Công ty dầu khí lớn nhất Italia đầu tư vào 2 lô dầu và khí đốt tại Việt Nam
Theo báo cáo của Neon Energy, lô 105 thuộc bể trầm tích sông Hồng có diện tích 7.192 km2, nằm ngoài khơi thềm lục địa Bắc Trung Bộ, có độ sâu nước biển thay đổi khoảng từ 20m cho đến 50m thuộc diện dự án khuyến khích đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lô có tiềm năng dầu khí lớn với dự kiến sản lượng khai thác lần đầu tiên sẽ đạt 3,9 nghìn tỷ feet khối (tương đương khoảng 1.104 tỷ m3).
Tháng 5/2011, sau cuộc khảo sát đánh giá tiềm năng dầu khí, Neon Energy liên doanh cùng với KrisEnergy (công ty khai thác dầu của Mỹ) khai thác dầu trong lô 105 với mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần. Liên doanh này sẽ đi vào hoạt động khai thác trong năm 2012.
Lô 120 nằm ở ngoài khơi Việt Nam thuộc địa hào tỉnh Quảng Ngãi, thuộc bể trầm tích sông Hồng, có diện tích 8.469 km2 và mới được khai thác 1 lần vào năm 1993 bởi BHP Petroleum. Kể từ tháng 1/2009, Neon Energy được phép khai thác lô này. Đến tháng 3/2010, Neon Energy hợp tác với KrisEnergy, mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần để cùng khai thác.
Bể trầm tích Sông Hồng nằm trong khoảng 105độ30' - 110độ30' kinh độ Đông, 14độ30' - 21độ00' vĩ độ Bắc.Về địa lý, bể Sông Hồng có một phần nhỏ diện tích nằm trên đất liền thuộc đồng bằng Sông Hồng, còn phần lớn diện tích thuộc vùng biển Vịnh Bắc Bộ và biển miền Trung thuộc các tỉnh từ Quảng Ninh , đến Bình Định.
Đây là một bể có lớp phủ trầm tích Đệ Tam dày hơn 14 km, có dạng hình thoi kéo dài từ miền võng Hà Nội ra vịnh Bắc Bộ và biển miền Trung. Dọc rìa phía Tây bể trồi lộ các đá móng Paleozoi-Mesozoi. Phía Đông Bắc tiếp giáp bể Tây Lôi Châu, phía Đông lộ móng Paleozoi-Mesozoi đảo Hải Nam, Đông Nam là bể Đông Nam Hải Nam và bể Hoàng Sa, phía Nam giáp bể trầm tích Phú Khánh. Tổng số diện tích của cả bể khoảng 220.000 km2, bể Sông Hồng về phía Việt Nam chiếm khoảng 126.000km2 trong đó phần đất liền miền võng Hà Nội và vùng biển nông ven bờ chiếm khoảng hơn 4000 km2.
Từ năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành tổ chức đấu thầu các lô mở bể trầm tích sông Hồng. Tại khu vực này nhiều năm qua, tập đoàn đã ký nhiều hợp đồng với đối tác nước ngoài bao gồm Petroliam Nasional của Malaysia, Premier PLC của Anh, Gazprom OAO của Nga và Total SA của Pháp.
Hãng khai thác dầu lớn ExxonMobil của Mỹ cũng vừa mua lại 3 lô khai thác số 117,118 và 119 tại khu vực Nam Biển Đông, rất gần với lô số 120 của Eni.
Bản đồ các lô dầu khí của Việt Nam
Chính phủ hi vọng việc khám phá và khai thác các nguồn dầu và khí đốt mới sẽ đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong tương lai của Việt Nam, nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,9% vào năm ngoái.
Nguồn Market Watch/DVT