Thứ Sáu | 05/10/2012 14:32

Cộng hòa Séc khai thác vàng trở lại sau 18 năm

Trên thực tế, Cộng hòa Séc sở hữu một số vùng đất có trữ lượng vàng lớn nhất châu Âu, với khoảng 392 tấn vàng hiện vẫn được chôn dưới lòng đất.
Hàng năm, nhu cầu tiêu thụ vàng của Cộng hòa Séc vào khoảng 5 tấn với lịch sử khai thác vàng niên đại 2.000 năm. Tuy nhiên, trong suốt gần 2 thập kỷ qua, hoạt động khai thác vàng của nước này chững lại, nguồn cung kim loại quý chủ yếu từ hoạt động nhập khẩu và tái chế.

Sau khoảng thời gian 18 năm ngừng hoạt động, hiện nay Cộng hòa Séc quyết định tái khởi động khai thác vàng trên quy mô lớn.

Theo Hiệp hội vàng Séc, nhiều công ty đã nộp đơn lên Bộ Môi trường nước này để xin giấy phép khai thác tại 6 lãnh thổ thuộc trung tâm và phía nam vùng đất Bohemia (chiếm 2/3 diện tích của Cộng hòa Séc).

Trên thực tế, Cộng hòa Séc sở hữu một số vùng đất có trữ lượng vàng lớn nhất châu Âu, với khoảng 392 tấn vàng hiện vẫn được chôn dưới lòng đất, trị giá khoảng 400 tỷ koruna (20,76 tỷ USD).

Trong đó, mỏ Kasperske Hory được cho là mỏ vàng lớn nhất nước này với trữ lượng trị giá 130 tỷ koruna (6,75 tỷ USD). Đây là lý do giải thích tại sao các công ty quan tâm đến việc đầu tư khai thác nguồn tài nguyên của nước này.

Hiệp hội vàng Séc cũng cho biết, việc khai thác mỏ trở lại có thể mang lại một số lợi ích khác về kinh tế như tạo thêm xấp xỉ 1.000 việc làm cho người dân, mở rộng nguồn thu ngân sách từ thuế và giúp nước này giải quyết một số vấn đề về tài chính.

Các chuyên gia cho biết, vàng và các kim loại quý khác sẽ trở thành chìa khóa giải quyết những bất ổn tài chính hiện nay của Cộng hòa Séc. Vừa qua, Ngân hàng quốc gia Séc giảm lượng nắm giữ vàng 14.000 ounce xuống còn 380.000 ounce trong tháng 8.

Nguồn BullionStreet/Khampha


Sự kiện