Thứ Hai | 21/04/2014 12:35

Cơn hoảng loạn của chứng khoán Việt đã bắt nguồn từ đâu?

Phiên giao dịch tuần qua chứng kiến cả những hành động giảm rủi ro đầy chuyên nghiệp, lẫn những hành động bắt đáy và bán tháo trong hoảng loạn.
Thị trường luôn là vậy, tồn tại những thành phần nhà đầu tư khác nhau với các chiến thuật khác nhau.

Hiệu ứng domino

Cho đến tận cuối tuần trước, VN-Index vẫn chưa từ bỏ cố gắng chinh phục đỉnh cao cũ, bất chấp một phiên đảo chiều rất xấu trên phương diện kỹ thuật trong ngày 10/4...

Hầu hết các nhà phân tích kỹ thuật đều có thể nhìn thấy hình mẫu giá của ngày 10/4 là dạng “sao rơi” (shooting star), với biến động đặc trưng là giá được đẩy lên rất cao trong phiên và sau đó sụt giảm mạnh trở lại về cuối phiên. Tuy nhiên đến phiên ngày 11/4, giá lại có phục hồi nhẹ và đóng cửa trên mức 600 điểm.

Chính phiên cuối tuần giá xuất hiện phục hồi đã khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn và không chắc chắn về một hình mẫu giảm giá. Có thể nhận thấy các bản tin chứng khoán của các công ty chứng khoán vẫn tràn đầy lạc quan, hoặc ít nhất là cũng giữ tinh thần “nước đôi” để có thể phù hợp trong cả chiều tăng lẫn chiều giảm.

Hình mẫu giảm giá chỉ thực sự được khẳng định trong phiên đầu tuần này, với việc VN-Index sụt giảm khoảng 0,7% và chính thức tụt xuống dưới mức 600 điểm. Mức sụt giảm không phải là nhiều về mặt điểm số, nhưng lại tạo ra lo ngại rất lớn đối với những nhà phân tích kỹ thuật: rủi ro VN-Index hoàn thành mô hình giảm giá là rất cao.

Có thể đổ lỗi cho bất kỳ thông tin xấu nào dẫn đến phiên lao dốc kinh hoàng ngày 15/4, ví dụ câu chuyện xét xử “bầu Kiên” hay căng thẳng Ukraine.

Nhưng có lẽ hai điều ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường, là ngày càng nhiều người lo ngại hơn về khả năng giảm giá nếu căn cứ vào phân tích kỹ thuật; và bằng chứng không thể đánh lừa về dòng vốn đang rút dần khỏi thị trường suốt từ đầu tháng 4.

Phiên sụt giảm 1,7% của VN-Index ngày 15/4 xuất phát từ một hành động bán cực kỳ dứt khoát. Nhà đầu tư đã chấp nhận thoát khỏi thị trường với bất kỳ mức giá nào có thể đáp ứng được. Nếu như thị trường chứng khoán Việt Nam có một hệ thống máy móc giao dịch tự động thì rất có thể đó đã là các lệnh cắt lỗ tự động được kích hoạt đồng loạt.

Nếu việc cắt lỗ bắt buộc phải thực hiện thì cắt lỗ càng sớm càng hiệu quả, càng giới hạn được mức thua lỗ trong các giao dịch. Đó là tính kỷ luật và chuyên nghiệp.

Những gì sau đó diễn ra trong các phiên còn lại như một chuỗi những hiệu ứng domino của tâm lý hoảng loạn và bắt đáy.

Điển hình là phiên ngày 16/4 và 17/4. Nhà đầu tư thực hiện bắt đáy hy vọng vào những gì đã diễn ra trong các ngày 4/3 và 2/4 sẽ lặp lại: thị trường đã điều chỉnh xong và bắt đầu một đợt đi lên mới.

Mặc dù biến động giá có thể lặp lại, nhưng bối cảnh thị trường chỉ trong một thời gian ngắn đã rất khác. Chỉ mới tuần trước, nhà đầu tư còn hừng hực khí thế tiến công đỉnh 609 điểm và tầm nhìn xa hơn tới đâu đó quanh 630 điểm.

Nhưng cho đến cuối tuần này, ngay cả việc quay lại mốc 600 điểm dường như cũng là một mơ mộng khá viển vông trong ngắn hạn.
Lợi nhuận đã tạm... hài lòng

Nhìn sâu hơn, điều gì khiến thị trường thay đổi một cách quá nhanh như vậy, trong khi không hề có thêm một thông tin tiêu cực quá đáng nào?

Theo người viết, nguyên nhân là sự kết hợp của nhiều yếu tố: dòng tiền tiếp tục suy yếu trong khi đáng lẽ phải tăng lên khi kết quả kinh doanh xuất hiện ngày càng nhiều; các cổ phiếu trụ hết đà tăng; thị trường không còn điểm tựa thông tin để kỳ vọng trong hiện tại cũng như trong ngắn hạn sắp tới...

Nhưng quan trọng hơn cả, có lẽ là số lớn nhà đầu tư đã tạm hài lòng với kết quả lợi nhuận kiếm được suốt trong quý 1 vừa qua.

Các hoạt động bắt đáy sớm tuần này đem lại rủi ro tương đối cao do sự kết hợp giữa mức sụt giảm giá lớn và hạn chế thời gian giao dịch T+3. Chẳng hạn trong rổ HSX30, chỉ có 2 cổ phiếu đến phiên cuối tuần còn giữ được chênh lệch +2% và HNX30 cũng chỉ có 2 mã, so với giá bắt đáy tốt nhất ngày 16/4. Lợi nhuận này còn là giả định rằng giá đóng cửa phiên cuối tuần qua vẫn còn được duy trì trong ngày thứ Hai tuần tiếp và khả năng bán ra đảm bảo.

Việc chậm chễ cắt giảm lỗ trong điều kiện thị trường giảm quá nhanh cũng đem lại hậu quả lớn. Chẳng hạn với những nhà đầu tư mua trong phiên phục hồi cuối tuần trước, nếu không thực hiện cắt lỗ sớm, đến cuối tuần này đã đạt mức lỗ khá cao.

Thống kê ở HSX cho thấy tới 90 cổ phiếu đạt mức lỗ trên 10% và HNX là 110 mã. Thông thường mức lỗ 10% là ngưỡng nguy hiểm đối với những nhà đầu tư có kỷ luật, vì khả năng kiếm lợi nhuận 10% để bù đắp lại dễ dàng hơn nhiều mức lỗ 50% - trường hợp mà họ phải chớp được cơ hội ăn gấp đôi.

Nguồn BizLive


Sự kiện