Internet
“Cơn mê” tiền mã hóa đa cấp
Mất trắng tỉ USD
Hàng tỉ USD của các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có hàng chục ngàn người đầu tư đến từ Việt Nam hiện tại đã mất trắng khi Bitconnect tuyên bố ngừng mô hình ủy thác cho vay.
Sau tròn 1 năm ra mắt, tính đến nay, giá trị đồng BCC của Bitconnect chỉ còn 6USD, trong khi mức đỉnh điểm ghi nhận là 437USD. Từ giá trị vốn hóa cao nhất là 2,7 tỉ USD, Bitconnect ngày nay chỉ còn lại 55 triệu USD.
BCC là đồng tiền do Bitconnect tạo ra bằng cách “đào”, được xem là hình mẫu lý tưởng mô hình ủy thác đầu tư và môi giới đa cấp trong giới đầu tư tiền mã hóa, là cơn sốt đầu tư trong năm 2017. Tuy nhiên, đến giữa tháng 1, Bitconnect bất ngờ tuyên bố dừng mô hình ủy thác cho vay, là mô hình mà nhà đầu tư bỏ tiền USD để mua những gói “đào” của Bitconnect. Số tiền này Bitconnect tuyên bố sẽ đi đầu tư để kiếm tiền trả lãi, được trả lãi hằng tháng với mức lãi suất cam kết lên đến 30-40%.
Với mức giá tăng kinh khủng, nhà đầu tư Bitconnect được lợi từ hai hướng: mua gói đào (tức ủy thác cho vay) được trả lãi bằng đồng BCC trong bối cảnh đồng tiền này tăng giá mạnh mẽ.
Vì vậy, không ngạc nhiên khi nhiều nhà đầu tư lao vào đồng tiền này. Nhưng khi đang trong cơn “say máu”, Bitconnect bất ngờ thông báo trên trang chủ rằng ngừng mô hình ủy thác cho vay. Ban điều hành cũng có vẻ rất “công bằng” khi hoàn bộ tiền của nhà đầu tư, nhưng được trả bằng đồng BCC, với mức giá quy đổi 363,6 USD/BCC. Mức quy đổi này dựa trên 15 ngày gần đây trung bình của giá đóng cửa đăng ký trên coinmarketcap.com. Ngay sau tuyên bố này, đồng tiền BCC đã giảm về mức 35 USD/đồng từ mức đỉnh 431 USD/đồng vào 10 ngày trước đó.
Trước đó, Bitconnect đã nhận được lệnh đình chỉ hoạt động từ Ủy ban Chứng khoán Texas và North Carolina, không được bán tiền mã hóa theo mô hình trên tại 2 bang này.
Trong khi gặp những trở ngại về sự hợp pháp của nền tảng, việc truy cập trang web và hệ thống giao dịch của Bitconnect cũng liên tục gặp khó khăn. Theo đại diện của Bitconnect, đó là do các “lực lượng bên ngoài” thực hiện các cuộc tấn công DDos. Điều này càng tạo ra sự hoảng loạn trong cộng đồng.
Sự kiện này được đánh giá là cơn địa chấn trong cộng đồng đầu tư tiền mã hóa vào đầu năm 2018. “Dừng cho vay ủy thác mà không báo trước là coi thường nhà đầu tư, những người vào sau gần như mất trắng”, một người Việt tham gia mạng xã hội chia sẻ thông tin đầu tư Bitconnect lên tiếng.
Nhưng cũng có thể thấy cái “khôn” của BCC ở đây là “tráo đổi” đồng tiền sử dụng. Bitconnect vay nhà đầu tư bằng đồng USD, nhưng lại trả lãi bằng đồng BCC (do máy đào tạo ra). Đến khi dừng mô hình ủy thác cho vay, Ban điều hành cũng trả bằng đồng BCC, vốn không có giá trị gì trên thị trường. Hàng tỉ USD thực đã “bay” theo tiền “ảo” như thế.
Phân phối đa cấp
Thực tế, đồng Bitconnect được biết đến như là đồng tiền mã hóa thành công nhất trên thế giới (xét về giá trị vốn hóa) không chỉ với mô hình ủy thác cho vay mà còn vì hình thức phân phối đa cấp. Không chỉ cam kết lãi khủng lên đến 30-40% mỗi tháng tăng lên theo số tiền đầu tư, Bitconnect còn chính sách tăng lãi suất (đến 7%) cho người giới thiệu được các thành viên mới.
Thêm nữa, người tham gia hệ thống cần phải tham gia đủ thời gian nhất định mới được thu hồi phần gốc (với BCC là khoảng 100 ngày). Điều này nhằm tránh sự đổ vỡ khi khách hàng rút tiền trước khi hệ thống huy động đủ tiền. Một điều quan trọng khác là Bitconnect “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khi đồng thời kiểm soát nguồn cung của đồng tiền và quản lý sàn giao dịch, từ đó khống chế xu hướng tăng giảm của đồng tiền theo ý muốn.
Với mức tăng giá vượt trội, thậm chí lọt vào top 10 đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa cao nhất trên thị trường, nhưng BCC không tạo ra giá trị cụ thể nào như những đồng tiền khác, trở thành đồng tiền giao dịch chẳng hạn.
Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng hệ thống phân phối phân tầng nhiều lớp sẽ có lúc đổ vỡ khi lượng tiền chảy vào không theo kịp lượng tiền trả cho việc phát triển hệ thống, chưa kể các lãnh đạo còn “giấu” riêng. Hình thức phân phối trực tiếp (đa cấp) không xấu nhưng dễ biến tướng, đặc biệt ở Việt Nam và cũng đã có nhiều trường hợp thất bại.
Ở Việt Nam, lượng người tham gia diễn đàn Bitconnect đã lên đến gần 55.000 thành viên. Ghi nhận trên các diễn đàn quốc tế, cũng không thiếu người Việt tham gia trao đổi. Một thông tin không chính thức cũng thống kê: lượng người tham gia Bitconnect của người Việt là đông nhất trên thế giới, cũng có ý kiến (chưa kiểm chứng) rằng ông chủ đằng sau của Bitconnect xuất thân gốc Việt.
Sau sự kiện trên, ở những diễn đàn, thông tin chia sẻ về BCC tiếp tục lan truyền chóng mặt và chia thành 2 chiến tuyến: một tuyên bố lừa đảo và cạch mặt, một thì tiếp tục đặt niềm tin để chờ giá bật lên lại. Niềm tin đó tiếp tục đặt vào Bitconnect khi ban điều hành này quyết định phát hành thêm đồng Bitconnect-X dưới hình thức phát hành tiền mã hóa lần đầu ra công chúng (ICO), cho dù thị trường đang đặt dấu hỏi lớn về số phận đồng BCC.
Mức định giá cho đồng tiền mới này cao đến khó tin, là 150USD theo BCC, tức ưu tiên những người sở hữu BCC mua lại. Trong khi thực tế mô hình trên không mang lại lợi ích gì cho nhà đầu tư, không tạo ra giá trị gì cho thị trường. Giờ đây chỉ có các tín đồ của Bitconnect, hoặc những người trót đầu tư lượng lớn vào BCC, nay tiếp tục đặt cược với BCC-X.
Trong khi các đồng tiền mã hóa với mô hình tương tự trên thế giới đã sập, có thể thấy BCC đã “sống sót” tròn 1 năm, đi cùng sự tăng giá mạnh mẽ của các đồng tiền mã hóa chủ chốt như Bitcoin hay Ethereum. Để đối phó, đã có thông tin Bitconnect sẽ giảm dần lãi suất giới thiệu và lãi suất ủy thác cho vay.
Ở Việt Nam, còn rất nhiều mô hình khác tương tự mà người Việt tham gia, có thể điểm danh như Uncoincash, Regalcoin, Oac, Hextracoin, Falcon, Davorcoin,... Mới đây, Hextracoin gặp khó khăn khi truy cập, Ban điều hành thông báo website đã bị hacker ghé thăm.
Ngày nay, hình mẫu lý tưởng về đầu tư tiền mã hóa được chia sẻ khắp các diễn đàn với sự giàu có hào nhoáng. Nhưng cũng cần biết rằng, trên diễn đàn Bitconnect chia sẻ câu chuyện một nhân vật kêu gọi đầu tư cho Bitconnect đã lâu nay nay đang tích cực “lập nhóm” đầu tư một đồng tiền mới khác. Khi mô hình đa cấp đổ vỡ, chỉ có tầng phía dưới là chịu thua thiệt, ở nhóm phía trên đã kịp tháo chạy và dùng uy tín của kẻ chiến thắng để tiếp tục xây dựng các nhóm đa cấp khác.