Công nghiệp ô tô "né" dòng xe con
2 vấn đề quan trọng được quan tâm là làm thế nào để phát triển ngành công nghiệp khi nguồn lực còn hạn hẹp và công nghiệp ô tô của Việt Nam thời gian tới sẽ đi theo hướng nào.
Tập trung phát triển công nghiệp ưu tiên
Theo ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, chiến lược công nghiệp ô tô tập trung vào 3 nội dung. Thứ nhất, điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp theo hướng điều chỉnh từ số lượng sang chất lượng, dựa trên năng suất và hiệu quả. Điều chỉnh gắn với nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực, tăng khả năng cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.Tăng trưởng gắn với nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động, tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp. Thứ hai, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên nhằm khai thác một cách hiệu quả, do nguồn lực này có hạn.
Các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo (9 nhóm ngành, trong đó có các ngành trùng với lĩnh vực hợp tác với Nhật Bản như ô tô...); điện tử và viễn thông (2 nhóm ngành); năng lượng mới và năng lượng tái tạo (1 nhóm ngành). Tổng cộng đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển 12 nhóm ngành trong lĩnh vực ưu tiên. Thứ ba, về vấn đề điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp, mục tiêu nhằm đảm bảo phù hợp giữa các vùng; làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cân đối giữa các địa phương, vùng, miền, giải quyết tình trạng mật độ công nghiệp ở một vài khu vực quá cao...
Tuy nhiên, băn khoăn trong chiến lược đưa ô tô thành lĩnh vực được ưu tiên, ông Nguyễn Thanh Hải, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái Lan, cho rằng sẽ khó cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam dù được đưa vào lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, bởi thuế suất với ô tô giảm còn 50% vào năm 2014 và năm 2018 giảm về 0%.
Thừa nhận điều này, ông Giám cũng cho rằng sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức bởi sản lượng ô tô của Thái Lan năm 2011 và 2012 lần lượt 2,1 triệu và 2,4 triệu chiếc và nước này xuất khẩu khoảng 1,4 triệu chiếc, trong đó Việt Nam cũng là thị trường quan trọng được hướng tới. Song ông Giám lý giải, việc chọn công nghiệp ô tô để ưu tiên xuất phát từ việc ngành này nếu phát triển sẽ có sức lan tỏa mạnh đến các ngành khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam.
"Theo dự báo của chúng tôi trong giai đoạn 2020-2025 sẽ xuất hiện việc "ô tô hóa" nền kinh tế Việt Nam và nhu cầu sẽ rất lớn. Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đề xuất đưa công nghiệp ô tô vào lĩnh vực hợp tác phát triển giữa 2 bên" - ông Giám nói. Ngoài ra, bên cạnh xe ô tô cá nhân, việc phát triển xe vận tải nhỏ phục vụ thị trường nội địa nông thôn cũng đóng vai trò quan trọng như Thái Lan đã thành công.
Ưu tiên sản xuất xe tải, phụ tùng
Trong định hướng phát triển sắp tới, Việt Nam không có tham vọng trở thành nước sản xuất ô tô giống như Thái Lan, cũng như không đặt vấn đề với xe con, mà chỉ tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước về xe tải cỡ trung và nhỏ, xe khách, cùng một số xe chuyên dụng (xe trộn bê tông, xe bồn...). Tuy nhiên, với linh kiện, phụ tùng, Việt Nam có tham vọng sản xuất để cung ứng toàn cầu, trở thành vệ tinh của các nhà sản xuất ô tô lớn ở một số loại, bởi để hoàn chỉnh một chiếc ô tô cũng cần trên 30.000 chi tiết, linh kiện. Cùng với đó là hình thành nên một số doanh nghiệp sản xuất lớn trong nước. Ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, đã có nhiều ý kiến về sự thất bại của quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 được ban hành năm 2004, hơn chục doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhiều ưu đãi nhưng không có nhiều đóng góp cho sự phát triển của công nghiệp ô tô.
Tuy nhiên, nếu xem xét một cách khách quan, quy hoạch năm 2004 có đề ra phát triển xe tải nhỏ, xe buýt, xe con... trong đó đúng là xe cá nhân không đạt các chỉ tiêu về sản lượng, tỷ lệ nội địa hóa. Nhưng riêng dòng xe tải, xe buýt đã có những thành công nhất định khi chỉ có một số phải nhập khẩu, phần lớn xe buýt, xe tải đã do trong nước sản xuất như Trường Hải, Tổng công ty Công nghiệp ô tô... Tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe này cũng lên tới 40%. Còn về phát triển công nghiệp phụ trợ, Việt Nam đã xuất khẩu đạt giá trị cả tỷ USD phụ tùng ô tô.
Cũng theo ông Quang, về những ý kiến đề cập đến sự thất bại công nghiệp ô tô có liên quan đến chính sách. Đó là chính sách thuế hay thay đổi một cách "xoành xoạch, không biết đường nào mà lần".
Trong bản dự thảo về chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đang được hoàn thiện, theo chỉ đạo của Chính phủ, trong chiến lược phải đưa ra những yêu cầu về chính sách thuế theo hướng ổn định hơn, quy định rõ ràng trong một thời gian dài. Chẳng hạn, trong 10 năm tới, thuế nhập khẩu, ngoài việc mốc thời gian 2018 với khu vực ASEAN, thì chính sách thuế, phí với các dòng xe cần được giữ ổn định, hợp lý tùy vào dòng xe.
Nguồn Sài Gòn Đầu Tư