Công ty chứng khoán nhỏ không dễ giải thể
Theo đó, AVS sẽ xin rút hết các nghiệp vụ vốn có của một công ty chứng khoán là môi giới, bảo lãnh phát hành, nghiệp vụ lưu ký và tư vấn đầu tư chứng khoán. Đồng thời, Công ty cũng xin ý kiến về chủ trương hủy niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và chủ trương thanh lý tài sản, giải thể công ty theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Chứng khoán Âu Việt là một trong số những đơn vị có mặt đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam. AVS được thành lập năm 2007, khi phong trào đầu tư chứng khoán đang sục sôi và thị trường thì luôn theo một chiều tăng điểm. AVS được thành lập với 300 tỷ đồng vốn điều lệ, một con số cho thấy quy mô không nhỏ lúc đó.
Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán thoái trào dưới áp lực khó khăn của nền kinh tế, AVS đã thua lỗ trong nhiều năm. Năm 2011 AVS lỗ hơn 40 tỷ, 2012 lỗ hơn 10 tỷ đồng. Cao nhất là vào năm 2008 khi công ty lỗ hơn 172 tỷ đồng. Như vậy, AVS đã lỗ hơn 2/3 vốn điều lệ.
Phát biểu trên báo giới tuần qua, ông Đoàn Đức Vịnh, chủ tịch của AVS nói đã nghĩ rất kĩ và không hề tiếc nuối dù thị trường đang khởi sắc trở lại. Lí do chính cho việc giải thể là AVS không còn duyên làm chứng khoán nữa. Nhưng quan trọng hơn là không cạnh tranh nổi với những công ty lớn. 10 công ty lớn nhất đã chiếm đến 60% thị phần môi giới. Mặt khác, “Nếu mình làm trong sạch thì không thể nào cạnh tranh vững mạnh với các Công ty Chứng khoán lớn có nhiều chiêu trò được”, ông Vịnh nói.
Nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề sự ra đi của AVS sẽ là phát pháo đầu tiên mở đường cho sự tuyên bố mạnh dạn của nhiều công ty chứng khoán khác đang sống dật dờ từng ngày. Tuy nhiên, ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đồng bằng Sông Cửu Long – MHBS cho rằng, sự ra đi của AVS chưa hẳn được xem là phát pháo đầu tiên giòn giã được.
Bởi lẽ theo nguyên tắc, công ty không có nợ nhiều và đủ khả năng trả nợ thì mới có quyền tuyên bố giải thể. AVS là một trường hợp như vậy. Nhưng đa số các công ty chứng khoản nhỏ hiện nay đều có dính dáng đến các khoản nợ khó đòi hoặc nợ không trả được. Nếu họ tuyên bố giải thể thì chủ nợ sẽ kiện ra tòa. Lúc này, ý định giải thể có khả năng biến thành quyết định mở phá sản của Tòa án. Kết quả bất ngờ này sẽ gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn, nhất là về yếu tố tâm lí.
Nhiều nhà đầu tư thắc mắc rằng sao AVS không tìm cơ hội bán lại giấy phép hoạt động, có khi được giá. Tuy nhiên nếu nhìn nhận khách quan trong giai đoạn này và nhìn vào AVS, sức hấp dẫn đó có lẽ vẫn chưa đủ thuyết phục. Ngay cả ông Vịnh cũng dự báo, thị trường chỉ tăng điểm tạm thời và khó khăn sẽ còn tiếp diễn.
Cơ cấu cổ đông của AVS hiện nay khá cô đặc: cổ đông nội bộ nắm khoảng 70% cổ phần công ty. Nếu giải thể thì cổ đông sẽ được chia tiền. Tuy nhiên, sau nhiều năm lỗ lã, đến nay AVS chưa còn đến 100 tỷ đồng vốn điều lệ. Tính trên 36 triệu cổ phiếu đang lưu hành và các chi phí giải thể khác, chưa tính tài sản thì cổ đông chắc chắn sẽ không nhận được phần gì đáng kể.
Nguồn Nhịp cầu đầu tư