Thứ Năm | 06/12/2012 10:50

Công ty quản lý nợ chỉ nên hoạt động 5-7 năm

Theo nhóm công tác ngân hàng, công ty quản lý nợ cần phải có vòng đời xác định và mốc thời gian giải thể. Thời gian đề xuất là 5 -7 năm.
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2012, nhóm công tác Ngân hàng (gồm lãnh đạo 4 ngân hàng nước ngoài Standard Chartered, HSBC, ANZ, Citi Bank) đã đưa ra các khuyến nghị để quản lý và giải quyết nợ xấu.Theo nhóm, có 3 phương pháp để giải quyết nợ xấu. Thứ nhất, thành lập công ty quản lý nợ (AMC) nhằm giải quyết những vấn đề của toàn hệ thống; thứ hai, xây dựng cơ cấu ngân hàng tốt/ngân hàng xấu để giải quyết những vấn đề tồn tại của một hay một số những tổ chức tài chính lớn; thứ ba, sử dụng các cơ chế chia sẻ rủi ro và bảo lãnh của Chính phủ.

Dựa trên kinh nghiệm đã có và thực trạng của Việt Nam, giải pháp sử dụng cả công ty quản lý nợ và điều chỉnh cơ cấu vốn nhà nước - tư nhân sẽ cho hiệu quả tốt nhất. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rõ ràng đã có những bước đi trước trong việc đánh giá tình hình và đã công bố về việc thành lập công ty quản lý nợ, nhóm công tác cho biết.

Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành đề án thành lập công ty quản lý nợ và đang lấy ý kiến các Ban ngành liên quan trước khi trình Chính phủ, Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề là giải pháp này sẽ thực hiện như thế nào? Theo Nhóm công tác, sở hữu nhà nước đối với AMC là bắt buộc, với nguồn vốn trực tiếp từ nhà nước hay ngân hàng trung ương, hay từ trái phiếu của công ty quản lý nợ có bảo lãnh của Chính phủ, thường được phát hành tới các ngân hàng để đổi lấy nợ xấu.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao tài sản cần được thực hiện theo giá hợp lý xác định thông qua thị trường, trong đó phần lỗ được các ngân hàng và cổ đông của ngân hàng xác nhận.

Các cơ quan quản lý cần "khuyến khích" ngân hàng chuyển giao nợ xấu cho công ty quản lý nợ, hoặc yêu cầu ghi giảm nợ xấu nếu các ngân hàng quyết định không bán tài sản cho công ty quản lý nợ, hoặc áp dụng mức trần nợ xấu bắt buộc.

Đồng thời, nhà nước cần có biện pháp khuyến khích ngân hàng thông qua các điều kiện tái cấp vốn và hạn chế tiếp cận những nguồn vốn đó nếu nợ xấu cao hơn một mức nhất định. Nếu mức nợ xấu của một số ngân hàng vẫn ở mức chấp nhận được thì nên cho ngân hàng được tự quyết định giữ lại khoản nào và bán khoản nào. Ngân hàng cũng cần được phép tự quyết định cấu trúc vốn nếu thỏa mãn những yêu cầu bắt buộc cơ bản.

Nhóm công tác cho rằng, mô hình công ty quản lý nợ thành công nhất thường khuyến khích sự tham gia của các ngân hàng bằng cách cho phép ngân hàng bán tài sản được thu hồi một phần lợi nhuận (nếu có) khi những tài sản đã bán cho công ty quản lý nợ được xử lý xong. Nhóm cũng đưa ra một số nhân tố căn bản giúp thúc đẩy quá trình thu hồi vốn và tối đa hóa giá trị.

Thứ nhất, bảo đảm sự độc lập trong quản lý công ty quản lý nợ với cơ chế quản trị mạnh và những biện pháp khuyến khích phù hợp.

Thứ hai, bảo đảm sự minh bạch trong mọi hoạt động bằng việc thường xuyên báo cáo và kiểm toán hoạt động.

Thứ ba, sử dụng những cán bộ chuyên nghiệp có kinh nghiệm để làm việc tại công ty quản lý nợ bao gồm các nguồn lực trong nước và ngoài nước để thực hiện những nghiệp vụ mà khu vực nhà nước chưa có kinh nghiệm.

Thứ tư, cần phải củng cố cơ sở hạ tầng pháp lý về chuyển nhượng nợ xấu nhằm hỗ trợ quá trình ngân hàng và công ty quản lý nợ thanh lý hiệu quả các tài sản. Nếu có liên quan đến vốn nước ngoài thì sử dụng thị trường quốc tế hiện có để xử lý những tài sản có vấn đề.

Thứ năm, công ty quản lý nợ cần phải có vòng đời xác định và mốc thời gian giải thể. Thời gian đề xuất là 5 -7 năm. Nếu vòng đời của công ty quản lý quỹ ngắn hơn thì sẽ có nguy cơ không đủ thanh khoản và chi phí quá cao cho toàn hệ thống, còn nếu vòng đời dài hơn thì sẽ dẫn đến tồn đọng kéo dài tài sản có vấn đề và tài sản sẽ càng trở nên xấu đi nếu không chuyển giao được cho tư nhân.

Nhóm công tác ngân hàng đề nghị Chính phủ có biện pháp nhanh chóng để tạo lập và xác định nguồn vốn cho một công ty quản lý nợ thuộc nhà nước mà có sự tương tác toàn diện với tư nhân trong vấn đề chia sẻ rủi ro, định giá tài sản theo giá trị thị trường hợp lý. Công ty này cũng cần phải được trao thẩm quyền, quyền hạn để thực hiện những giải pháp vượt trên phạm vi khuôn khổ pháp lý hiện hành và có đội ngũ cán bộ có năng lực.

Nguồn Khampha


Sự kiện