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ lại diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức tăng 1,45% và giảm 0,1%.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2016 cũng đã tăng 1,78% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Nguồn VnEconomy