Cơn sốt vàng hạ nhiệt khi 4 tỷ USD bốc hơi khỏi quỹ ETP
Kể cả khi Hy Lạp đấu tranh với các chủ nợ để tránh vỡ nợ và tránh cho eurozone khỏi cuộc chia ly, thì giới đầu cơ đang tháo chạy khỏi kim loại quý vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh biến động kinh tế và chính trị. Các nhà quản lý tiền tệ đã giảm mạnh nhất tỷ lệ đặt cược giá vàng lên trong vòng 15 tuần qua, theo số liệu của chính phủ Mỹ.
USD mạnh lên và chứng khoán toàn cầu tăng kỷ lục đang làm giảm tính hấp dẫn của vàng như phương tiện dự trữ. Lượng tiền rút khỏi các quỹ ETP vàng trong tháng 2 đã lên đến 4 tỷ USD.
Vị thế mua ròng vàng trong tuần kết thúc vào 17/2 giảm 18% xuống 110.164 hợp đồng quyền chọn và tương lai, theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ, ghi nhận tuần thứ 3 giảm liên tiếp, dài nhất kể từ tháng 11/2014. Số hợp đồng đặt cược giá vàng giảm tăng 44%, mạnh nhất kể từ tháng 8/2014.
Giá vàng kỳ hạn tuần qua trên sàn Comex New York giảm 1,8% xuống 1.204,9 USD/ounce, trong khi Chỉ số Hàng hóa Bloomberg giảm 1,7%, Chỉ số USD Giao ngay Bloomberg tăng 0,4% và Chỉ số S&P 500 tăng 0,6% và đạt kỷ lục hôm 20/2.
Cuộc thảo luận khẩn cấp của các bộ trưởng tài chính eurozone hôm thứ Sáu 20/2 đã đi đến kết luận tiếp tục gia hạn nợ cho Hy Lạp. Thậm chí trước đó, giá vàng vẫn không thể thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi lượng vàng nắm giữ tại các Quỹ ETP toàn cầu tuần qua biến động không đáng kể, chỉ đạt 1.671,8 tấn, theo số liệu của Bloomberg.
Thời gian qua, tỷ phú John Paulson, nhà quản lý quỹ phòng hộ, cũng không mấy quan tâm đến vàng. Cổ phần của ông trong tín thác lớn nhất thế giới SPDR không đổi trong 6 quý liên tiếp. Tính đến 31/12/2014, Paulson & Co sở hữu 10,23 triệu cổ phiếu tại SPDR Gold Trust, mỗi cổ phiếu đại diện cho 0,096 ounce vàng.
Trong 2 năm tính đến 2014, giá vàng giảm 29%, giảm 2 năm liên tiếp lần đầu tiên kể từ 1998 khi chứng khoán tăng và kinh tế Mỹ liên tục duy trì đà tăng trưởng. Giá vàng kỳ hạn giảm 5,8% trong tháng 2/2015, ghi nhận tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 10/2014.
Biên bản họp chính sách tháng 1 của Fed cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đang tranh luận về việc tiếp tục giữ lãi suất ở mức cận 0 trong một thời gian nữa. Lý do trì hoãn việc nâng lãi suất được đưa ra là USD mạnh lên, bất ổn tại Hy Lạp và Ukraine cũng như tăng trưởng lương chậm chạp tại Mỹ.
Nguồn DVO/Bloomberg