CPI quý IV có thể tăng 1% mỗi tháng
“Bộ Tài chính đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các kịch bản điều hành giá một số mặt hàng quan trọng (xăng, dầu, điện, than, một số dịch vụ công…) trong thời gian còn lại của năm 2012 và cả năm 2013 để chủ động trong thực hiện”, ông Nguyễn Đức Chi - Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết trong buổi Họp báo định kỳ tổ chức chiều ngày 11/10/2012.
Nhìn lại tháng 9, với quyền số chiếm tới 5,72% trong rổ hàng hóa CPI của nhóm giáo dục, việc tăng học phí đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,6%, tương tự với quyền số 5,61% của nhóm thuốc và dịch vụ y tế, việc tăng viện phí khiến CPI tăng 0,94%. Một số ý kiến cho rằng CPI tháng 10 sẽ không chịu tác động mạnh của 2 yếu tố này. Nhưng đến tháng 9 mới chỉ có 12 tỉnh tăng giá nước sạch; 32 tỉnh, thành phố trong cả nước đồng loạt tăng giá dịch vụ y tế với các mức tăng khác nhau. Bước vào năm học mới, 42 tỉnh, thành phố đã điều chỉnh tăng học phí.
Hơn nữa trong chỉ thị tăng cường quản lý, điều hành, bình ổn giá cuối năm của Thủ tướng mới chỉ yêu cầu “giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá…” chứ không phải là không tăng. Vì vậy kịch bản nào cho việc điều hành giá cuối năm đang được sự trông đợi của mọi người.
“Bộ Tài chính đang xây dựng kịch bản giá, lộ trình, chưa thể công bố được. Nhưng tinh thần điều hành là căn cứ vào diễn biến thực tế, để chọn công cụ can thiệp phù hợp, đơn cử, với điều hành xăng dầu, vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị định 84 và sẽ sử dụng tổng hợp công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để can thiệp thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước - người dân - doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết.
Về giá điện, bà Mai cho biết không trả lời được vì “thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chỉ phối hợp...”. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Công Thương) cho biết: “Tháng 10 sẽ tính toán lại 3 thông số đầu vào, phân bổ lỗ kinh doanh và chênh lệch tỷ giá và phương án cho giá điện, với lộ trình từ nay đến 2015 sẽ phân bổ số lỗ 5.000 tỷ đồng vào giá thành”.
Nguồn Thời báo Ngân hàng