Vẫn còn cơ hội lập hãng bay chuyên chở hàng hóa. Ảnh: TL.
Công ty dịch vụ sân bay của ông Hạnh Nguyễn lần đầu báo lỗ
Lần đầu báo lỗ
Theo báo cáo tài chính mới nhất, Sasco ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 94 tỉ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế, phòng chờ sân bay của Sasco đều tăng so với cùng kỳ. Hiệu quả kinh doanh của Sasco cũng cải thiện rõ rệt khi biên lợi nhuận gộp tăng từ 38% lên 51%, giúp doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn báo lãi gộp 48 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nguồn thu từ hoạt động tài chính của Sasco sụt giảm nghiêm trọng trong quý II, từ 122 tỉ đồng xuống còn 23 tỉ đồng. Sụt giảm này đến từ các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên quan giảm mạnh.
Mất nguồn thu từ doanh thu tài chính, Sasco lỗ sau thuế 14 tỉ đồng trong quý II khi tổng thu nhập không đủ bù đắp chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp dù các khoản chi cho hoạt động vận hành đã được tiết giảm.
Đây là quý đầu tiên Sasco báo lỗ từ năm 2016. Ảnh: TL. |
Đây là quý đầu tiên Sasco báo lỗ từ năm 2016. Năm ngoái, công ty dịch vụ sân bay của ông Hạnh Nguyễn vẫn có lãi cả 4 quý nhờ doanh thu hoạt động tài chính trong khi phần lớn các doanh nghiệp liên quan đến ngành hàng không đều thua lỗ nghiêm trọng.
Lũy kế 6 tháng đầu 2021, Sasco đạt doanh thu thuần 202 tỉ đồng, thấp hơn 65% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp lỗ ròng 1 tỉ đồng trong khi có lãi 52 tỉ đồng trong nửa đầu 2020.
Sasco là doanh nghiệp chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Dù còn vận hành phòng chờ thương gia, cửa hàng miễn thuế tại sân bay Cam Ranh, đầu tư một số dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc nhưng nguồn thu từ Tân Sơn Nhất vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của công ty.
Hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nắm giữ 49% cổ phần Sasco còn nhóm cổ đông liên quan đến ông Johnathan Hạnh Nguyễn sở hữu 48% vốn điều lệ.
Vẫn còn cơ hội lập hãng bay chuyên chở hàng hóa
Văn bản xin Thủ tướng hỗ trợ lập hãng bay chuyên chở hàng hóa của ông Johnathan Hạnh Nguyễn chưa được chấp nhận nhưng vẫn còn cơ hội. Cụ thể, hôm 15.7, Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp với Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Sau cuộc họp, đại diện các hãng hàng không trong nước cùng cơ quan quản lý đều cho rằng việc lập hãng hàng không mới, bao gồm cả hãng hàng không chuyển chở hàng hóa, là chưa phù hợp khi thị trường khó khăn vì dịch bệnh.
"Công ty cổ phần IPP Air Cargo hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi, dự kiến năm 2022", Bộ GTVT cho hay. "Việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên biệt là một mảng kinh doanh khác so với vận chuyển hành khách, đòi hỏi bộ máy hoạt động, quy trình vận hành hoàn toàn khác. Do đó, các hãng muốn vận chuyển hàng hoá cần phải xây dựng hệ thống riêng", chủ tịch IPP Air Cargo khẳng định.
Mong muốn lập IPP Air Cargo để giành lại thị phần vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang bị các hãng bay nước ngoài nắm giữ đến 83%.Ảnh: TL. |
Ông cũng nhắc lại mong muốn lập IPP Air Cargo để giành lại thị phần vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang bị các hãng bay nước ngoài nắm giữ đến 83%. "Việc bảo hộ các hãng hàng không để dẫn tới không cấp phép cho các mới sẽ gây bất lợi với hình ảnh của nền kinh tế thị trường Việt Nam trên thế giới", doanh nhân này cho hay.
Trong thời điểm dịch bệnh, hãng bay chuyên chở hàng hóa chưa được mở thì tình hình kinh doanh của Công ty dịch vụ sân bay (Sasco) của ông Hạnh Nguyễn đã có quý đầu tiên kinh doanh không hiệu quả.
Nhà Thuốc Long Châu chiếm 15% doanh thu hợp nhất của FPT Retail