Thứ Năm | 25/09/2014 09:12

Cơn sốt tiêu dùng và cửa ngách rủi ro của ngân hàng

Phân khúc tín dụng tiêu dùng đang tỏ ra hấp dẫn không chỉ với ngân hàng mà với cả công ty tài chính, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%; cho vay tới 150 triệu tổ chức đám cưới, cho vay tiêu dùng không cần tài sản đảm bảo”, những tiếp thị kiểu này ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ ở các công ty tài chính mà ngay ở các ngân hàng thương mại.

Cuộc chạy đua cho vay tiêu dùng phần nào mang lại nhiều dịch vụ tiện ích. Tuy nhiên, bùng nổ cho vay tiêu dùng cùng với sự “nhập nhằng” giữa hoạt động bán lẻ của một ngân hàng và cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng kéo theo những hệ lụy, phải kể đến như nợ xấu gia tăng.
G


Cơn sốt tiêu dùng và sự bùng nổ của công ty tài chính

Theo báo cáo của công ty StoxPlus về Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, tổng quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng năm 2013 đạt gần 188.000 tỷ đồng (gần 8,9 tỷ USD), với mức tăng trưởng hơn 12% và chiếm 5,4% GDP. Giới chuyên gia dự báo thời gian tới, thị trường này có thể tăng trưởng hơn 20%/năm và trở thành cơ cấu tín dụng quan trọng của chiến lược ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Đây được coi là thời kỳ “ăn nên làm ra” từ các hoạt động tín dụng tiêu dùng mà có thể thấy rõ qua kết quả kinh doanh của từng công ty tài chính tiêu dùng. Ví dụ, năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Home Credit tăng 4,5 lần và tăng trưởng tín dụng đạt 86% so với năm 2012. Trong khi đó, Prudential Việt Nam có lợi nhuận sau thuế tăng 44%, tăng trưởng dư nợ hơn 14% so với năm 2012. Hiện tại, Việt Nam có 17 công ty tài chính, con số này được dự báo tăng mạnh trong thời gian tới.

Và không chỉ các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh hoạt động tín dụng tiêu dùng thông qua kênh bán lẻ. Họ cạnh tranh bằng vốn rẻ với lãi suất chỉ 7-8%/năm trong nửa năm hoặc 1 năm đầu ngoài ra còn kèm theo các ưu đãi như cho vay không cần tài sản đảm bảo, hay miễn phí thẩm định, ….

Chưa dừng lại ở đó, các ngân hàng vốn dư dả cũng bắt đầu làn sóng mua bán sáp nhập các công ty tài chính. Những thương vụ mua bán sáp nhập công ty tài chính thời gian gần đây có thể kể đến như HDBank mua Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) và đổi tên thành Công ty Tài chính HDFinance; Maritime Bank mua toàn bộ 64,1% cổ phần của Vinatex tại Công ty Tài chính Dệt may, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này; VPBank mua Công ty Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) từ tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); SHB mua Công ty Tài chính Viettel - Vinaconex.

Phân khúc tín dụng tiêu dùng trở nên hấp dẫn khi lạm phát tăng chậm lại, các gói kích cầu được tung ra. Cơn sốt tiêu dùng càng nóng hơn khi mà các điều kiện vay tiêu dùng ngày càng “thoáng”.

Cửa ngách rủi ro

Đằng sau sự bùng nổ của tín dụng tiêu dùng có thể thấy là cuộc chạy đua tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đang rơi vào cảnh thừa tiền.

Thực tế, các ngân hàng phải tiếp tục huy động nguồn tiền gửi từ người dân và doanh nghiệp nhưng không thể giải ngân nguồn vốn, trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra cho cả năm 2014 là 12%.

Thị trường bất động sản trầm lắng, khoảng 70-80% doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện cho vay, khó cho vay khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng tìm đến các khách hàng cá nhân để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Điều kiện cho vay tiêu dùng từ chỗ khắt khe để hạn chế rủi ro, tránh nợ xấu, các ngân hàng bắt đầu nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay đến "không tưởng".

Ngân hàng sẵn sàng cho vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo hoặc đưa ra nhiều ưu đãi như lãi suất thấp tặng kèm voucher mua sắm, hay cam kết giải ngân khoản vay hàng trăm triệu đồng chỉ trong 48 giờ, …

e

Sự dễ dãi này tiềm ẩn nhiều rủi ro đặc biệt là khi cho vay tiêu dùng vốn là hình thức cho vay lãi suất cao song rủi ro cũng cao. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, dư nợ cho vay tiêu dùng và chứng khoán tại TPHCM hiện chiếm khoảng 8% trên tổng dư nợ, nghĩa là khoảng 80.000 tỷ đồng, trong đó cho vay chứng khoán không đáng kể. Nợ xấu đối với cho vay tiêu dùng của ngân hàng tại TPHCM tính đến hết tháng 8 chiếm khoảng 2% dư nợ cho vay tiêu dùng, thấp hơn con số nợ xấu chung của ngành ngân hàng TPHCM cùng thời điểm (nợ xấu chung khoảng trên 4,5%).

Nợ xấu tiếp tục tạo gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn xa mục tiêu 12% mà Ngân hàng Nhà nước đề ra . Tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 5,82%.
"Gỡ rối"

Trong nỗ lực nhằm tách bạch hoạt động cho vay giữa ngân hàng thương mại và công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra dự thảo thông tư, theo đó, ngân hàng thương mại muốn cho vay tiêu dùng phải thành lập công ty tài chính.

Công ty tài chính được cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân qua ba hình thức, gồm cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng. Tuy nhiên, công ty tài chính sẽ không được phép cho vay bất động sản (cho vay mua, xây dựng nhà ở).

Với dự thảo thông tư này, ngân hàng được định hướng đến khách hàng có thu nhập từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt. Trong khi đó, công ty tài chính tập trung vào khách hàng đại chúng (phi chuẩn) có thu nhập trung bình, thấp, khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng,...

Điều này là bởi năng lực tài chính, nguồn vốn hoạt động của công ty tài chính còn nhiều hạn chế (vốn điều lệ thấp, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là đi vay tổ chức tín dụng khác hoặc vay ngân hàng mẹ,…).

Về khía cạnh tích cực của dự thảo thông tư này, báo Người Lao Động dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển cho rằng: “Các định chế tài chính tách bạch sẽ giúp thị trường đa dạng, phong phú và phục vụ khách hàng tốt hơn. Hiện dòng tiền lưu chuyển bên ngoài ngân hàng rất lớn, việc tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng ra khỏi ngân hàng thương mại còn giúp khách hàng tiếp cận khoản vay từ công ty tài chính với lãi suất thấp hơn tín dụng đen trên thị trường”.

Sự khác nhau giữa công ty tài chính và ngân hàng
Công ty tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, với chức năng là sử dụng vốn tự có vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư; cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác theo quy định của pháp luật, nhưng không được làm dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới một năm.Trong khi đó, ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan, cụ thể là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán.Công ty tài chính và ngân hàng đều phải có vốn pháp định, song vốn pháp định của công ty tài chính thấp hơn ngân hàng. Công ty tài chính phải có mức vốn pháp định là 300 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn pháp định đối với một ngân hàng áp dụng cho đến năm 2008 không thấp hơn 1.000 tỷ đồng, tùy theo loại hình ngân hàng và áp dụng cho đến năm 2010 trở đi không thấp hơn 3.000 tỷ đồng.Thời hạn hoạt động của công ty tài chính tối đa là 50 năm. Trường hợp cần gia hạn thời hạn hoạt động, phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận, nhưng mỗi lần gia hạn không quá 50 năm. Trong khi đó, thời hạn hoạt động của các ngân hàng không bị pháp luật khống chế.