Như thông lệ, cứ mỗi khi mùa báo cáo tài chính cuối năm được công bố, giới đầu tư lại thực hiện các bảng xếp hạng và so sánh của ngành ngân hàng. Ảnh: Quý Hòa

 
Thiện Dung Thứ Hai | 19/04/2021 13:30

Công thức tăng trưởng của VIB

Vib đạt được kỳ tích tăng trưởng hơn 8 lần trong 4 năm.

Như thông lệ, cứ mỗi khi mùa báo cáo tài chính cuối năm được công bố, giới đầu tư lại thực hiện các bảng xếp hạng và so sánh của ngành ngân hàng. Vốn dĩ là một ngành có nhiều biến động, thứ hạng ngân hàng liên tục có nhiều thay đổi, nhưng khi xếp đến tiêu chí tăng trưởng, luôn có 1 ngân hàng ở top đầu trong nhiều năm trở lại đây, với lợi nhuận tăng tới hơn 8 lần trong vỏn vẹn 4 năm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB). Năm 2020, VIB thu về hơn 11.215 tỉ đồng tổng doanh thu hoạt động và hơn 4.642 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng lần lượt 38% và 42% so với năm 2019. Trong giai đoạn 2017-2020, VIB ghi nhận mức tăng trưởng bình quân 71,6% về lãi sau thuế, vượt trội hơn so với các ngân hàng cùng thế hệ 9x và cùng quy mô.

3 động lực tăng trưởng

Góp phần không nhỏ trong tốc độ tăng trưởng vũ bão này là tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của VIB luôn duy trì mức khá cao trong suốt nhiều năm qua. Tỉ lệ NIM cao được cấu thành do cơ cấu vốn của VIB rất đặc biệt so với các ngân hàng khác. Cụ thể, cùng với TP Bank và HD Bank, VIB là một trong những ngân hàng có tỉ lệ vốn liên ngân hàng trong tổng nguồn vốn huy động cao nhất hệ thống, mặc dù đã giảm gần một nửa từ năm 2016, nhưng tỉ lệ này vẫn đang chiếm 19,2% trong cơ cấu huy động. Lãi suất “mềm” của thị trường liên ngân hàng đã giúp chi phí huy động vốn (COF) của VIB duy trì ở mức khá thấp, tính bình quân 5 năm chỉ ở mức 3,98%.

Không những sở hữu chi phí đầu vào thấp, VIB còn duy trì lãi suất đầu ra khá cao chủ yếu do dư nợ bán lẻ chiếm 84% tổng dư nợ toàn hàng, mức đột biến và là cao nhất trong toàn hệ thống. Trong đó phần lớn là các khoản vay trung, dài hạn mua nhà và ô tô, vì các khoản vay này có rủi ro và tỉ lệ lệch hạn cao hơn so với cho vay ngắn hạn, do đó lãi suất cho vay tương đối hấp dẫn. Với việc cơ cấu cho vay bán lẻ trung, dài hạn liên tục được mở rộng (tỉ trọng đã tăng gần gấp đôi sau 4 năm), đã đẩy tỉ lệ lợi tức trên tài sản sinh lời (YEA) lên mức 8,36% trong năm 2020. Do duy trì đồng thời được COF thấp và YEA cao, NIM của VIB liên tục được mở rộng lên mức 4,1%, ghi nhận mức cao thứ 6 toàn hệ thống.

Ảnh: TL
Năm 2020, VIB thu về hơn 11.215 tỉ đồng tổng doanh thu hoạt động và hơn 4.642 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng lần lượt 38% và 42% so với năm 2019. Ảnh: TL

NIM cao không chỉ thể hiện khả năng sinh lợi tốt, mà còn là đầu vào hoàn hảo cho khả năng mở rộng tín dụng của ngân hàng này. Khá bất ngờ khi VIB mới là ngân hàng đầu tiên triển khai cả 3 trụ cột Basel II, trước cả các tên tuổi lớn như Vietcombank, MBBank, VPBank. Hay như BIDV, ông lớn ngân hàng quốc doanh cũng chỉ mới được công nhận đạt chuẩn Basel II vào cuối năm 2019, sau khi đón nhận dòng vốn từ cổ đông chiến lược KEB Hana Bank vào tháng 11.2019, VIB còn đồng thời tiên phong trong việc áp dụng thí điểm chuẩn mực quản trị thanh khoản theo Basel III. Ngoài ra, hệ số an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng luôn duy trì trên 10%, cá biệt giai đoạn 2013-2015, đạt trên 17%, tạo dư địa tăng trưởng tín dụng dồi dào. Cùng với lợi thế quy mô còn nhỏ, VIB luôn được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lớn, mức tăng trưởng kép bình quân dư nợ tín dụng đạt trên 25%, trong đó giai đoạn 2019-2020, tăng trưởng đột biến, xấp xỉ đạt trên 30%.

Ngoài ra, VIB cũng không nằm ngoài xu hướng tăng trưởng thị phần tín dụng của nhóm ngân hàng năng động. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), một nguyên nhân quan trọng là do các ngân hàng năng động, trong đó có VIB có tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hơn các ngân hàng quốc doanh.

Công ty Chứng khoán Vietcombank  (VCBS) cho rằng sự chênh lệch này là do các ngân hàng tư nhân có xu hướng miễn phí các giao dịch chuyển khoản, đồng thời kết hợp với nhiều hình thức tăng trải nghiệm khách hàng, giúp các ngân hàng này thu hút được khách hàng thường xuyên hơn, nhờ đó làm tăng tỉ lệ CASA.

 

Chìa khóa cuối cùng là sự đóng góp ấn tượng từ hoạt động dịch vụ, trong đó nổi bật 2 mảng thẻ tín dụng và bancassurance. Tính tới cuối năm 2019, VIB là ngân hàng có tỉ lệ lãi thuần hoạt động dịch vụ/tổng tài sản cao nhất trong hệ thống, cao hơn gấp đôi so với trung bình ngành.

Trong đó, VIB luôn là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực phát triển thẻ tín dụng, dẫn đầu xu hướng không dùng tiền mặt ở Việt Nam, là ngân hàng đầu tiên và duy nhất áp dụng thành công AI và Big Data, đồng thời áp dụng công nghệ hiện đại như e-KYC, e-Signature. Theo thống kê của tổ chức thẻ quốc tế Mastercard, tăng trưởng thẻ tín dụng và mức chi tiêu trên thẻ của VIB đang cao gấp 1,5-2 lần so với trung bình ngành. Còn theo công ty nghiên cứu thị trường Buzzmetrics, thẻ tín dụng của VIB là thương hiệu thẻ được nhắc nhiều nhất trên mạng xã hội 2020.

“VIB có chế độ chăm sóc đặc biệt cho chủ thẻ tín dụng, ở đó, mỗi chủ thẻ đều là chủ thẻ VIP, đặc biệt là các khách hàng thường xuyên giao dịch”, bà Tường Nguyễn, Giám đốc Trung tâm thẻ VIB, cho biết. Bancassurance cũng là một mảng kinh doanh rất nổi bật của Ngân hàng, tính tới năm 2020, VIB tiếp tục dẫn đầu thị trường về thị phần doanh số bán mới bảo hiểm nhân thọ và nhiều năm liền đứng vị trí số 1 về năng suất bán hàng trên chi nhánh. Với việc ký hợp đồng độc quyền 15 năm với Prudential vào năm 2018, công ty thuộc top 3 về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới và top 3 về thị phần bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng năm 2018, doanh thu hoạt động bancassurance của VIB liên tục duy trì đà tăng trưởng và giữ vững ngôi vị dẫn đầu trong 2 năm liên tục.

3 rủi ro nhìn trước

Sự kết hợp của NIM cao, room tín dụng lớn và xuất sắc trong hoạt động dịch vụ ngoài lãi đã giúp VIB luôn duy trì được tỉ lệ ROE rất cao, giữ vị trí top đầu hệ thống trong nhiều năm. Qua ghi nhận, tỉ lệ này đạt mức 29,57% trong năm 2020 và đã duy trì ổn định trên mức 20% trong 3 năm liên tiếp (2018-2020). Mức ROE cao tạo cơ sở để VIB thực hiện cú bứt tốc lợi nhuận ngoạn mục, tăng trưởng hơn 8 lần trong 4 năm. Tuy vậy, để đạt được thành quả này, VIB đã phải đánh đổi rất nhiều thứ.

 

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), rủi ro lớn nhất hiện tại của VIB nằm ở cơ cấu huy động với sự phụ thuộc khá lớn vào nguồn liên ngân hàng và các nguồn tiền gửi kỳ hạn ngắn (dưới 1 tháng), từ đó khiến Ngân hàng có thể đối mặt rủi ro thanh khoản và rủi ro tăng lãi suất cao hơn trung bình ngành, đặc biệt trong điều kiện kinh tế vĩ mô chuyển biến tiêu cực. Mặt khác, với tỉ lệ LLR khá thấp và tập trung lớn vào cho vay bán lẻ, áp lực nợ xấu và chi phí dự phòng sẽ tăng lên nhanh nếu lãi suất biến động bất lợi.

Ngoài ra, do không còn dư nợ tại VAMC từ năm 2018, tỉ lệ nợ xấu của VIB giảm đáng kể, còn 1,46% vào năm 2020. Tuy nhiên, mức nợ xấu này cao hơn hẳn so với mức 0,47% của Techcombank hay 0,6% của ACB và 1,18% của TPBank.Đối với nguồn vốn huy động, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng nếu không tính nguồn vốn liên ngân hàng trong các khoản nợ phát sinh lãi, tỉ lệ cho vay/huy động (LDR) theo quy định năm 2020 của VIB sẽ tăng từ 76,7% lên 95%, vượt mức ngưỡng 85% của Ngân hàng Nhà nước.

A
Để mở rộng tăng trưởng, VIB cũng phải đánh đổi không ít rủi ro trong cơ cấu huy động và cho vay, mặc dù tỉ lệ vốn huy động thị trường 2 đã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, nhưng tỉ lệ này vẫn ở mức khá cao.

Theo VCSC, để duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trên 20%, đặc biệt là trong điều kiện ngày càng khắt khe về sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước trong 3 năm tới, VIB sẽ chịu áp lực tăng tỉ trọng vốn huy động dài hạn bằng cách phát hành thêm giấy tờ có giá. Khoản mục giấy tờ có giá đã tăng 66,5% trong năm 2020 và được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm (CAGR) 28,2% trong giai đoạn 2020-2025, điều này sẽ làm tăng chi phí vốn trung bình 18 điểm cơ bản/năm trong cùng kỳ để hạn chế NIM sau năm 2022.

Nhìn chung, để mở rộng tăng trưởng, VIB cũng phải đánh đổi không ít rủi ro trong cơ cấu huy động và cho vay, mặc dù tỉ lệ vốn huy động thị trường 2 đã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, nhưng tỉ lệ này vẫn ở mức khá cao. Hơn nữa, việc liên tục mở rộng cho vay bán lẻ trung, dài hạn cũng làm giảm mức độ thích ứng rủi ro kinh tế của ngân hàng này và đây là một vấn đề rất đáng lưu tâm trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.

 

Trong tương lai, do dư nợ bán lẻ đang chiếm tới 84% tổng dư nợ toàn hàng, trong đó phần lớn là cho vay mua ô tô và nhà ở, tiềm năng tăng trưởng của VIB sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của thị trường ô tô và bất động sản. Theo Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS), tỉ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô ở Việt Nam vẫn còn rất thấp (khoảng 2%). Dự phóng tăng trưởng của ngành ô tô trong thời gian tới ở mức 10,5-15%/năm. Với vị thế cho vay ô tô số 1 Việt Nam kể từ năm 2017 cho tới nay, VIB sẽ tiếp tục được hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng trưởng của ngành ô tô.

Cho vay mua nhà của VIB cũng tăng trưởng gấp 6 lần quy mô sau 4 năm chuyển đổi, đưa VIB tiếp tục vào top đầu tăng trưởng cho vay mua nhà toàn hệ thống. Thêm vào đó, hầu hết giới phân tích đều cho rằng 2021 là năm bắt đầu mới của chân sóng bất động sản, kéo theo sức cầu ở thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh trong nhiều năm tới. Qua đó, lãnh đạo VIB cũng rất lạc quan về triển vọng tương lai, đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 31%, lợi nhuận trước thuế 2021 đạt 7.510 tỉ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 29% so với cùng kỳ.