Công ty chứng khoán khuyến cáo khả năng ngân hàng ngừng cho vay mới sau 1/2
Hôm nay là phiên giao dịch cuối cùng trước khi Thông tư 36 bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/2/2015. Ba nội dung chính Thông tư này quy định liên quan tới đầu tư cổ phiếu là (1) Tổng dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng cho đầu tư cổ phiếu không quá 5% vốn điều lệ; (2) Ngân hàng có nợ xấu trên 3% không được cho vay đầu tư cổ phiếu và (3) Khoản cấp tín dụng của ngân hàng để đầu tư cổ phiếu không được đảm bảo bằng chính cổ phiếu đó.
Trước khi thông tư này có hiệu lực, một số công ty chứng khoán như chứng khoán MB (MBS) và VNDirect đã có thông báo cũng như khuyến nghị về khả năng ngừng cấp margin cho một số sản phẩm hợp tác với các ngân hàng.
Cụ thể, MBS cho biết, Công ty sẽ tạm ngừng giải ngân dịch vụ Margin+ cho các khoản mua mới từ ngày 2/2/2015. Lý do là hạn mức cho vay của ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) với MBS đã chạm tỷ lệ tối đa theo Thông tư 36.
Margin+ là sản phẩm cho vay đầu tư ký quỹ (margin) MBS hợp tác với ngân hàng mẹ MB. Một số điểm khác biệt so với các sản phẩm margin thông thường của MBS là tỷ lệ cho vay ký quỹ tại một số mã cao hơn, danh mục có sự khác biệt so với danh mục MBS hay khả năng rút nhiều hơn số tiền có trong số dư tài khoản (thấu chi).
Tương tự như MBS, VNDirect cũng đưa ra thông báo nội bộ tới các nhân viên môi giới về việc các ngân hàng hiện đang hợp tác với VNDirect có thể ngừng cho vay từ ngày 1/2/2015 do tác động của Thông tư 36.
VNDirect cho biết, Công ty đã cố gắng đàm phán với Ngân hàng để đưa ra phương án ảnh hưởng ít nhất đến khách hàng. Theo đó, hiện có 2 phương án đưa ra là (1) Ngân hàng dừng giải ngân mới toàn bộ từ ngày 1/2/2015; hoặc (2) Vẫn duy trì giải ngân mới với 1 số mã không có trong danh mục margin.
Theo nhận định của VNDirect, khả năng xảy ra phương án 1 là cao nên hướng xử lý sẽ điều chỉnh tỷ lệ cho vay margin về 0% với sản phẩm hợp tác với ngân hàng.
Tuy nhiên, VNDirect cho biết, các khoản vay với ngân hàng phát sinh trước ngày 1/2 sẽ thực hiện theo đúng hợp đồng tín dụng và hoạt động giao dịch ký quỹ sau thời điểm Thông tư 36 không bị ảnh hưởng do sau khi tăng vốn, vốn chủ sở hữu của Công ty là 1.832 tỷ đồng.
MBS và VNDirect là 2 công ty chứng khoán nằm trong top 10 thị phần môi giới trên cả 2 sàn TPHCM và Hà Nội với tổng thị phần tại mỗi sàn khoảng 10-11%.
Theo số liệu thanh tra, giám sát, dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại tháng 11/2014 là 20.130 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ tại thời điểm tháng 12/2014 của toàn hệ thống khoảng 453.292 tỷ đồng, tổng mức cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu sẽ khoảng 22.665 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu trừ đi các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không cho vay đầu tư cổ phiếu và các ngân hàng có nợ xấu trên 3% cũng không được cho vay đầu tư cổ phiếu thì 5% vốn điều lệ của các ngân hàng đủ tiêu chuẩn chỉ là hơn 13.810 tỷ đồng.
Như vậy, theo số liệu tính toán nói trên, hệ thống ngân hàng thương mại đang cho vay đầu tư cổ phiếu vượt khoảng 6.300 tỷ đồng so với quy định tại Thông tư 36.
Theo ghi nhận của chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong báo cáo tại thời điểm cuối tháng 11/2014, MB xác nhận tín dụng hiện nay cho các công ty chứng khoán với mục đích đầu tư cổ phiếu lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Tính trên vốn điều lệ 11.594 tỷ đồng, dư nợ cho vay đầu tư cổ phiếu tối đa của MB là 580 tỷ đồng, hay MB đã cho vay vượt trần cho phép của Thông tư 36 là 400 tỷ đồng. Đó là chưa kể tại thời điểm cuối quý III/2014, MB có tỷ lệ nợ xấu trên 3% - thuộc diện ngân hàng không được cấp tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu.
Tuy nhiên, điều 22 của Thông tư 36 quy định đối với các hợp đồng được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, ngân hàng và khách hàng được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng. Đồng thời, sau khi Thông tư 36 ban hành, các ngân hàng đã có những động thái giảm cho vay đầu tư cổ phiếu.
Nguồn DVO