Công ty dệt Đài Loan đầu tư thêm 320 triệu USD vào Việt Nam
Trong cuộc họp ĐHCĐ của công ty Viễn Đông Tân Thế Kỷ (FENC) vào ngày 26/6 vừa qua, ban lãnh đạo công ty đã thông báo kế hoạch đầu tư 10 tỷ Đài tệ, tương đương 320 triệu USD, để mở rộng hoạt động sản xuất hiện có tại Việt Nam.
Trong cuộc họp ĐHCĐ lần này, Phó Chủ tịch Johnny Shih cho biết công ty sẽ cử đại diện đến tỉnh Bình Dương của Việt Nam để kí thỏa thuận mua một mảnh đất trong khu công nghiệp để xây dựng một cơ sở mới. Ông cũng cho biết thêm rằng công ty đã cho hoạt động một nhà máy ở tỉnh Bình Dương kể từ năm 2007.
Trong giai đoạn đầu của quá trình đầu tư, FENC sẽ xây dựng quy trình sản xuất tích hợp dọc, với đầy đủ các khâu từ sản xuất sợi, nhuộm cho đến may mặc. Ban lãnh đạo công ty cho biết dự án này sẽ đảm bảo điều kiện xuất xứ hàng hóa và tạo thành tổ hợp tích hợp dọc đáp ứng điều kiện của TPP. Theo FENC cho biết, đây là tổ hợp tích hợp dọc thứ ba của họ tại châu Á, sau 2 tổ hợp tại Trung Quốc và Đài Loan.
Hiện nay nhiều nhà máy sản xuất dệt may ở Việt Nam có quy mô lớn nhưng hầu như vẫn chưa nhận được thuế suất ưu đãi khi tham gia TPP vì các điều kiện khắt khe về môi trường, sở hữu trí tuệ, bảo vệ lao động, xuất xứ hàng hóa và nhiều điều kiện ràng buộc khác. Trong đó điều kiện xuất xứ hàng hóa là quan trọng nhất vì thường các doanh nghiệp Việt Nam thường tham gia khâu sản xuất cuối cùng, với khoảng 50% nguyên liệu là từ Trung Quốc và các nước khác.
Để đáp ứng điều kiện về xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn forward) trong TPP nhằm được hưởng ưu đãi thuế quan 0%, việc mở rộng đầu tư của công ty FENC là thực sự cần thiết để đáp ứng các điều kiện này, nhằm đảm bảo mọi công đoạn đều được thực hiện ở Việt Nam. Điều này sẽ giúp công ty đạt nguồn thu cao nhất từ các cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước thành viên TPP.
Để tìm kiếm được các cơ hội khi Việt Nam tham gia hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đều tích cực triển khai các nhà máy sợi trong nước tạo thành cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm các cơ hội thị trường từ TPP. Việc quyết định đầu tư thêm 320 triệu USD của công ty Viễn Đông Tân Thế Kỷ vào Việt Nam là bước đi đúng đắn và theo xu thế chung của ngành dệt may.
Đinh Hạnh
Nguồn The China Post