CPI 7 tháng qua tăng thấp nhất 13 năm
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2015 đã tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sau 7 tháng đầu năm, CPI cả nước tăng 0,68%, mức thấp nhất kể tăng năm 2002 trở lại đây.
Sau khi chịu tác động của việc tăng giá xăng dầu trong tháng trước qua đi, trong tháng này, CPI lại trở về nhịp tăng vốn có của nó như đã xác lập trong những tháng đầu năm.
Nhóm giao thông đã trở lại diễn biến nhẹ nhàng khi chỉ tăng 0,16% chủ yếu do tác động từ nhóm hàng xăng dầu. Mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm vào ngày 4/7 và 20/7 vừa qua nhưng theo quy định của Tổng cục Thống kê, những đợt tăng giá trong tháng trước vẫn tác động khiến bình quân giá xăng dầu tháng 7 vẫn tăng cao so với bình quân tháng 6.
Sau khi chịu tác động từ việc tăng giá các dịch vụ y tế trong tháng trước, tháng này chỉ số giá nhóm hàng này cũng chỉ tăng nhẹ nhàng ở mức 0,15% so với tháng trước.
Ở các nhóm hàng khác, đáng chú ý là mức tăng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số cao nhất. Sau khi giảm liên tiếp trong 3 tháng trước, chỉ số giá của nhóm này đã tăng trở lại ở mức 0,1% trong đó lương thực tiếp tục giảm 0,28%, thực phẩm tăng 0,24% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,1% so với tháng trước.
Do nguồn cung dồi dào, giá các mặt hàng lương thực vẫn trong xu hướng giảm giá được xác lập từ 5 tháng trước. Trong khi đó, đối với các mặt hàng thực phẩm, theo quan sát 4 tháng gần đây, giá các mặt hàng thực phẩm đang trong xu hướng đi lên.
Tháng này, ngoài tác động tăng giá do quan hệ cung cầu trên thị trường, giá một số mặt hàng như thủy sản, rau củ còn chịu tác động tăng giá do thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, mặc dù các mặt hàng thực phẩm đang có xu hướng tăng giá nhưng chưa bền vững do các mặt hàng gia súc gia cầm như bò, lợn, gà đang trong trong giai đoạn xuất chuồng đồng loạt khiến giá các mặt hàng này (chiếm quyền số tương đối lớn trong nhóm) được dự báo vẫn tiếp tục giảm giá.
Những tác động của thời tiết cũng khiến các mặt hàng thuộc nhóm may mặc, mũ nón tăng đáng kể 0,25% cao hơn mức tăng của tháng trước.
Ở các nhóm còn lại, duy nhất bưu chính viễn thông đóng vai trò “bình ổn giá” khi tiếp tục giảm 0,02% so với tháng trước.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào CPI là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức giảm 1,24% và tăng 0,09% so với tháng trước.
Nguồn VnEconomy