Cộng đồng kinh tế ASEAN không làm hàng Việt yếu thế
Cuối năm nay Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Vậy những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt, đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào? Những ngành hàng chính như tiêu dùng, nông sản sẽ phát triển ra sao để có thể không bị mất thị phần trên chính sân nhà và nắm bắt được các cơ hội của hội nhập?
Tất cả những vấn đề này sẽ được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời người dân trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này.
PV: Thưa bộ trưởng, lâu nay chúng ta hay nói về khái niệm thương mại tự do, nhưng người dân như chúng tôi chưa hiểu nội dung của khái niệm này. Xin bộ trưởng vui lòng giải thích thêm về khái niệm này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Khái niệm thương mại tự do bao gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Gồm nhiều hình thức, phổ biến là các nước tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới, hoặc các nước tham gia kí kết với nhau theo hình thức liên minh thuế quan, liên minh kinh tế, liên minh tiền tệ và các Hiệp định thương mại tự do, song phương và đa phương.
Các nước khi đã tham gia kí kết trong khuôn khổ của Tổ chức thương mại thế giới hay liên minh thuế quan, thì việc giao thương hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và tự do di chuyển và lao động là nội dung cơ bản của Hiệp định thương mại tự do.
Việt Nam đang chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực nhằm thực thi trách nhiệm,
nghĩa vụ khi Công đồng kinh tế ASEAN được thành lập. (Ảnh minh họa: KT)
PV: Một số người dân quan tâm tới khái niệm Hiệp định thương mại tự do có hỏi, thời gian qua Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán một số Hiệp định thương mại tự do. Xin Bộ trưởng vui lòng nói rõ nội dung cơ bản của một Hiệp định thương mại tự do là gì?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nội dung của một Hiệp định thương mại tự do, trước đây theo mô hình cũ chủ yếu là giao thương hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, chỉ gồm một số lĩnh vực hạn chế, như giảm thuế xuất nhập khẩu, hay lộ trình đưa hàng hóa dich vụ vào một nước.
Hiện nay Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao gồm cả 3 lĩnh vực hàng hóa thương mại dịch vụ đầu tư, gồm cả lĩnh vực phi truyền thống, sở hữu trí tuệ, môi trường, và Việt Nam đã đang tham gia kí kết và đang đàm phán một số Hiệp định thương mại thế hệ mới bao gồm đầy đủ tất cả nội dung này.
PV. Vậy bên cạnh những cơ hội thì theo Bộ trưởng đâu là những trở ngại, thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt khi ký kết những hiệp định này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Khi Chính phủ quyết định đàm phán Hiệp định thương mại tự do với một đối tác, đã tính tới lợi thế và kế hoạch lộ trình để bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp vừa hội nhập và bảo vệ thị trường trong nước.
Khi Việt Nam thực hiện được như vậy, việc băn khoăn đến những việc cạnh tranh gay gắt, thậm chí đe dọa sản xuất trong nước là không có cơ sở nếu chúng ta thực hiện nghiêm thúc các thỏa thuận đã ký.
PV. Rõ ràng việc ký kết Hiệp định thương mại tự do là một việc còn thực thi có hiệu quả hiệp định đó thì lại là một việc khác. Vậy, Bộ Công Thương có giải pháp gì để đề xuất với Chính phủ và bản thân bộ phải thực hiện những giải pháp như thế nào để góp phần thực hiện các Hiệp định thương mại tự do này theo đúng định hướng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2015 này và những năm tiếp theo, khi một loạt Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thì công tác truyền thông là quan trọng, việc cung cấp thông tin, trao đổi tại hội thảo, hay hình thức phối hợp phổ biến pháp luật với Bộ Tư pháp nhằm giúp người dân có điều kiện tiếp cận thông tin về Hiệp định thương mại tự do, từ đó khai thác, tận dung ưu thế do Hiệp định tự do mang lại, có điều kiện phòng ngừa ứng phó phù hợp.
Thứ hai là các cơ quan nhà nước cần có trách nhiệm lớn cần thường xuyên phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, tiếp cận với người dân để kịp thời phản ánh và trao đổi với các đối tác khi những cam kết đã kí phát sinh, cần kịp thời sửa đổi.
Ngoài ra bản thân người sản xuất như doanh nghiệp và người dân cần chủ động tìm hiểu nắm bắt những nội dung mà Chính phủ đã kí kết, đẻ ứng phó kịp thời, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dung tối đa những thời gian bảo hộ mà chúng ta đạt được trong việc đàm phán kí kết các Hiệp định.
PV. Thưa Bộ trưởng, chúng ta hay nói đến khái niệm cộng đồng kinh tế ASEAN. Xin Bộ trưởng cho biết nội dung chủ yếu của cộng đồng và sự chuẩn bị của Việt Nam như thế nào để tham gia vào cộng đồng này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nội dung chính của cộng đồng ASEAN đến ngày 31/12/2015 sẽ hoàn thành cam kết về kinh tế thương mại, đầu tư, đưa ASEAN thống nhất về thị trường hàng hóa đầu tư, tính tới lao động của nước này có cơ hội làm việc ở các nước khác.
Cho đến nay Việt Nam đã chủ động và hết sức có trách nhiệm, chúng ta cùng các nước ASEAN hoàn tất lộ trình thuế, Hệ thống cơ chế hải quan 1 cửa, đang chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực nhằm thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ khi Công đồng kinh tế ASEAN được thành lập.
PV. Thực tế hiện nay có sự đổ bộ của một số nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam và điều này có thể kéo theo hệ quả đó là “Siêu thị đi trước, hàng hóa theo sau”. Bộ trưởng nhận định thế nào về nguy cơ đối với hàng Việt và đặc biệt khi sắp tới cộng đồng ASEAN sẽ được thành lập và hàng ngàn mặt hàng được giảm thuế?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đây là một trong những nội dung chúng ta mở cửa thận trọng, theo lộ trình; và là biện pháp để khuyến khích đầu tư trong nước, tạo cơ hội doanh nghiệp trong nước bán buôn, bán lẻ củng cố thị trường, đưa hàng Việt vào các cơ sở này.
Do đó cho đến nay thị trường bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm 97% tổng lượng hàng hóa giao dịch trên thị trường, nước ngoài chỉ có 3%. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chỉ có một số thương hiệu, khi họ quyết định mở thêm cơ sở bán lẻ, bán buôn phải được sự nhất trí đồng thuận của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!/.
Nguồn VOV