Triển lãm công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hoà

 
Cẩm Tú Thứ Sáu | 17/04/2020 07:50

Công nghiệp phụ trợ đầy ắp đơn hàng giữa dịch bệnh

Trong khi nhiều ngành hàng điêu đứng vì COVID-19, ngành công nghiệp hỗ trợ lại chứng kiến đơn hàng gia tăng.

Đơn hàng vẫn cao

Giữa làn sóng mất việc lan rộng, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp An Phát (Biên Hòa) vẫn liên tục tăng ca để đảm bảo thời hạn giao hàng cho khách. “Chúng tôi vừa lo mở rộng xưởng, vừa lo tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của đối tác. Vấn đề không nằm ở đơn hàng mà chúng tôi lo dịch COVID-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng đến công nhân sản xuất, đồng thời phải ngăn ngừa, không để dịch bệnh xảy ra”, Giám đốc Nguyễn Hòa An cho biết.

An Phát chỉ là một trong số hàng ngàn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ở vùng Đông Nam Bộ có lượng đơn hàng tăng mạnh. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp FDI khó nhập hàng trong thời điểm dịch bệnh, nên phải tìm kiếm nguồn hàng trong nước. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất mà còn giúp rút ngắn thời gian giao dịch, giảm chi phí vận chuyển.

Tại Công ty TNHH Một thành viên Kim Vĩnh Thắng (Khu Công nghiệp Biên Hòa 1), lượng đơn hàng cũng tăng cao. Để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của đối tác, công ty này đã sắp xếp lại hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất một cách bài bản nhằm khẳng định tên tuổi, chất lượng với các đối tác FDI. “Chúng tôi vừa làm việc với đối tác Nhật và nhận thấy rằng nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các nhà máy sản xuất hiện rất cao, nên thời gian tới sẽ thuận lợi về đơn hàng”, Giám đốc Phan Văn Tứ cho biết.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Tỉnh Bình Dương, đến nay một số doanh nghiệp gỗ, cơ điện, gốm sứ lớn ở tỉnh này đã có đơn hàng đến quý II/2020; hiện lượng hàng dự trữ đủ duy trì sản xuất đến tháng 5.2020.

Các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu cũng đã nhập khẩu nguyên phụ liệu (nguyên liệu thô) từ Trung Quốc để sản xuất. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ giải quyết một phần nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo ông Lê Trí Minh, Hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp trong Chi hội nhận được đơn hàng tăng từ 30-40% so với cùng thời điểm năm trước. Hầu hết đơn hàng đến từ khối doanh nghiệp FDI. Đơn hàng tăng là vì các doanh nghiệp thiếu nguyên phụ liệu sản xuất do bị hạn chế nhập hàng từ Trung Quốc. Cùng với đó, chuyên gia nước ngoài của các doanh nghiệp FDI không thể sang Việt Nam để giám sát, nên không sản xuất được và phải chuyển sang đặt hàng gấp tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Bài toán nguyên phụ liệu

Dù cơ hội là có, nhưng các doanh nghiệp đang lo lắng về tình trạng thiếu nguyên phụ liệu sản xuất. “Là đơn vị sản xuất các sản phẩm đúc bằng gang, một số chi tiết khuôn mẫu nên chúng tôi cũng cần nhập các loại sắt, thép đặc thù. Hiện tình hình vẫn ổn nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thêm 1-2 tháng thì nguyên liệu cũng sẽ trở nên khan hiếm. Dịch bệnh càng kéo dài, càng khó khăn về nguyên liệu, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ”, ông Phan Văn Tứ, Công ty Kim Vĩnh Thắng, cho biết.

Một vấn đề nữa là việc gia tăng đơn hàng đột biến như hiện nay chỉ là tức thời do doanh nghiệp FDI đang thiếu nguồn cung.

Về lâu dài, khi dịch bệnh qua đi, chắc chắn sẽ có sự khác biệt. Nếu không đảm bảo các tiêu chí đơn hàng, doanh nghiệp có thể sẽ bị đối tác cắt hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giày Đông Hưng (Dĩ An, Bình Dương), cho rằng đứng trước khó khăn về nguyên phụ liệu trong dịch COVID-19, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp thấy rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn cung nguyên liệu, công nghiệp hỗ trợ từ trong nước.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước vẫn là một tiêu chí của các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu, hiện nguồn cung này đáp ứng được 60%. Còn ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty Giày dép cao su màu (Biên Hòa), cho biết: “Trước đây, sản xuất giày dép phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đến 80-90% thì 3-4 năm gần đây giảm còn 60-70%. Trong đó, có những đơn hàng đạt 2/3 về tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm”.

Dây chuyển sản xuất giày tại Công ty Đông Hưng. Ảnh: Quý Hoà
Dây chuyển sản xuất giày tại Công ty Đông Hưng. Ảnh: Quý Hoà

Hiện Đồng Nai tập trung hơn 600 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có gần 140 doanh nghiệp Việt, còn lại là công ty FDI. Trong cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI trên cùng lĩnh vực, làm ra sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành đã thúc đẩy doanh nghiệp Việt dần nâng tầm quy mô, công nghệ.

Do đó, số lượng doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các tập đoàn đa quốc gia cũng nhiều hơn. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh nhận xét: “Trên địa bàn Tỉnh có nhiều sản phẩm của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, ngoài xúc tiến thương mại ra nước ngoài, Tỉnh còn chú ý đến xúc tiến thương mại tại chỗ. Mục đích là tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước gặp gỡ doanh nghiệp FDI trên địa bàn trao đổi kinh nghiệm, hợp tác để cung ứng sản phẩm cho nhau”.

Đến hết quý I/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Bình Dương và Đồng Nai tăng khoảng 6,1% so với cùng kỳ. Trong quý I, tại Đồng Nai, 7/27 ngành sản xuất có chỉ số giảm so với cùng kỳ. Đây là quý đầu năm có số ngành giảm nhiều nhất trong các năm gần đây, nhưng vẫn có 20/27 ngành có mức tăng.