Chiếc B747F của Cargolux sắp hạ cánh Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lưu Ngọc Tuấn.

 
Nguyễn Dũng Thứ Hai | 13/04/2020 13:30

COVID-19 hại Cargo

Ngành Cargo hàng không rơi vào tình huống chưa từng có trong lịch sử...

Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Thế giới (IATA) kêu gọi chính phủ các quốc gia sớm có biện pháp hỗ trợ khẩn cấp dành cho các hãng chuyên vận chuyển hàng hóa (Cargo hoặc Freighter) để chuỗi cung ứng những sản phẩm đặc thù tối cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người khắp nơi không bị chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.

Giải cứu Cargo

Phân tích của IATA cho thấy các hãng hàng không có thể phải mất 61 tỉ USD dự trữ tiền mặt trong quý kết thúc vào ngày 30.6, trong khi lỗ ròng 39 tỉ USD hằng quý. Ngoài việc thông báo điều chỉnh dự báo về tổng thiệt hại mà ngành vận chuyển hàng không thế giới phải hứng chịu trong năm 2020 từ việc mất doanh thu do dịch COVID-19 có thể lên đến 252 tỉ USD, IATA còn đưa ra một khuyến cáo khác. "Vận chuyển hàng hóa là một đối tác quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 nhưng chúng ta cứ thấy những chuyến bay chở đầy dụng cụ, trang thiết bị y khoa cứu sống con người vẫn bị bất động, dồn ứ tại các sân bay, hệ quả từ những quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến phép bay, khe giờ hạ cánh/cất cánh. Những sự trì trệ này đang gây nguy hiểm chết người cho nhiều sinh mạng”, ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc IATA, cho biết.

 

COVID-19 đã khiến cho hầu như toàn bộ đội máy bay thân rộng bay tầm xa của toàn ngành hàng không thế giới phải nằm bất động tại các sân bay. Thiếu phần tải hàng của số máy bay này, có thể nói rằng gần 50% tổng lượng hàng hóa vẫn thường được vận chuyển bằng đường hàng không đã không thể nào đến được điểm cần đến. Dù cho hiện có khá nhiều hãng đây đó khắp thế giới đã dùng máy bay chở khách mà chở hàng thay, phụ lực cần thiết cho nhánh chuyên vận chuyển hàng hóa.

IATA đề nghị giới chức năng các quốc gia sớm giải cứu ngành vận chuyển Cargo vì sự sống của nhiều người ở mọi nơi bằng nhiều cách, chẳng hạn như nhanh chóng cấp phép hạ cánh cho các hoạt động chở hàng hóa, đặc biệt là ở những trục sản xuất lớn và trung chuyển nhanh tại châu Á - Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật - của những chuyến bay thuê bao cấp thời sử dụng máy bay lâu nay chỉ dành chở hành khách. Cũng tối cần thiết là miễn trừ cách ly 14 ngày cho phi hành đoàn của những chuyến bay đặc biệt ấy miễn là họ không hề có giao tiếp gần với đám đông trước khi cất cánh và sau khi hạ cánh.

Cũng được yêu cầu là tháo gỡ những hàng rào kinh tế như phụ phí bay ngang không phận, phí sân đỗ, khe giờ cất cánh/hạ cánh... Và không quên ưu tiên cho những chuyến bay chở hàng được miễn tuân thủ lệnh giới nghiêm vẫn tồn tại ở rất nhiều sân bay quốc tế .

Không để hãng bay “nằm đất”

Đã có một số hãng hàng không lớn chuyển máy bay dân dụng thành máy bay cargo trong thời đại dịch COVID-19 để kịp lấp khoảng trống trong chuỗi cung ứng hàng hóa ưu tiên không chỉ ở thị trường nội địa mà còn ở thị trường quốc tế. Cả 3 gã khổng lồ Mỹ đều đã làm như vậy, gồm American Airlines, United Airlines và Delta Air Lines. Ở từng quốc gia và lãnh thổ khác thì có Air Canada, Aeromexico (Mexico), Austrian Airlines (Áo), British Airways (Anh), Cathay Pacific (Hồng Kông), Emirates Airline (Dubai), Iberia (Tây Ban Nha), Korean Air (Hàn Quốc), LATAM (Chile), Lufthansa (Đức), Qantas (Úc), Scoot (Singapore), Swiss (Thụy Sĩ)...

Tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành dự kiến năm 2020, hãng sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh này, chiến lược đưa máy bay nhàn rỗi vốn để chở hành khách vào chở hàng hóa sẽ giúp các hãng bay phần nào giảm gánh nặng chi phí. Vì vậy, trong tháng 4, Vietnam Airlines tiếp tục tập trung vận chuyển hàng hóa để đảm bảo giao thương trong nước và quốc tế. Các chuyến bay chở hàng được khai thác bằng Boeing 787-9, Airbus A350 với sản lượng đạt 20-25 tấn/chiều, tương đương hệ số sử dụng tải đạt 95-100%.

Trước giờ, doanh thu từ vận chuyển hàng hóa chỉ đóng góp 10-15% cho các hãng hàng không chuyên chở khách. Việc đẩy mạnh khai thác đội tàu bay chở hàng hóa giúp hạn chế tình trạng tàu bay “nằm đất,” tối ưu hóa nguồn lực sẵn và đóng góp một phần doanh thu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không trong giai đoạn này. Cục Hàng không cũng đang hỗ trợ tối đa, giúp các hãng triển khai những chuyến bay hàng hóa, giảm một phần số tàu nằm đất và có doanh thu trang trải chi phí.

Tuy nhiên, ở quy mô thế giới, vẫn thiếu hụt cung tải để chuỗi cung ứng được êm xuôi, hàng hóa chuyển kịp đến người tiêu dùng. Theo IATA, nhu cầu cargo tính theo doanh thu trên km đã giảm 10% trong tháng 2.2020 và toàn năm nay sẽ giảm khoảng 10-15%. Còn mừng là những gã khổng lồ ngành cargo vẫn duy trì hoạt động toàn cầu, như Cargolux, Cathay Pacific Cargo, Emirates SkyCargo, DHL, FedEx, Singapore Airlines Cargo, UPS, Qatar Airways Cargo...

* Có thể bạn quan tâm 

►Đội bay "nằm đất", ngành hàng không đề xuất chính sách hỗ trợ

Các "ông lớn" thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước kinh doanh ra sao trong mùa dịch?

Nguồn Tổng hợp