Khách du lịch ở Nha Trang. Ảnh: Quý Hòa
COVID-19 và chiến sự “đè” doanh nghiệp lữ hành
Cũng như nhiều doanh nghiệp lữ hành khác, Công ty Pegas Misr Travel Việt Nam mong mỏi đến ngày 15/3 để mở cửa đón du khách nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là cơ chế miễn thị thực 15 ngày cho khách Nga.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành rục rịch để đưa khách Nga đến sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa sau 2 năm bất động vì COVID-19, thế nhưng niềm vui chưa kịp đến thì chiến sự giữa Nga và Ukraine ập tới.
Khó chồng khó
Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine khiến đồng ruble mất giá, ảnh hưởng đến việc bán tour của doanh nghiệp. “Khi chúng tôi chào giá tour với khách bằng đồng USD hay VND thì chênh lệch tỉ giá không đáng kể nhưng chào bằng giá đồng ruble thì đồng tiền này giảm giá cả trăm phần trăm”, bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Pegas Misr Travel Việt Nam, chia sẻ.
Cái khó tiếp theo là Chính phủ Nga khuyến cáo không chở khách ra nước ngoài. Hiện nay, Pegas đang tìm cách đưa khách Nga qua Việt Nam nghỉ mát trước những rủi ro bất khả kháng. Bà Thu cho rằng, cuộc chiến sẽ sớm kết thúc nhưng hậu quả sẽ lâu dài, để lại những tổn thất nặng nề cho các công ty lữ hành khai thác thị trường Nga.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành chuyên khách Nga cũng cho biết, chiến sự giữa Ukraine và Nga đã khiến doanh thu của họ lao dốc. Các đơn vị đang tìm mọi cách cứu vãn, phục hồi chờ những động thái sáng sủa hơn trong tương lai.
Các hãng bay cũng đang nỗ lực để kích cầu du lịch với nhiều chương trình hấp dẫn. Vietnam Airlines, chẳng hạn, đang triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho hành khách bay nội địa và quốc tế.
Thị trường tiềm năng
Vào thời điểm chưa có dịch COVID-19, khách Nga luôn chịu chi cho các dịch vụ nghỉ mát tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận hay Đà Nẵng. Khách Nga yêu thích các vùng biển đẹp và nắng ấm quanh năm của Việt Nam. Họ có thể nằm tắm nắng cả ngày trên bãi biển. Du khách Nga cũng rất thích thực phẩm, trái cây nhiệt đới và đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vì giá cả phải chăng.
Nguồn khách có nhưng làm sao đưa khách đến Việt Nam là một bài toán khó. Nước Nga có nhiều tỉnh rất xa xôi, người dân đi đến Việt Nam phải trải qua hàng chục giờ đồng hồ ngồi máy bay và đi ô tô.
“Nếu bây giờ được đón khách, chúng tôi cũng sẵn sàng kinh doanh không cần nhiều lợi nhuận. Chính phủ Việt Nam mở cửa rất thuận lợi nhưng phía Nga lại vướng xung đột nên doanh nghiệp cũng không biết làm gì để thay đổi tình hình”, bà Thu cho hay.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 49.000 lượt người, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu tháng 11/2021 đến 20/2/2022, tỉnh Khánh Hòa đón 48 chuyến bay với hơn 10.000 lượt khách quốc tế đến từ Nga, Hàn Quốc, Nhật, Malaysia. Năm 2022, Khánh Hòa đặt chỉ tiêu đón 1,16 triệu lượt khách nội địa, 40.000 lượt khách quốc tế và doanh thu đạt 4.000 tỉ đồng, theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa.
CBRE Việt Nam đánh giá, từ tháng 1/2022, Việt Nam đã nối lại các đường bay quốc tế đến các nước như Nhật, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Qatar, Trung Quốc, Thái Lan... Cùng với các chính sách khôi phục lại chuyến bay quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực tăng tốc tiêm chủng vaccine cho người dân.
Với tốc độ tiêm ngừa đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, ngành du lịch Việt Nam đang có triển vọng tích cực. Thị trường khách sạn chủ yếu vẫn sẽ dựa vào nhu cầu du lịch mạnh mẽ trong nước.
Du lịch sẽ phục hồi mạnh
“Tại TP.HCM, năm 2022 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường khách sạn 4-5 sao. Theo đó, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc trong 6 tháng đầu năm và tốc độ phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm. Thị trường khách sạn 4-5 sao tại thành phố dự kiến sẽ có thêm khoảng 2.803 phòng từ nguồn cung mới, cùng với đó là sự hiện diện của các thương hiệu khách sạn cao cấp mới như Ritz Carlton, Mandarin Oriental, Hotel Indigo, Avani”, CBRE phân tích.
Theo nghiên cứu của nền tảng thanh toán Payoo, chính sách mở cửa, kích cầu thu hút khách nội địa là cơ hội để nhóm ngành dịch vụ du lịch, lưu trú và khách sạn có bước tăng trưởng rõ rệt. Doanh thu trung bình 2 tháng đầu năm nay gấp 4,2 lần trung bình 2 tháng cuối năm 2021 và gấp 12 lần so với thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất (từ tháng 5-10/2021). Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mảng du lịch đầu năm nay cũng có doanh thu tăng trưởng 50%, chủ yếu tăng trưởng từ nhóm vé máy bay và khách sạn.
Ảnh: Quý Hòa. |
Góp phần vào sự bứt phá của mảng du lịch phải kể đến hình thức “thanh toán trả sau”. Theo đó, khối lượng giao dịch trung bình 2 tháng đầu năm nay tăng hơn 30% so với tháng 12/2021 và hơn 80% so với tháng 11/2021 nhưng giá trị giao dịch của hình thức thanh toán này lại tăng gấp 3 lần tháng 12 và gấp 6 lần tháng 11, nhờ động lực chính từ nhóm vé máy bay. Những số liệu phục hồi của ngành du lịch tháng 1 và 2/2022 mới chỉ là bước khởi đầu cho quá trình “phá băng” du lịch nội địa. Dự kiến, dịch vụ du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới.