Thứ Hai | 21/01/2013 18:42

Công ty mua bán nợ xấu nên trực thuộc Chính phủ

Công ty mua bán nợ xấu nên thuộc Chính phủ chứ không phải Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính nhằm chống lợi ích nhóm, TS Võ Trí Thành cho biết.

Tại hội thảo về triển vọng kinh tế năm 2013 được Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hôm nay, các chuyên gia kinh tế đã bàn luận về vấn đề nợ xấu tại Việt Nam.

Theo ông Deepak Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, để xử lý nợ xấu, trước tiên cần phải làm rõ quy mô nợ xấu hiện là bao nhiêu bởi con số này không phải lúc nào cũng cập nhật và thống nhất.

Đặc biệt, để thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, vị chuyên gia này cho rằng cần quan tâm đến 3 vấn đề là nguồn kinh phí, nguyên tắc chuyển nhượng giá tài sản và khả năng thanh khoản, trách nhiệm giải trình của các bên đi vay.

Đồng thời, cần có hướng dẫn mới về phân loại nợ chặt chẽ và các yêu cầu trích lập dự phòng, củng cố ngành tài chính ngân hàng bao gồm cả việc cho phép sở hữu lớn hơn của các ngân hàng nước ngoài, đầu tư hơn vào các hệ thống quản lý rủi ro và củng cố khuôn khổ pháp lý giám sát.

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ năm 2012, nhưng quá trình xử lý có phần chậm trễ do thiếu tính kiên quyết và triệt để.

"Một trong những lý do là thiếu sự giải trình với xã hội trước những phản ứng của thị trường về dòng tiền, lợi ích nhóm liên quan đến trục trặc trong hệ thống ngân hàng", ông Thành phát biểu.

Để xử lý nợ xấu, vị này đưa ra một số nguyên tắc như phải đảm bảo thị trường mua bán nợ có thanh khoản và tối thiểu hóa chi phí của Nhà nước. Còn về huy động vốn cho AMC, gắn với những mô hình trên thế giới, TS Võ Trí Thành cho hay, có 2 cách để làm. Thứ nhất là Ngân hàng Trung ương bơm tiền, thứ hai là phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh.

Trong tháng này, Nghị định hay khung pháp lý về VAMC có thể chính thức ra đời. Để chống lợi ích nhóm, công ty mua bán nợ xấu nên thuộc Chính phủ chứ không thuộc Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính, và sẽ có nhiều cơ quan tham gia để đảm bảo quá trình này minh bạch, kết hợp với các biện pháp xử lý dự phòng rủi ro..., ông nói.

Song, điều khó nhất hiện nay là liệu các nhà hoạch định chính sách có dám ra trước thị trường để giải trình minh bạch không, trong bối cảnh nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm. Đồng thời, việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng cần làm quyết liệt hơn bởi nếu không dòng tìn dụng không ra được mà hệ thống tín dụng của Việt Nam cũng không thể lành mạnh, TS Thành khẳng định.

Đóng góp thêm về sự thành lập công ty mua bán nợ xấu, PGS - TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia cho rằng công ty này sẽ giúp tạo ra một sự cân bằng tạm thời và khoảng không gian nhất định để ngân hàng tự xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấucần chú ý đến tính đồng bộ, bao gồm cả việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, quá tình tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nướcvà việc xử lý nợ của công ty Mua bán nợ & Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).

Nếu không có sự đồng bộ trong xử lý thì việc xử lý nợ xấu sẽ khó đạt được như mong muốn, ông cho hay.

Nguồn Khampha


Sự kiện