Ảnh: QH

 
Hải Vân Thứ Tư | 16/10/2019 14:36

Công nghiệp 4.0: Thêm công nhân hay mua Robot

Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong kỷ nguyên 4.0, những lại khó tiếp cận do hạn chế về năng lực tự động hóa.

Việc kinh tế tăng trưởng cao và nhu cầu thị trường trong nước khá lớn đã làm gia tăng đầu tư vào công nghiệp cơ khí chính xác, thu hút các nhà chế tạo trên thế giới mở rộng kinh doanh đến thị trường Việt Nam. Tại Triển lãm quốc tế lần thứ 7 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại khu vực miền Bắc vào trung tuần tháng 10 ở Hà Nội, tự động hóa chiếm tới 70% các gian hàng. Ông William Lim, Giám đốc cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị khu vực châu Á của Công ty Infoma Markets, cho rằng, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cơ khí chính xác tăng trưởng mạnh, nhưng có xu hướng dịch chuyển từ miền Nam ra Bắc.

Chưa đánh giá được khả năng tiếp cận

Một loạt thế hệ robot công nghiệp mới, như N2, VT6L, SCARA Robot T6, vừa được Epson Singapore giới thiệu tại thị trường Hà Nội, nhằm hưởng lợi từ thị trường trị giá 184,5 triệu USD vào năm 2021 mà Universal Robots (UR) dự đoán cho lĩnh vực tự động hóa của Việt Nam. “Với lợi thế về tốc độ và tính chính xác, nhà chế tạo này tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nhu cầu sử dụng robot dưới 20kg cho các ứng dụng chi tiết. Epson đang hướng đến các ngành cần độ chính xác cao và giới hạn về trọng lượng robot, như điện và điện tử, ô tô và chế biến thực phẩm của Việt Nam”, ông Ngee Khiang, Giám đốc vùng, mảng sản phẩm thị giác và giải pháp robot, Epson Singapore, cho biết. 

 

Theo ông Ngee Khiang, đang có 2 cơ hội kinh doanh chính tại Việt Nam. Thứ nhất là yêu cầu thị trường. Trước đây, Trung Quốc là công xưởng của thế giới, nhưng nay xu hướng đã dịch chuyển. Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang dần trở thành công xưởng mới của thế giới, với nhu cầu robot đang tăng lên. Thứ 2, Việt Nam có lực lượng nhân công trẻ, có năng lực để tiếp nhận giải pháp của Epson.

Tuy nhiên, cơ hội bán robot cho khách hàng Việt Nam không cao với tất cả các nhà chế tạo. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc Quốc gia Makino Việt Nam, cho rằng, tính đến thời điểm này, nhân công giá rẻ vẫn là một trong những lợi thế mà các nhà sản xuất trong nước tận dụng. Do đó, Makino vẫn dừng ở việc quan sát, giới thiệu sản phẩm mới do chỉ có 13% nhà sản xuất trong nước thực sự quan tâm đến việc đưa hệ thống tự động hóa vào sản xuất. “Chúng tôi chưa đánh giá được khả năng các nhà đầu tư trong nước tiếp cận với tự động hóa ở mức độ nào”, ông Hòa nói.

Tại Việt Nam, 10 năm qua Makino luôn tiết chế việc giới thiệu sản phẩm công nghệ cao và chỉ giới thiệu sản phẩm mới trong 2 năm gần đây. Giám đốc Quốc gia Makino Việt Nam cho rằng, hạn chế đầu tư vào tự động hóa không phải do suất đầu tư hay giá thành công nghệ. “Những hạn chế về năng lực tiếp cận và sử dụng của nhân lực trong nước đang là một trong những rào cản chính làm giảm đầu tư vào tự động hóa”, ông Hòa cho biết.

 

Cạnh tranh khốc liệt

Đề án Chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2025, có 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ chuyển sang nền tảng kỹ thuật số và có ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Nhưng thực tế, các công ty vẫn ngần ngại trong việc tiến đến tự động hóa cho khâu xử lý và di chuyển nguyên vật liệu nhỏ trên dây chuyền sản xuất khi giá trị đem lại không đáng kể trong khi đòi hỏi chi phí đầu tư cao và mức độ phức tạp trong khâu tích hợp.

Dù vậy, mảng tự động hóa và cơ khí chính xác ngày một cạnh tranh hơn khi ngày càng nhiều nhà chế tạo robot châu Âu, Nhật, thậm chí là cả Trung Quốc vào Việt Nam. Theo ông Brian Hull, Tổng Giám đốc ABB Việt Nam, cạnh tranh không chỉ ở việc bán sản phẩm mà còn là cung cấp dịch vụ sau bán hàng. Hiện tại, 2 khách hàng lớn nhất của ABB tại Việt Nam là VinFast với 1.000 robot trong dây chuyền lắp ráp ô tô và một công ty điện tử hàng đầu tại Việt Nam với khoảng 3.000 robot trong dây chuyền sản xuất linh kiện. Để giữ được thị phần, ABB đã gấp rút mở thêm Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ robot tại TP.HCM, sau một trung tâm tương tự tại Bắc Ninh, thậm chí đã đào tạo bài bản hơn 20 kỹ sư cho mảng dịch vụ này.

 

Trong khi đó, tập đoàn điện máy gia dụng Midea của Trung Quốc sau khi thâu tóm Kuka, một công ty chuyên sản xuất robot công nghiệp của Đức, cũng đã mở văn phòng đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2017. Để mở rộng hơn việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng tại thị trường Việt Nam, Midea đã triển khai một loạt hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đến các nhà sản xuất nội địa.

Theo Hiệp hội Robot Quốc tế (IFR), Trung Quốc đang có thị trường robot trị giá khoảng hơn 30 tỉ USD và là một trong những nhà sản xuất và kinh doanh robot công nghiệp lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thương chiến Mỹ - Trung khiến nhiều công ty robot của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực tài chính lớn, chủ yếu từ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, buộc phải giảm sản lượng sản xuất robot trong nước và thúc đẩy bán hàng ra ngoài Trung Quốc.

Giá cả vẫn luôn là vấn đề được người dùng robot quan tâm bên cạnh chất lượng robot. Ông Hayashi Seiji, quản lý cấp cao khu vực mảng giải pháp robot của Epson Singapore, cho biết giá sản phẩm robot Epson phụ thuộc vào thao tác, từ đơn giản đến phức tạp. Tuy nhiên, robot chỉ là một phần của giải pháp. Ví dụ, tổng đầu tư một nhà máy thông minh là 1 tỉ đồng, phần đầu tư cho hệ thống robot chiếm khoảng 30%, tương đương 300 triệu đồng. Do đó, người dùng nên tập trung vào giá trị mà gói giải pháp có thể mang lại.

Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) của Việt Nam đang tăng trưởng liên tục. Năm 2019, Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 nền kinh tế, năm 2018 là 45/126. Với thứ hạng này Việt Nam vươn lên thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, thứ 3 trong ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia. Thêm nữa, việc Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu tự động hóa sản xuất là cơ hội lớn để Epson triển khai giải pháp toàn diện. Nhưng mục tiêu này của Epson sẽ khó triển khai hơn so với Singapore, Malaysia hay một số quốc gia khác trên thế giới.

Theo nghiên cứu của ông Hayashi Seiji, Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào việc phát triển các sáng kiến và ban hành pháp luật để đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong bối cảnh nhu cầu robot đang tăng lên và tiếp tục tăng trong 5-10 năm tới. Tại Đông Nam Á, nhu cầu robot công nghiệp sẽ tăng vọt do sự dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Để phát triển tự động hóa, ông Hayashi Seiji nói rằng Việt Nam cần sự hợp tác của nhiều bên.

►Tạp hóa lên đời 4.0

Nhân sự thời đại 4.0: Cần thích ứng xu hướng “tự động hóa”