Công nghiệp "second hand" tại Nhật
SOU, công ty điều hành các cửa hàng đồ hiệu đã qua sử dụng (second-hand) ở Nhật đạt lợi nhuận 1,14 tỉ yen (11 triệu USD) trong doanh thu 22,7 tỉ yen (hơn 214 triệu USD) năm ngoái. Kinh doanh tốt đến nỗi người sáng lập Shinsuke Sakimoto quyết định đưa Công ty lên sàn chứng khoán. Cổ phiếu Hãng tăng 24% khi mở cửa giao dịch tại Tokyo so với giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng lần đầu (IPO).
Bán lại túi Hermes, Louis Vuitton, đồ trang sức cao cấp đã qua sử dụng là một ngành công nghiệp đang phát triển ở Nhật. Theo một báo cáo của Chính phủ Nhật, thị trường này tại Nhật có giá trị gần 200 tỉ yen. Trang web đấu giá của Yahoo (Nhật) đang chiếm ưu thế, nhưng có rất nhiều sự cạnh tranh. Chẳng hạn, trong tháng 3.2016, Mercari Inc đã trở thành startup đầu tiên của Nhật đạt tới giá trị 1 tỉ USD. Ý tưởng của Mercari là dành riêng cho thiết bị di động và cho phép người dùng dễ dàng bán các sản phẩm, hàng hóa, từ quần áo, đồ điện tử tới vé xem bóng chày. Mercari hưởng lợi từ số tiền hoa hồng trích trong mỗi vụ mua bán thành công.
Còn SOU, có trụ sở tại Tokyo, thì nhắm vào phân khúc hàng hiệu với túi, đồng hồ và đồ trang sức đắt tiền. Sakimoto, 35 tuổi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn Bloomberg: “Các công ty khác mở các cửa hàng để bán hàng. Chúng tôi là B2B nên sử dụng các phiên đấu giá để bán các mặt hàng trong một thời gian ngắn”.
SOU có 57 mạng lưới trên khắp nước Nhật. Đây là hệ thống thu hút những người bán đi những món hàng hiệu mà họ đã chán, hoặc đổi những thứ mới mẻ hơn. Sự tăng trưởng của Công ty, theo Sakimoto, xuất phát từ “khả năng của họ làm để hài lòng các khách hàng, mua hàng và sau đó bán chúng một cách nhanh chóng”. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8.2017, Công ty dự kiến doanh thu sẽ tăng 31% so với năm trước.
Sakimoto nói rằng không thể biết trước nhu cầu của khách hàng là nhiều hay ít. Vì vậy, một khi SOU mua các mặt hàng hiệu second hand, họ sẽ tổ chức bán đấu giá cho các doanh nghiệp 4 lần một tháng. Điểm đến tiếp theo của SOU có thể là một thành phố khác ở châu Á. SOU cũng đang xem xét một địa điểm ở nước ngoài như các sàn đấu giá tại Hồng Kông để bán kim cương, tất nhiên cũng là kim cương cũ.
Những doanh nghiệp như SOU tạo thành ngành công nghiệp xuất khẩu và buôn bán đồ cũ trị giá hàng tỉ USD tại Đông Nam Á. Theo số liệu của Tạp chí Japan Re-use Business Journal, hơn 20 công ty Nhật đã thành lập hơn 60 cửa hàng hoặc nhà phân phối chuyên bán hàng Nhật đã qua sử dụng tại 8 nước Đông Nam Á trong những năm gần đây.
Chẳng hạn, Bookoff, một chuỗi cửa hàng đồ cũ lớn nhất tại Nhật, cũng phát triển hệ thống tại Malaysia. Giá trị đồ cũ nhập về hợp pháp của các cửa hàng này đã lên tới gần 1 tỉ USD trong năm 2015, trong khi giá trị nhập khẩu không qua đường chính ngạch ước tính cũng tương đương mức này.
Cô Akiko Nagano, một người dân sống tại Tokyo 47 tuổi, cho biết đối với cô việc mua hàng ở các cửa hàng đồ cũ không chỉ có nghĩa là mua hàng giá rẻ, mà là cảm giác chinh phục khi tìm được thật nhiều món đồ ưng ý ở mức giá rẻ bất ngờ.
Suy thoái kinh tế thế giới làm giảm thu nhập và thúc đẩy mọi người dân Nhật quay trở lại với những mặt hàng qua sử dụng với giá thấp với tâm lý “cũ người mới ta”. Tuy nhiên, ngay cả khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục, tại Nhật, ngành công nghiệp đồ cũ phát triển mạnh khi nhận thức của người dân đối với đồ cũ đã thay đổi, không còn coi đồ cũ là “thấp cấp”. Người Nhật giờ thậm chí còn chán cả đồ mới mà thích dùng đồ cũ và bất kỳ thứ gì cần cho cuộc sống của con người đều có thể tìm thấy ở cửa hàng đồ cũ đang mở ra khắp nơi tại Nhật. Người Nhật cho rằng họ có thể giảm tới 2/3 chi phí sinh hoạt nếu là khách hàng thường xuyên của các cửa hàng đồ cũ. Hàng loạt mô hình bán đồ cũ xuất hiện và phát triển như Second street, Kinji, Komehyo, Hardoff, Chợ điện tử Akihabara...
Các cửa hàng Bookoff được thiết kế không khác gì chuỗi siêu thị Target, Walmart hay thậm chí là cửa hàng thời trang Uniqlo. Bookoff đã mua lại 489 triệu món đồ và bán ra được 331 triệu trong số này trong năm 2015 trước khi quyết định xuất khẩu. Các loại hàng hiệu Louis Vuitton, Cartier, đồng hồ Thụy Sĩ hay kim cương tại SOU cũng chỉ làm thị trường này thêm phong phú và nhộn nhịp hơn.
Hiện nay, ngành bán lẻ đồ cũ đã chiếm 4,36% tổng thị trường bán lẻ Nhật. Đối với các thương hiệu xa xỉ, đồ cũ chiếm hơn 10% thị trường.