Giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: Quý Hòa.

 
Phương Anh Thứ Hai | 01/02/2021 14:00

Công thức kiếm ngàn tỉ của ngân hàng

Ngược dòng COVID-19, nhiều ngân hàng vẫn lãi hàng ngàn tỉ đồng.

Công bố kết quả kinh doanh năm 2020, các ngân hàng báo lãi lớn đi ngược với nhận định thị trường trước khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện. Sự lạc quan vẫn tiếp tục được duy trì trong năm 2021.

Công thức tăng trưởng

Có lẽ không ai nghĩ rằng ngành ngân hàng sẽ có kết quả kinh doanh năm 2020 ấn tượng đến như vậy khi chịu ảnh hưởng gần như toàn bộ của dịch bệnh. “Thị trường thực sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng”, một lãnh đạo ngân hàng nhìn nhận trong buổi chia sẻ. Điển hình là Vietcombank đạt lợi nhuận 23.068 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD. Dù đây là năm đầu tiên sau 5 năm không ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận, nhưng lợi nhuận vẫn ở mức cao nhất hệ thống và con số tuyệt đối cũng không hề nhỏ.

 

Tương tự, VietinBank chứng kiến lợi nhuận tăng vọt 41% so với cùng kỳ, đạt 16.450 tỉ đồng; riêng lợi nhuận trước thuế quý IV ước tăng 88%. Lợi nhuận trước thuế của BIDV cũng đạt 9.017 tỉ đồng, dù đi ngược chiều với Vietcombank và VietinBank nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung.

Đối với ngân hàng thương mại cổ phần, xu hướng báo lãi tăng mạnh là phổ biến. Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 của MB đạt 10.688 tỉ đồng, tăng gần 7% và vượt 19% kế hoạch; VPBank đạt hơn 13.000 tỉ đồng, vượt 27,5% kế hoạch và tăng trưởng 26,1%; Sacombank đạt 3.339 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 30% kế hoạch; ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9.596 tỉ đồng, tăng 27,7% và vượt 25,7% kế hoạch...

Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn, kết quả cũng rất khả quan khi MSB dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm tăng đến hơn 94%, đạt 2.500 tỉ đồng; OCB ước lợi nhuận tăng 37%, đạt 4.420 tỉ đồng; SeABank công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế gần 1.729 tỉ đồng, tăng 24%; VIB tăng 42,1% so với năm 2019 và vượt 29% kế hoạch, đạt 5.801 tỉ đồng.

Một điểm có thể thấy rõ trong công thức tăng trưởng chung của các ngân hàng là đến từ sự nhộn nhịp của thị trường bán lẻ, đặc biệt trong những tháng cuối năm, giúp tín dụng hồi phục với mức tăng hơn 12,1% trong năm 2020, một con số không ai nghĩ đến khi ước tính vào tháng 10 chỉ là 10%.

Trên thực tế, không ít ngân hàng đã phải xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong đó có nhiều ngân hàng tăng đến 30%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng là một động lực thúc đẩy ngân hàng tăng trưởng nhanh về lợi nhuận. MSB, chẳng hạn, có tổng thu nhập ngoài lãi tăng 42%, thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng đến 50%.

Nguồn thu đa dạng trong năm ngoái cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng, ở nhiều hoạt động khác như thanh toán, bảo hiểm, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán... Điển hình trong số này là hoạt động cho vay các tập đoàn lớn và trái phiếu doanh nghiệp được đẩy mạnh cũng góp phần đẩy cao lợi nhuận của ngân hàng. Thống kê của SSI cho thấy tổng trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng thương mại sở hữu tăng 69,5%, đạt 207.000 tỉ đồng trong quý III/2020, mức tăng mạnh nhất nằm ở Techcombank, SHB, VPBank, MB và TPBank.

Bên cạnh đó, một điểm chung trong năm 2020 là chi phí hoạt động giảm rõ rệt, góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Chi phí vốn trong thời kỳ dịch bệnh giảm mạnh cũng giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực và duy trì mức sinh lãi của tài sản. Tuy nhiên, sự vận động của các ngân hàng chỉ là điều kiện cần, như một lãnh đạo ngân hàng nhận xét, đáng chú ý là trong những tháng cuối năm, kinh tế khởi sắc đã giúp cho nhiều doanh nghiệp, người đi vay phục hồi đáng kể.

 

Của để dành hay để ăn?

Khi ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong bối cảnh nhiều ngành nghề đi xuống, các tranh cãi lập tức nổ ra. Không ít ý kiến cho rằng, bản thân các tổ chức tài chính trung gian giảm lãi suất huy động nhiều, còn lãi suất cho vay  hầu như không đáng kể.

Tranh cãi này diễn ra từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 giúp tái cấu trúc các khoản nợ xấu vì COVID-19, một nhân tố tích cực mà nếu thiếu nó, ngành ngân hàng có lẽ rơi vào tình trạng nợ xấu tăng vọt khó lòng kiểm soát và cả người đi vay cũng chịu thiệt hại nặng nề.

Cũng cần biết rằng lợi nhuận trước mắt không chỉ có con số về tăng trưởng. Một lãnh đạo ngân hàng coi rằng đây là “của để dành chứ không phải để ăn”. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, ước đến cuối năm 2020, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng khoảng 3%, cao hơn đáng kể so với con số 1,89% cuối năm 2019 và nợ xấu gộp khoảng 5% (so với mức 4,65%). Lượng nợ xấu này có thể tăng cao hơn trong năm 2021.

Do đó, trong tương lai, việc trích lập dự phòng rủi ro như thế nào sẽ là yếu tố thay đổi lợi nhuận của ngân hàng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng nội dung sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu, hoãn thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Theo dự kiến, các ngân hàng có thể phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho nợ tái cơ cấu trong thời hạn dự kiến tối đa là 3 năm thay vì không phải trích lập như quy định trong Thông tư cũ.

Nhìn về tương lai, đang có sự thay đổi về cấu trúc hoạt động của ngân hàng. Điển hình là việc thay đổi thị phần tín dụng từ các ngân hàng quốc doanh sang các ngân hàng tư nhân. Ngoài ra, hoạt động mua sắm cũng đẩy nhiều ngân hàng phải cấu trúc lại sản phẩm và danh mục cho vay. Thực tế, danh mục cho vay đã thay đổi đáng kể, không chỉ đa dạng hơn mà còn đi sâu hơn vào mảng bán lẻ. Trong năm 2021, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng 21% so với cùng kỳ. 

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Nền kinh tế đang dần hồi phục, tín dụng năm 2021 có thể sẽ tăng tới 14-15%. Tín dụng tăng trở lại sẽ giúp lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục được cải thiện trong năm 2021”.

“Kinh tế khởi sắc sẽ thúc đẩy mở rộng bảng cân đối kế toán và ổn định chất lượng tài sản. Tốc độ mở rộng bảng cân đối kế toán trở lại mức trước COVID-19”, SSI nhận định. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng được đặt kỳ vọng khoảng 13-14%, cao mức ước tính năm 2020 là khoảng 11-12% và tương đối sát với trung bình năm 2018 và 2019 là trên 13%.

Cũng có thể thấy rõ sự lạc quan của ngành ngân hàng trong năm 2021. Đơn cử, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 12% so với năm trước; VietinBank đặt tăng trưởng khoảng 10-20%. Trong khi đó, ở khối ngân hàng tư nhân, lợi nhuận mục tiêu trong năm nay cao hơn nhiều. Chẳng hạn, MSB đưa ra con số 30%, SeABank 36%, OCB tăng 15% so với chỉ tiêu năm 2020. Tất nhiên, tỉ lệ phục hồi sẽ khác nhau giữa các ngân hàng do sự khác biệt về chiến lược kinh doanh, danh mục cho vay, cơ sở khách hàng và khẩu vị rủi ro.