Công ty Cổ phần Sao Ta được ví như một ngôi sao khi vẫn liên tục kinh doanh có lợi nhuận tốt trong thời điểm rất nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn. Ảnh: TTXVN.
C.P Việt Nam sở hữu gần 17% vốn Thực phẩm Sao Ta
C.P Việt Nam đẩy mạnh đầu tư
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã mua lần lượt 4,35 triệu cổ phiếu và 5,4 triệu cổ phiếu FMC, để sở hữu 16,56% vốn của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex), đơn vị thành viên Tập đoàn PAN vào ngày 10 - 11/10 vừa qua. Trước giao dịch, tổ chức này không nắm giữ cổ phần. Hai phiên giao dịch trên cũng xuất hiện giao dịch thỏa thuận với số lượng cổ phiếu tương đương, giá trị lần lượt 217 tỉ đồng và 270 tỉ đồng, ứng với 50.000 đồng/cp.
Cũng trong ngày 12/10, Tập đoàn PAN cũng đã bán 5,4 triệu FMC, giảm sở hữu xuống 24,7 triệu cổ phiếu, tương đương 41,95% vốn. Như vậy, nhiều khả năng tập đoàn đã thu về 270 tỉ đồng từ giao dịch bán cổ phiếu FMC. Kết phiên 13/10, thị giá FMC ở mức 50.000 đồng/cp, giảm 1% so với tham chiếu, tăng hơn 60% trong 3 tháng qua. Chủ tịch Fimex, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ với truyền thông rằng bên nhận chuyển nhượng cổ phần Fimex là Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.
Công ty Cổ phần Sao Ta được ví như một ngôi sao khi vẫn liên tục kinh doanh có lợi nhuận tốt trong thời điểm rất nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn. Có thể vì vậy mà Sao Ta liên tục được các "đại gia" trong ngành để ý và mua lại.
Cụ thể, The PAN Group đầu tư vào Thực phẩm Sao Ta từ năm 2017 sau khi mua phần vốn từ Công ty Hùng Vương. Trước đó, Hùng Vương cũng cố gắng mua lại cổ phần tại Sao Ta vì thấy công ty nhiều tiềm năng. Ông Hồ Quốc Lực, cho biết hoạt động công ty đã khởi sắc hơn, bài bản hơn, có chiều sâu hơn cũng như bền vững hơn nhờ sự đống góp của The PAN Group ở tầm chiến lược. Lợi ích cổ đông nhỏ lẻ cũng được đảm bảo bởi sự minh bạch thông tin.
Doanh thu 9 tháng đầu năm của công ty đạt 155 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Ảnh: TL. |
Trong giai đoạn 2021-2025, Sao Ta có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất chiều rộng lẫn chiều sâu, mở rộng chủng loại sản phẩm với giá cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng vùng nuôi lên 270 ha để tăng cạnh tranh và chủ động nguồn nguyên liệu có truy xuất nguồn gốc. Lãnh đạo Sao Ta nhìn nhận điều này sẽ giúp đơn vị có lợi thế hơn so với các đối thủ.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu Sao Ta tăng trưởng đều đặn từ mức 3.262 tỉ đồng năm 2017 lên 4.433 tỉ đồng năm 2020, lợi nhuận gần gấp đôi sau 4 năm, từ 122 tỉ lên 226 tỉ đồng. Nửa đầu năm nay, doanh nghiệp tôm tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan khi doanh thu đạt 2.129 tỉ đồng, tăng 31%; lãi sau thuế 113 tỉ đồng, tăng 23%... Doanh thu 9 tháng đầu năm của công ty đạt 155 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
C.P hướng đến mục tiêu dài hạn
C.P Việt Nam là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chăn nuôi heo, gia cầm và sản xuất thực phẩm. C.P Việt Nam là công ty trực thuộc CP Pokphan (CPP), hiện đang niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Tuy nhiên, công ty mẹ CP Pokphand Foods (CPF) tại Thái Lan hiện đang muốn huỷ niêm yết CPP nhằm thực hiện các kế hoạch dài hạn.
CPF cho biết "việc huỷ niêm yết sẽ cho phép CPFI và CPP đưa ra các quyết định chiến lược tập trung vào tăng trưởng và lợi ích dài hạn, không bị áp lực bởi kỳ vọng thị trường và giá cổ phiếu phát sinh từ việc CPP là một công ty đại chúng".
Bản thân C.P Việt Nam là công ty nông nghiệp lớn nhất Việt Nam và cũng thuộc hàng những công ty FDI có lợi nhuận tốt nhất trong những năm qua. Ảnh: TL. |
Bản thân C.P Việt Nam là công ty nông nghiệp lớn nhất Việt Nam và cũng thuộc hàng những công ty FDI có lợi nhuận tốt nhất trong những năm qua. Năm 2020, C.P Việt Nam thậm chí có lãi gần 1 tỉ USD.
Trong nửa đầu năm nay, doanh thu của C.P Việt Nam xấp xỉ 1,86 tỉ USD. Về cơ cấu, mảng thức ăn chăn nuôi đóng góp 28,1% trên tổng doanh thu; mảng chăn nuôi và thực phẩm đóng góp 71,9%.
Tổng hợp mảng chăn nuôi và thực phẩm ghi nhận doanh thu 1,341 tỉ USD, tăng 8,1%. Chăn nuôi heo đóng góp tỉ trọng chính trong cơ cấu của CP Việt Nam với giá bán trung bình 74.300 đồng, giảm 4,5% so với nửa đầu năm 2020.