Thứ Tư | 23/01/2013 08:08

Công ty chứng khoán lớn vẫn hoạt động tốt

SSI hiện là CTCK có doanh thu và lợi nhuận cao nhất thị trường. Các công ty chứng khoán nằm trong top 10 môi giới đa phần đều lãi lớn năm 2012.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012 của các CTCK lớn cho thấy mặc dù thị trường gặp nhiều khó khăn trong năm 2012 song “con sóng lớn” cuối năm khiến VN-Index tăng 9,5% và HNX-Index tăng hơn 11% trong tháng 12 đã cứu nguy cho danh mục tự doanh của khá nhiều CTCK.

Hầu hết các CTCK đều được hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán một phần trong quý 4/2012 khiến lợi nhuận vượt kỳ vọng.
Lợi nhuận các CTCK lớn năm 2012
Lợi nhuận các CTCK lớn năm 2012

Trong nhóm các công ty lớn trên thị trường và nằm trong top 10 môi giới hai sàn, SSI hiện là CTCK có lợi nhuận sau thuế năm 2012 cao nhất và cũng là CTCK có lợi nhuận lớn nhất thị trường tính ở thời điểm hiện tại.

Lợi nhuận của SSI tăng mạnh trong quý 4/2012 (gấp 3 cùng kỳ năm trước) do công ty được hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán 112 tỷ đồng (do đóng cửa Quỹ Tầm Nhìn và được hoàn nhập khoản đầu tư vào chứng chỉ quỹ Tầm Nhìn), hoạt động tự doanh và tư vấn trong quý 4/2012 của SSI cũng tăng vượt trội so với cùng kỳ 2011 với mức tăng 44% và 1991%.

Với việc thu về hơn 100 tỷ lợi nhuận trong quý 4/2012, LNST năm 2012 của công ty mẹ SSI đạt 448,5 tỷ trong khi cùng kỳ 2011 công ty này lỗ hơn 59 tỷ đồng.

Đứng thứ hai là HSC với hơn 246 tỷ đồng LNST, tăng 27% so với năm 2011 nhờ mảng môi giới đứng đầu hai sàn, tăng 60% so với năm 2011. HSC cũng là CTCK có doanh thu môi giới cao nhất thị trường, đạt hơn 145 tỷ đồng trong năm 2012. Tuy nhiên mảng doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất của HSC vẫn là mảng kinh doanh nguồn với doanh thu 370 tỷ, tăng 12% so với năm 2011. HSC vượt kế hoạch năm 7%.

Đứng thứ ba về lợi nhuận là FPTS với 237 tỷ đồng năm 2012, tuy nhiên nếu so sánh với kết quả đạt được năm 2011 thì con số này thấp hơn tới 37%, nguyên nhân là do năm 2011 doanh thu tư vấn của FPTS lên tới hơn 240 tỷ đồng trong khi năm 2012 chỉ đạt gần 32 tỷ (giảm 87% so với năm trước). FPTS gần như không đầu tư tự doanh, mảng kinh doanh mang lại doanh thu nhiều nhất là kinh doanh nguồn và môi giới. FPTS cũng kiểm soát chi phí khá hiệu quả khi chi phí hoạt động năm 2012 của công ty chỉ ở mức hơn 36 tỷ đồng.
Các công ty có doanh thu lớn năm 2012
Các công ty có doanh thu lớn năm 2012

ACBS năm 2012 đạt gần 92 tỷ đồng LNST, đứng thứ ba trong top các CTCK lớn trên thị trường tuy nhiên con số này giảm một nửa so với năm 2011. ACBS là một trong số hiếm các CTCK lớn bị lỗ quý 4/2012 với số lõ lên tới gần 61 tỷ đồng do ảnh hưởng mạnh bởi hoạt động tự doanh.

Doanh thu tự doanh của ACBS cao nhất trong số các CTCK lớn do năm 2012 ACBS đã thoái vốn tại 6 ngân hàng thương mại và bán ra hơn 57 triệu cổ phiếu EIB, mặc dù giá EIB tăng khá mạnh trong năm 2012 song doanh thu tự doanh quý 4/2012 của ACB ghi nhận 232 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ 2011, doanh thu tự doanh cả năm 2012 đạt hơn 500 tỷ đồng, giảm 6% năm 2011.

Hai công ty VNDS và BVSC đạt lợi nhuận sau thuế 77-78 tỷ năm 2012, nhưng do đặt kế hoạch khác nhau nên BVSC vượt 5 lần kế hoạch trong khi VNDS chỉ đạt 52% kế hoạch năm. Hiện thị phần môi giới của VND đang tăng nhanh trong 2 năm trở lại đây, quý 4/2012 VND đứng thứ 3 thị phần sàn Hà Nội (hơn 8,5% thị phần) và đứng thứ 10 sàn HSX (hơn 3% thị phần).

KLS lãi lớn 60 tỷ quý 4 đã bù lỗ cho 9 tháng đầu năm, nâng lãi sau thuế năm 2012 đạt hơn 20 tỷ đồng.

Các công ty khác có lợi nhuận năm 2012 tăng vọt so với năm 2011 là Bản Việt (tăng 81%), Maybank KimEng (gấp 3,5 lần) hay như SHS và MBS có lãi sau khi lỗ nặng trong năm 2011. SHS lãi đột biến hơn 58 tỷ trong quý 4/2012 do bán cổ phiếu OTC khiến doanh thu tự doanh đạt hơn 225 tỷ đồng (gấp 5 lần cùng kỳ 2011).

MBS năm 2012 là năm cấu trúc lại công ty theo hướng quản trị rủi ro nhiều hơn là chạy theo lợi nhuận, tuy nhiên theo lời ông Quách Mạnh Hào, Phó Tổng giám đốc công ty, các nhà đầu tư tại MBS chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân do đó năm 2012 họ không giao dịch nhiều, rất có thể năm 2013 thị phần của MBS sẽ tăng mạnh trở lại khi các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường.

Hai công ty trong top 10 môi giới sàn HSX bị lỗ là Rồng Việt và Tầm Nhìn (lỗ lần lượt hơn 17 tỷ và 8 tỷ) trong năm 2012.

Đầu năm 2013, KLGD trên hai sàn tăng vọt, giá trị giao dịch bình quân hai sàn 1 phiên đạt khoảng 2.000 tỷ/phiên, gấp 5-6 lần giá trị giao dịch của tháng 11/2012. Điều này sẽ khiến cho lợi nhuận quý 1/2013 của các CTCK “dễ thở” hơn, đặc biệt là mảng môi giới.

Nguồn CafeF


Sự kiện