Người trồng hoa Đà Lạt đang lo ngại khi nhu cầu hoa trong và ngoài nước đều giảm mạnh. Ảnh: TL
Công nghiệp hoa héo hon trong mùa dịch
Ngoài Lâm Đồng, nhiều địa phương trồng hoa khác tại Việt Nam cũng gặp khó khăn về tiêu thụ do dịch COVID-19.
Tiêu điều cả trong và ngoài nước
Những năm gần đây, hoa tươi đã trở thành một mặt hàng có mức sinh lời hấp dẫn, nhu cầu luôn tăng đều qua mỗi năm. Vì thế, đã thu hút sự tham gia của nhiều công ty, tập đoàn, khu vực trồng hoa chuyên canh với quy mô lớn tại Hà Nội, Đà Lạt, đồng bằng sông Cửu Long... Thế nhưng, khi dịch COVID-19 lan nhanh, diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu, người tiêu dùng các nước chỉ quan tâm đến nhu yếu phẩm, hoạt động lễ hội đều bị hủy bỏ, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hoa giảm mạnh.
Ông Huỳnh Tấn Sơn, Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời tại Đà Lạt, cho biết: “Bắt đầu từ năm 2017, lan Vũ Nữ của Công ty đã đi vào thị trường Nhật và phát triển ổn định. Hiện Công ty có 10 ha trồng hoa và gần 15 ha liên kết với các nông hộ. Khi dịch COVID-19 bùng phát, những đợt hoa của Công ty vẫn đang cho thu hoạch. Công ty cũng thu mua từ người dân theo hợp đồng liên kết. Nhưng tất cả hoa đều bị hủy vì không thể xuất đi”.
Cũng theo ông Sơn, không chỉ hoa cắt cành xuất khẩu, mà một lượng lớn cây giống xuất sang các thị trường châu Âu, Mỹ cũng ngưng hoàn toàn vì những thị trường này đóng cửa và các chuyến bay quốc tế cũng ngưng hoạt động. Sức tiêu thụ hoa tại thị trường nội địa cũng không khá hơn.
Công ty Dalat Hasfarm cũng đối mặt với tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: “Trong những thị trường xuất khẩu hoa cúc chủ yếu của Dalat Hasfarm, thị trường Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn, thị trường Đài Loan, Hồng Kông giảm mạnh. Hiện sản lượng hoa cắt cành xuất khẩu của Công ty giảm tới 40%, sản lượng hoa tiêu thụ tại thị trường nội địa giảm 50%. 14/18 cửa hàng phân phối hoa của Dalat Hasfarm tại TP.HCM và Hà Nội đều phải tạm đóng cửa”.
Cầm cự và điểm sáng online
Ông Bảo cho biết thêm, Dalat Hasfarm hiện liên kết với hơn 200 hộ, diện tích 35 ha, trong đó, có tới 60 hộ liên kết sản xuất hoa cúc. Đối với các nông hộ này, những hộ đã xuống giống hoa cúc, Công ty vẫn tiếp tục thu mua trong vòng 2 tháng rưỡi tiếp theo, dù hoa cúc thu mua của người dân chỉ có cách băm bỏ.
Dalat Hasfarm hiện sản xuất trên diện tích 320 ha ở trên 4 trang trại. Trong đó, hơn 50% sản xuất hoa cúc. Ở thời điểm này, toàn bộ công nhân viên của Dalat Hasfarm chuyển sang sản xuất theo ca, chủ yếu thực hiện công tác cải tạo đất. Đó là giải pháp để Công ty giảm bớt chi phí vận hành, song vẫn đảm bảo đội ngũ để sẵn sàng tái sản xuất khi dịch được kiểm soát.
Tại Hà Nội, Mê Linh là một trong những vùng chuyên trồng hoa với diện tích khoảng 240 ha. Mọi năm, sau Tết, lượng khách buôn và khách lẻ đổ về mua hoa rất lớn nhưng năm nay, người mua thưa thớt, giá hoa sụt giảm mạnh. Hiện giá hoa hồng, hoa cúc loại đẹp chỉ bằng 1/3 giá trước Tết Nguyên đán.
Theo tính toán của người dân nơi đây, cứ mỗi sào (1.000 m2) trồng hoa, người trồng phải đầu tư ít nhất khoảng 100-120 triệu đồng/vụ. Nếu như trước đây, những nhà vườn trồng với diện tích 4-5 sào trở lên phải thuê 3-4 nhân công để làm việc vì sau Tết có nhiều ngày lễ lớn, nhu cầu chơi hoa cũng tăng thì nay đều không dám thuê vì hoa không bán được.
Hoạt động lễ hội, đền chùa đều bị hủy bỏ cũng là một nguyên nhân làm giảm mạnh nhu cầu mua hoa. Đã vậy, xuất khẩu hoa cũng gặp khó khăn. Tại vùng trồng hoa Mê Linh, Trung Quốc là thị trường chính yếu chuyên nhập hoa phục vụ các ngày lễ sau Tết Nguyên đán, nhưng nay gần như không nhập vì dịch bệnh.
Bên cạnh sức mua giảm mạnh, giới kinh doanh hoa toàn quốc còn thêm gánh nặng bởi chi phí đầu tư tăng lên ngay trong mùa dịch. Hiện người trồng hoa phải mua các loại vật tư nông nghiệp với giá cao vì nguồn hàng khan hiếm, còn người bán lẻ thì đau đầu bởi các loại giấy bạc, bìa carton, túi ny-lon, dây chuyên bọc, bó hoa… cũng theo đà tăng giá.
Toàn cảnh thị trường hoa tươi hiện nay có lẽ chỉ còn một điểm sáng nhỏ. Đó là mảng bán hoa online ở nhiều cửa hàng vẫn giữ được doanh số khá ổn định. Mặc dù đã triển khai kinh doanh online từ cuối năm 2018, nhưng trước tình hình dịch bệnh sau Tết, Xuân Phú, chủ 2 cửa hàng hoa ở TP.HCM, quyết định đẩy mạnh kênh bán hàng online nhằm tăng doanh thu.
Nhiều mẫu lẵng hoa, bó hoa mới liên tục được cập nhật, giới thiệu trên fanpage của cửa hàng. Nhờ chăm chỉ tiếp cận khách hàng trên mạng cùng chính sách thanh toán linh hoạt, giao hàng miễn phí, nhanh chóng mà dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ vừa qua, lượng khách mua online của 2 cửa hàng tăng hơn 30% so với cuối năm 2019. Dù chưa bù đắp được khoản lỗ từ bán offline, nhưng mảng online cũng giúp những người yêu hoa như Xuân Phú gia tăng sức bám trụ chờ đến ngày hết dịch.