Thứ Tư | 28/11/2012 08:48

Công ty tài chính nằm trong hướng thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Theo lãnh đạo NHNN, hầu hết công ty tài chính có quy mô nhỏ, ảnh hưởng với hệ thống không lớn nên thời gian qua tập trung tái cơ cấu ngân hàng.
Chưa tái cơ cấu công ty tài chính do hầu hết có quy mô nhỏ

5 trong 9 ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu đã hoàn thành xong bước cơ bản, 4 thành viên còn lại vẫn chưa có nhiều tiến triển trong cả năm qua.

Theo Ngân hàng Nhà nước, 4 thành viên này đều đã có phương án tái cơ cấu, song chưa được thông qua. Theo đó, tiến độ chung bị chậm lại khi công bố kết quả cụ thể.

Tại nghị quyết về phiên họp thứ tư, Quốc hội khóa 13 vừa qua, yêu cầu đặt ra là Ngân hàng Nhà nước phải “tạo cho được chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính gắn với thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, bảo đảm đến năm 2015 có một hệ thống ngân hàng lành mạnh”.

Có một điểm đáng chú ý: lần đầu tiên “công ty tài chính” có mặt trong hướng thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống. Điểm lại, kể từ tháng 10/2011, khi chiến lược đặt ra và cho đến nay, việc tái cơ cấu các công ty tài chính vẫn còn để ngỏ.

Mới đây, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, vì các công ty tài chính hầu hết là quy mô nhỏ, các công ty mẹ có thể xử lý và ảnh hưởng đối với hệ thống không quá lớn; còn thời gian qua tái cơ cấu tập trung vào các ngân hàng thương mại.

Riêng Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) lại khá đặc biệt, khi quy mô tổng tài sản đã lên tới trên dưới 90.000 tỷ đồng. Có thể Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ lưu ý trường hợp này và gắn với việc thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (?).

Tại sao tái cơ cấu vẫn chậm?

Điểm nhấn thứ hai đặt ra trong nghị quyết của Quốc hội là yêu cầu “tạo cho được chuyển biến tích cực”. Vậy thì vì sao thời gian qua chưa chuyển biến tích cực?

Trước hết phải thấy rằng các trường hợp thuộc diện tái cơ cấu vẫn đang âm thầm thực hiện. Họ cũng đã có những kết quả bước đầu nhưng chưa công bố công khai và chưa thể hiện rõ ràng thông qua những thương vụ sáp nhập cụ thể để cho thấy tiến độ chung có chuyển biến hay không.

Đơn cử như trường hợp Ngân hàng Nam Việt (Navibank), sau khi cơ quan thanh tra vào cuộc, đã có sự chỉnh đốn và tự khắc phục. Ít nhất, hoạt động ngân hàng này đã được làm rõ hơn, các chỉ số an toàn được xác định chặt chẽ hơn.

Tương tự, cuối 2011 đầu 2012, lực lượng thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã khoanh vùng được những ngân hàng yếu kém, định hướng để khắc phục. Cùng với việc khoanh vùng, hạn chế những bật cập, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hỗ trợ thanh khoản cho nhóm này nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cơ cấu. Đến nay, sức khỏe một số thành viên đã khá lên và một rào cản mới lại xuất hiện.

Theo một nguồn tin đang tính tham gia tái cơ cấu một ngân hàng, cùng với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng này có thay đổi cổ đông quan trọng và cổ đông mới đã tạo được những thay đổi tích cực. Đến nay, ngân hàng đã có các chỉ số an toàn không hề kém so với nhiều ngân hàng lớn mạnh khác.

Nguồn tin chia sẻ: “Kế hoạch của chúng tôi bị kéo dài, bởi sau khi chuyển biến tốt như vậy, vị thế của họ đã khác. Quan trọng hơn là nảy sinh một sự luyến tiếc, rằng để có một ngân hàng như hiện nay và vẫn sống được thì rất khó, còn sáp nhập hoặc hợp nhất là “mất đi”. Thành ra tiến độ bị chậm lại, ngay cả từ tâm lý trì hoãn như vậy”.

Thực tế, báo cáo của Chính phủ mới đây cũng nói đến một trở ngại, gần với thực tế trên, là có tình huống cổ đông lớn chống đối, không hợp tác khiến quá trình tái cơ cấu chưa được như mong muốn.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện