Công điện yêu cầu các địa phương chủ động đối phó bão Hagupit
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vừa có Công điện số 35/CĐ-TW điện Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang; Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngoại giao.
Công điện nêu rõ hồi 16 giờ ngày 8/12, vị trí tâm bão Hagupit ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 121,5 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11-12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km.
Như vậy, khoảng sáng sớm ngày 9/12 bão sẽ đi vào khu vực phía Đông biển Đông. Đến 16 giờ ngày 9/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông biển Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 490km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11. Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, từ tối nay (8/12) ở khu vực phía Đông biển Đông có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Để chủ động đối phó với bão, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương-Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành tăng cường thông tin về diễn biến của bão cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Tìm mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn và kiên quyết không để tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão trong 48 giờ tới được xác định là vùng biển từ vĩ tuyến 10 đến vĩ tuyến 17, (Vùng nguy hiểm trên sẽ được thay đổi tùy theo diễn biến của bão).
Các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 34/CĐ-TW ngày 6/12/2014 của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tăng cường thông tin về diễn biến của bão để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Mặc dù siêu bão Hagubit chưa vào biển Đông nhưng trước những diễn biến phức tạp của bão, tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với siêu bão này.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn 3 địa phương đã gửi công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, thống kê, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên các vùng biển và thường xuyên giữ liên lạc với các phương tiện, thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão Hagupit để chủ động phòng tránh.
Đối với các địa phương có hồ chứa nước phải thường xuyên kiểm tra việc vận hành các thiết bị đóng mở, vận hành các hồ chứa theo qui trình để đảm bảo an toàn cho các hồ. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát phương án di dời, sơ tán dân đối với các khu vực nguy hiểm khi có bão.
Lực lượng bộ đội biên phòng cũng đã hướng dẫn cho ngư dân đưa tàu thuyền vào vị trí neo đậu an toàn, giúp nhân dân neo buộc, chằng chống, phòng tránh va đập khi có sóng to, gió lớn và giúp bà con vùng biển chằng chống lại nhà cửa.
Theo thống kê của Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, Quảng Ngãi còn 790 tàu thuyền với trên 6.400 lao động đang hoạt động tại các vùng biển. Đơn vị đang giữ liên lạc thường xuyên với số tàu thuyền trên và hướng dẫn di chuyển vào bờ hoặc nơi neo trú an toàn gần nhất.
Đến tối 8/12, tỉnh Bình Định vẫn còn 20 tàu với 72 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm ảnh hưởng của Bão Hagupit.
Bộ đội Biên phòng Bình Định và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh đã đến tận người nhà của các chủ tàu này để vận động người nhà thường xuyên liên lạc với chủ tàu tìm nơi tránh bão và các gia đình chủ tàu đã cam kết với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sẽ thường xuyên liên lạc với các chủ tàu này đưa tàu vượt ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tính đến thời điểm này, tổng số phương tiện tàu thuyền của Đà Nẵng đang hoạt động trên biển là 15 phương tiện với 90 lao động, tất cả các tàu này đang khẩn trương di chuyển vào bờ tránh trú bão.
Nguồn Vietnam+