CPI đang tăng trở lại
Khi Tổng Cục thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng đầu năm 2016, với mức tăng 2,39% so với cùng kỳ năm ngoái, giới chuyên gia tài chính lại bày tỏ mối lo ngại về khả năng thực hiện mục tiêu quốc gia 5 năm. Bởi lẽ, thực trạng kinh tế vĩ mô hai quý đầu năm nay đã diễn biến tiệm cận với cảnh báo của giới chuyên gia nêu lên 3 tháng trước đó về nguy cơ lạm phát sẽ tăng trở lại từ vùng đáy thấp nhất 15 năm qua.
Lúc ấy, gần 95% thành viên Chính Phủ đồng thuận phê duyệt mục tiêu kinh tế đến năm 2020 kiểm soát chặt hai chỉ số kinh tế quan trọng là bội chi ngân sách quốc gia và chỉ số lạm phát, đều được đặt mục tiêu dưới 4%. Tuy vậy, con tàu kinh tế quốc gia mới đi được nửa chặng đường năm 2016 thì chỉ số CPI bình quân 7 tháng đầu năm đã tăng 1,82% so với năm 2015, trong đó chỉ tính riêng tháng 7 năm nay đã tăng 2,48% so với tháng 12 năm ngoái.
Thông thường, các nhà kinh tế sẽ đánh giá lạm phát của một nền kinh tế thông qua hai công cụ là CPI và chỉ số giảm phát GDP. Tại Việt Nam, CPI thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, không phải là một chỉ số áp dụng để đo lường trực tiếp tăng trưởng GDP hằng năm, nhưng vì sức mua tiêu dùng nội địa đóng một vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, nên sự biến thiên của CPI ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát và GDP hằng năm.
Theo nhận định của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 7, tình hình CPI vẫn được kiểm soát ổn định. Tuy nhiên, giới phân tích độc lập cho rằng, những diễn biến trên thị trường tín dụng và thị trường bất động sản cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng gần đây (mặc dù có độ trễ) chắc chắn sẽ tác động lên chỉ số CPI những tháng cuối năm nay.
Trong 2 quý đầu năm, tín dụng đổ vào bất động sản đã nóng lên trông thấy với mức tăng 8,16%, gần bằng con số cả năm 2015, tương ứng mức dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đạt gần 18,6 tỉ USD. Dư địa cho thị trường bất động sản còn cách mục tiêu tăng trưởng cả năm gần 10% sẽ khiến cho tốc độ giải ngân dòng vốn tín dụng từ ngân hàng sẽ được đẩy mạnh trong những tháng còn lại.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nhiều khả năng tổng dư nợ bất động sản trong năm nay sẽ vượt xa con số 10% của cả năm 2015. Sự ấm lên của thị trường nhà đất được phản ánh rõ vào chỉ số CPI khi tháng 7 này, nhóm mặt hàng nhà ở và vật liệu xây dựng đã tăng 0,14%, đứng thứ 3 trong nhóm các rổ mặt hàng tính CPI, trong khi nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại giảm.
Trong khi đó, thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng không hẳn hoàn toàn dựa vào tăng trưởng sức sản xuất của nền kinh tế quốc gia, bởi thặng dư thương mại 7 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt gần 1,8 tỉ USD. Trong hơn nửa năm qua, việc mua vào lượng ngoại tệ 8,2 tỉ USD, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đã giúp Nhà nước tăng lượng dự trữ ngoại hối quốc gia có giá trị tương đương 10 tuần xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với giá trị từng đó lượng tiền đồng, thông qua công cụ trái phiếu, tín phiếu và các nghiệp vụ thị trường mở, đã được đưa vào lưu thông.
Có thể thấy, lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 1,85% so với cùng kỳ, còn tính chung 7 tháng đầu năm, tăng 1,81% so với năm ngoái. Theo nhận định của Giáo sư Lê Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứ kinh tế, quản trị và môi trường Việt Nam (VCREME), đã đến lúc cơ quan quản lý cần thử nghiệm áp dụng các công cụ điều hành mới để phát triển nền kinh tế một cách bền vững hơn thay cho những chính sách tài khóa và tiền tệ truyền thống, hy sinh lạm phát để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP. Các thành phần doanh nghiệp cần được bơm dòng vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh hơn là dòng tiền nóng đổ vào mảng dịch vụ hay các hoạt động đầu cơ giá lên.
Gánh nặng về bội chi ngân sách đang gây áp lực lên chính sách thuế và phí quốc gia. Ảnh: Sơn Phạm |
Mặt khác, trong khi thước đo về tính hiệu quả của các chính sách mạnh tay chống đô la hóa (một phần thông qua việc giám sát chặt chẽ các hợp đồng tín dụng ngoại tệ) chưa được kiểm chứng rõ ràng thì gánh nặng về bội chi ngân sách lại đè nặng lên chính sách thuế và phí quốc gia. Mới đây, một loạt những biện pháp siết chặt thu ngân sách đã được triển khai đồng bộ. Chẳng hạn, viện phí dự kiến sẽ được điều chỉnh vào cuối tháng 8 này với mức tăng khoảng 50% so với viện phí trước tháng 3. Ngoài ra, học phí đại học, phí trước bạ hay phí cầu đường đều được xem xét tăng trong những tháng cuối năm. Tất cả những điều này sẽ gián tiếp tạo ra chi phí đẩy cho toàn xã hội kéo theo CPI được dự đoán sẽ tiếp tục đà tăng.
Hiện tại, đã có nhiều dấu hiệu vĩ mô củng cố cho quan điểm của các học giả kinh tế về khả năng lạm phát gần kề, thông qua việc giá cả hàng hóa dịch vụ gia tăng trong khoảng thời gian nhất định kèm theo sự suy giảm sức mua của đồng tiền một cách có hệ thống.
Minh Nguyệt