Thứ Bảy | 22/02/2014 16:20

Cơn khát tài nguyên của Trung Quốc sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Cơn khát tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc đang có ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ các quốc gia khác trên thế giới.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc là câu truyện kinh tế lớn nhất của thập kỷ trước. Một trong những phần quan trọng của câu truyện là cơn khát của quốc gia này đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên của các nước khác.

Do Trung Quốc đang trong quá trình công nghiệp hóa với tốc độ quá nhanh, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc từ dầu mỏ cho tới đồng, quặng sắt, lúa mý tăng vọt. Giá cả hàng hóa cơ bản trên toàn cầu tăng mạnh, đưa giá dầu lên mức kỷ lục 140 USD/thùng năm 2008. Trong khi đó, các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào các quốc gia Mỹ Latinh và Châu Phi, để dành quyền khai thác khoáng sản, đất nông nghiệp và nguyên liệu.

Cơn khát tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc đang có ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ các quốc gia khác trên thế giới. Đây chính là nội dung cuốn sách By All Means Necessary (Bằng mọi giá có thể) của hai tác giả Elizabeth Economy và Michael Levi, thành viên tổ chức nghiên cứu độc lập Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations). Trong cuốn sách, các tác giả đề cập tới những vấn đề như: ảnh hưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc đối với thị trường toàn cầu (không phải lúc nào cũng khiến cho giá cả tăng vọt) và những hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc ở nước ngoài (những doanh nghiệp này thường áp dụng những quy định lỏng lẻo về lao động và môi trường tại thị trường nước ngoài, mặc dù điều này đang thay đổi một cách đáng ngạc nhiên.)


Brad Plumer, tác giả bài báo, đã có cuộc phỏng vấn với 2 tác giả cuốn sách trên về nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc.
Brad Plumer (PB): Có rất nhiều cuốn sách viết về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Xin bà cho biết tại sao cuốn sách lại tập trung vào cơn khát của Trung Quốc đối với nguyên liệu?

Elizabeth Economy (EE): Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những quá trình chuyển đổi kinh tế lớn nhất hiện nay. Hiện nay chúng ta chưa thực sự hiểu thấu đáo tác động của sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với quản trị doanh nghiệp, an ninh quốc tế và kinh tế toàn cầu. Vì vậy, chúng ta cần phải phân tích nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc để xác định Trung Quốc sẽ tới quốc gia nào để khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho nền kinh tế của nước này. Như vậy, chúng ta sẽ hiểu được sự trỗi dậy của Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới.

BP: Ông nhấn mạnh vào sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thời gian gần đây có nhiều sự tương đồng với sự phát triển nhanh chóng của Nhật Bản trong những năm 50 và 60. Tại thời điểm đó Nhật Bản sử dụng khoảng 9% nguồn dầu mỏ của thế giới. Trung Quốc hiện nay sử dụng khoảng 11%. Về cơ bản, người ta không lo ngại sự trỗi dậy của Nhật Bản ảnh hưởng tới hệ thống kinh tế toàn cầu. Liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc hoàn toàn không phải là một tiền lệ?
Michael Levi (ML): Đây là một nhận định hợp lý. Lịch sử cho thấy sự trỗi dậy của một quốc gia có nhu cầu tài nguyên thiên nhiên khổng lồ - đổ một lượng tiền khổng lồ vào khai thác nguồn tài nguyên. Trung Quốc hơi khác so với các nước khác - những nước không có sứ mệnh thay đổi về cơ bản hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế.

Điều mà lịch sử không cho chúng ta biết là liệu Trung Quốc sẽ giống với Nhật Bản hay sẽ hoàn toàn khác. Tuy nhiên, ít nhất thì nó cũng nêu ra vấn đề này một cách rõ ràng và cho phép mọi người tính tới khả năng tình hình sẽ diến ra theo nhiều hướng khác nhau.

BP: Tôi sẽ bắt đầu với tác động của sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với kinh tế. Thông thường, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng và tiêu thụ một lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, điều này sẽ khiến cho cho giá cả (hàng hóa cơ bản) sẽ tăng lên. Giá dầu sẽ tiếp tục tăng vọt. Đồng sẽ trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy.

ML: Cần phải tách biệt giữ quá khứ và tương lai và không nên đánh đồng tất cả các loại nguyên liệu. Trong thập kỷ trước, Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến cho giá cả một loạt các hàng hóa cơ bản tăng. Nếu nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc không tăng vọt, thì giá dầu ở mức 100 USD/thùng là một điều bất thường.

Tuy nhiên, hệ thống kinh tế toàn cầu đang phản ứng với điều này (nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tăng vọt), và cần có thời gian để phát triển các nguồn nhiên liệu mới, hoặc phát triển công nghệ giảm chi phí khai thác, hoặc kiềm chế nhu cầu ở các nước khác trên thế giới, những điều này tất yếu sẽ xảy ra. Thị trường toàn cầu đang thay đổi, không chỉ thị trường dầu mỏ, mà còn bao gồm thị trường các hàng hoá cơ bản khác. Sẽ rất vô lý khi dự đoán giá dầu sẽ tăng 5 lần trong thập kỷ tiếp theo do giá dầu đã tăng 5 lần trong thập kỷ trước.

BP: Một trong những ví dụ thú vị trong cuốn sách của ông là về nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc. Nhu cầu Trung Quốc tăng vọt thực sự khiến cho thị trường trở nên linh hoạt hơn. Trước đây, chỉ có một số ít các công ty khai thác lớn thống trị thị trường quặng sắt và ràng buộc với các khách hàng bằng những hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên sự xuất hiện của hàng ngàn công ty thép ở Trung Quốc đã khiến cho thị trường quặng sắt giao ngay trở nên linh hoạt hơn rất nhiều so với trước đây.

ML: Tôi không bao giờ nghĩ quặng sắt là một chủ đề hấp dẫn. Tuy nhiên, thị trường quặng sắt ban đầu có cấu trúc rất cứng nhắc. Vì thị trường Trung Quốc quá lớn, nên Trung Quốc đã làm thay đổi cả hệ thống thị trường quặng sắt toàn cầu. Do vậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc đem lại những tác động khổng lồ, tuy nhiên chúng ta không thể lường trước được những ảnh hưởng của nó nếu chúng ta chỉ muốn tìm hiểu việc chính phủ Trung Quốc đang dự tính điều gì.

BP: Hiện nay, Trung Quốc không chỉ nhập khẩu các loại tài nguyên thiên nhiên. Các công ty Trung Quốc thực sự đã vươn ra thế giới và đầu tư rất nhiều vào việc thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài, và mua đất nông nghiệp. Theo ông chiến lược của Trung Quốc hiện nay là gì?

ML: Khi Trung Quốc trở thành quốc gia lớn về tiêu thụ một loại hàng hóa cơ bản, lợi ích chiến lược của Trung Quốc là đảm bảo thị trường đủ nguồn cung. Do vậy, chúng ta thấy Trung Quốc đang đi theo mô hình phát triển của Nhật Bản. Theo đó, Trung Quốc sẽ liên tục đặt ra câu hỏi: liệu các công ty khai thác sẽ phản ứng như thế nào nếu nhu cầu ngày một tăng cao. Nếu nhận thấy nguồn cung không được đảm bảo thì Trung Quốc sẽ đầu tư vào nguồn cung. Điều này sẽ đóng vai trò chiến lược trong việc đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc được cung cấp đầy đủ.

Ở đây, chúng tôi chủ yếu đề cập tới khoáng sản hơn là năng lượng. Trung Quốc là một thị trường toàn cầu về nhiều loại khoáng sản quan trọng khác chứ không chỉ là dầu mỏ và khí đốt. Giá dầu rẻ cũng quan trọng đối với Mỹ như là đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này lại không đúng đối với trường hợp quặng sắt.
BP: Do vậy các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc sẽ tới Mỹ latinh, châu Phi hoặc Đông Á để tìm kiếm đầu tư vào những nguồn nguyên liệu như dầu và đồng. Theo bà, ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc đối với nước sở tại là gì?
EE: Nếu muốn hiểu thêm về ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài, chúng ta cần phải hiểu cách điều hành nền kinh tế trong nước của Trung Quốc – đây là cách mà các công ty Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên ở nước ngoài.

Do các công ty Trung Quốc không có thế mạnh trong việc thực hiện đánh giá ảnh hưởng môi trường ở thị trường nội địa, và tại Mỹ Latinh, Đông Nam Á và châu Phi, các công ty này cũng không thực hiện đánh giá các tác động môi trường. Tương tự đối với vấn đề lao động, công nhân tại công ty khai thác khoáng sản Trung Quốc được có mức lương thấp, điều kiện làm việc tồi tệ, ví dụ như an toàn lao động. Theo nghiên cứu của chúng tôi, tại các quốc gia như Papua New Guinea hay Peru, các công nhân mỏ đánh giá điều kiện làm việc tại các khu mỏ của các công ty Trung Quốc thấp hơn nhiều so với khu mỏ của công ty ở các quốc gia khác.

Vấn nạn hối lộ cũng vậy: các doanh nghiệp đưa hối lộ ở trong nước để giành quyền sử dụng đất, thông qua việc đi cửa sau giữa quan chức và doanh nghiệp để chiếm đất. Khi các doanh nghiệp của Trung Quốc tới Brazil, họ nghĩ sẽ áp dụng cách này ở Brazil. Trung Quốc có một số điều luật tương tự như Luật chống tham nhũng ở Nước ngoài, tuy nhiên lại không có cơ chế thực thi và giám sát điều luật này.

Do vậy cách thức Trung Quốc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu khác hơn nhiều so với những gì chúng ta thường thấy, và ảnh hưởng của nó sẽ rất đáng kể nếu xét trên phương diện quản trị doanh nghiệp.

BP: Trong cuốn sách, ông cho rằng mọi người đang lo ngại về một điều vẫn chưa xảy ra: Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài để độc quyền khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

ML: Đúng vậy. Hiển nhiên, tồn tại khác biệt cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc.Nếu một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc sở hữu nguồn tài nguyên, thì có nghĩa là chính phủ Trung Quốc sẽ sở hữu nguồn tài nguyên này. Trái lại, việc công ty dầu khí Exxon Mobil sở hữu nguồn tài nguyên không đồng nghĩa với việc chinh phủ Mỹ sẽ sở hữu nguồn tài nguyên này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi các doanh nghiệp khai thác của Trung Quốc sở hữu nguồn tài nguyên, nếu có thể, họ sẽ hoạt động tương tự như công ty thương mại. Do vậy, Trung Quốc sở hữu các mỏ dầu trên toàn thế giới, nhưng phần lớn lượng dầu này được bán trên thị trường mở. Các công ty Trung Quốc sở hữu hoặc tiếp cận rất nhiều mỏ đồng trên toàn thế giới, và phần lớn lượng đồng khai thác được mang về Trung Quốc do quốc gia này tiêu thụ một lượng lớn đồng. Trung quốc không xây dựng các đường ống dẫn dầu do bị ràng buộc bởi hàng loạt các hợp đồng cứng nhắc phụ thuộc vào xu hướng cung cầu.

Hiện nay xuất hiện các thương vụ liên kết theo chiều dọc (Vertical Integration). Các công ty thép của Trung Quốc sở hữu các mỏ sắt để phục vụ nhu cầu của công ty. Điều này không khác biệt về cơ bản đối với cấu trúc các chuỗi cung ứng do những công ty phương tây kiểm soát.

EE: Thêm vào đó, một điều cần phải lưu ý là lợi ích của chính phủ Trung Quốc đôi khi mâu thuẫn với những công ty trên. Do vậy, gần đây Ủy bản Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), cơ quan có nhiệm vụ hoạch định kế hoạch chiến lược đầu tư vào nguồn tài nguyên ở nước ngoài, chỉ đạo các doanh nghiệp thép quốc doanh của Trung Quốc sở hữu thêm các mỏ sắt. Tuy nhiên, những công ty thép phải đối mặt với năng suất dư thừa không muốn đầu tư thêm vào quặng sắt. Đây là một điều thú vị mà chúng tôi phát hiện ra. Những công ty này muốn có lợi nhuận và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu giống như các công ty đa quốc gia khác, do vậy đôi lúc họ có xung đột lợi ích chiến lược với chính phủ.

BP: Ông bà cho rằng các quy định lỏng lẻo của Trung Quốc đang thay đổi. Trong một số trường hợp, các công ty Trung Quốc nhận thấy việc nới lỏng quá mức các quy định có thể thực sự trở thành vật cản đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Xin ông bà đưa ra một ví dụ về vấn đề này?

EE: Khi chúng ta quan sát hoạt động của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài, khoảng 10 - 15 năm trước, vấn đề quản trị doanh nghiệp rất tồi tệ. Peru là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, gần đây các công ty khai thác khoáng sản của Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp tốt hơn.

Kinh nghiệm được rút ra từ những bài học của các công ty Trung Quốc đi trước. Các công ty Trung Quốc đã tận dụng được lợi thế về cơ sơ hạ tầng ở Peru. Do vậy họ sẽ thuê Tổng giám đốc (CEO) là người địa phương hoặc thuê chuyên gia Phương tây tư vấn các vấn đề về đánh giá tác động mội trường. Một số công ty hiện nay muốn đầu tư vào Australia hoặc Canada và thậm chí là Mỹ. Điều này cho thấy họ đang nâng cấp hoạt động quản trị doanh nghiệp.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang gây áp lực với những công ty khai thác mỏ. Các hoạt động của công ty này gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông. Do vậy Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ cử đại diện tới các khu mỏ để đàm phán với cộng đồng địa phương và giám sát quan hệ của các công ty Trung Quốc. Những đại diện này cung cấp rất nhiều chỉ dẫn để các công ty tập trung vào việc thực hiện đánh giá tác động môi trường. Họ đảm bảo việc thực thi các quy định, thông qua thị trường chứng khoán và qua ngân hàng. Việc thực thi khá rời rạc ở Trung Quốc. Tuy nhiên tôi cho rằng điều này sẽ tạo áp lực thúc đẩy các công ty Trung Quốc hoạt động theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn thế giới về các vấn đề liên quan tới quản trị doanh nghiệp.

ML: Một ví dụ khác: sau chuyến đi tới Zambia trong quá trình viết cuốn sách, một điều khiến tôi chú ý là việc chính phủ Trung Quốc kiểm soát rất ít những gì đang diễn ra ở quốc gia này. Zambia đang gặp vấn đề lớn với công ty Collumn Coal - cứ vài tháng lại có một người bị bắn tại các khu mỏ của công ty này - hoặc quản lý người Trung Quốc hoặc công nhân người Zambia.

Và khi quay trở lại Zambia, tôi đã có cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc ở Zambia. Ông đã gọi cho những người điều hành khu mỏ và yêu cầu họ cải thiện tình hình, tuy nhiên họ đã từ chối. Khu mỏ này mang lại nhiều phiền toái hơn là giá trị của nó. Điều quan trọng cần phải lưu ý là dù chính phủ Trung Quốc có mạnh tới đâu đi chăng nữa thì, quyền lực của chính phủ chỉ được giới hạn trong nước, và gặp nhiều hạn chế trong việc quản lý hoạt động (của các công ty) ở nước ngoài.

BP: Vậy hoạt động của các công ty Trung Quốc có gì khác so với các công ty phương Tây ở những nước nói trên?

ML: Khai thác mỏ là công việc kinh doanh rất phức tạp. Nếu chúng ta chỉ hỏi: liệu các hoạt động khai thác mỏ của các công ty Trung Quốc khiến cho mọi người cảm thấy lo ngại, câu trả lời thường là có. Tuy nhiên, nếu chúng ta hỏi: liệu các khu mỏ ở Australia có khiến mọi người lo ngại, câu trả lời vẫn là có. Do vậy, cần phải xác định ảnh hưởng của Trung Quốc dựa trên các tiêu chuẩn mà Trung Quốc áp dụng đối với các công ty của mình và các cam kết của Trung Quốc, tuy nhiên cũng cần phải so sánh với các công ty từ các quốc gia khác.

Có một cách khôn ngoan khác mà các công ty hiện nay của Trung Quốc có thể áp dụng, mà trong một số trường hợp có thể đem lại lợi ích cho kinh tế của các nước sở tại. Một số công ty Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào những khu mỏ không đem lại nhiều lợi nhuận, và những khu mỏ không yêu cầu công nghệ cao, hoặc khu mỏ không hoạt động nếu chỉ có các công ty phương tây tham gia khai thác. Do vậy các công ty Trung Quốc có thể trả mức lương thấp cho công nhân ở những khu mỏ nói trên. Vì nếu khu mỏ không được khai thác thì công nhân sẽ không có lương.

BP: Một số chương trong cuốn sách đề cập tới cách thức Trung Quốc không ngừng tìm kiếm các nguồn tài nguyên ảnh hưởng tiêu cực tới vấn đề an ninh quốc tế. Ở biển Nam Trung Hoa và Biển Đông có khả năng chứa nhiều trữ lượng dầu nhưng lại được Trung Quốc và các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền. Điều này hiển nhiên sẽ trở nên ngày một trầm trọng. Nhu cầu dầu mỏ và khí đốt của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới quan hệ của quốc gia này với Iran. Vậy cách tiếp cận tốt nhất đối với những vấn đề gây nhiều tranh cãi trên là gì?

EE: Tôi sẽ đề cập tới một trong những yếu tố quan trọng nhất. Ví dụ, về vấn đề biển Nam Trung Hoa, cần phải tách bạch vấn đề tài nguyên với chủ nghĩa dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Đây là những vấn đề quyết định các động thái của Trung Quốc. Tất nhiên, vấn đề về tài nguyên cũng đóng một vai trò nhất định. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt ở đây là khả năng của Trung Quốc trong việc kiểm soát vùng biển xung quanh và nguồn tài nguyên. Đây lại là một câu chuyện khác. Không thể không tính tới những nguồn tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt, cá, tuy nhiên cũng cần phải nhận thấy những lợi ích quan trọng khác.

ML: Một ví dụ khác là Iran. Iran thực sự là một điểm nóng. Phương Tây rất sợ trừng lệnh phạt đầu tư vào Iran sẽ tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc nhảy vào quốc gia này. Mặc dù Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào Iran, có một số yếu tố quyết định việc đầu tư. Phương Tây vẫn kiểm soát rất nhiều công nghệ quan trọng. Và điều quan trọng nhất là Mỹ đang ngày càng trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn về năng lượng. Chính phủ Mỹ ít nhất cũng sẽ khôn khéo đưa ra sự lựa chọn cho Trung Quốc khi đầu tư vào Mỹ hoặc những nơi mà Mỹ không muốn Trung Quốc nhảy vào. Theo tôi, Trung Quốc đang tập trung vào việc quyết định sẽ đầu tư hay không đầu tư.

Bài học ở đây là chúng ta không chỉ tập trung vào phân tích mục đích và nhu cầu của Trung Quốc. Chúng ta đồng thời phải đánh giá sức mạnh của Trung Quốc. Ngoài ra còn phải chú ý tới các vùng biển ở gần Trung Quốc, hơn là các hoạt động của quốc gia này ở khu vực Trung Đông. Trên thực tế, hải quân của Trung Quốc càng gần đất liền thì càng mạnh. Điều này sẽ định hình cách ứng xử của Trung Quốc trên thế giới.

EE: Điểm quan trọng cuối cùng là hệ thống luật quốc tế có khả năng kiềm chế cách hành xử của Trung Quốc nhiều hơn là chúng ta thường nghĩ. Có thể thấy điều này ở Biển Đông và Biển Nam Trung Hoa, Iran và Sudan.

Nguồn Dân Việt/Washington Post


Sự kiện