Chủ Nhật | 20/04/2014 10:30

Con đường vượt "bẫy thu nhập trung bình"

Không cho rằng Việt Nam đã mắc "bẫy thu nhập trung bình", nhưng TS Lưu Bích Hồ cũng đưa ra cảnh báo về sự tăng trưởng chậm chạm.

Có một cách nhìn khác về việc Việt Nam vướng bẫy thu nhập trung bình, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, Việt Nam phải 20 năm nữa mới rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Song TS. Lưu Bích Hồ cũng có sự thống nhất với các chuyên gia kinh tế về tình trạng tăng trưởng chậm chạm hiện nay của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là “rất cần cảnh báo về nguy cơ này mà thực chất là tăng trưởng chậm và kém bền vững”.

Cùng chung ý kiến này, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, từ khi hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thì tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Có rất nhiều vấn đề đối với nền kinh tế Việt Nam mà nếu không kịp thời cải cách, thì không thể vượt lên được.

Và theo TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam đang có nhiều cơ hội thoát ra và phải nhanh thoát khỏi tình trạng tăng trưởng chậm lại hiện nay. “Vấn đề là cần có một tư duy phát triển mới”- TS. Trần Đình Thiên nói.

Trong khi đó, TS. Lưu Bích Hồ lạc quan cho rằng “Chúng ta chỉ vừa bước vào ngưỡng thu nhập trung bình được mấy năm và còn nhiều thời gian nữa để vượt bẫy”.

Tuy vậy, TS. Lưu Bích Hồ cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp, đồng thời tạo tiền đề và điều kiện cơ bản cho bước tiếp theo vượt qua bẫy thu nhập trung bình cao.

Theo đó, để thúc đẩy đất nước phát triển, Việt Nam cần thay đổi tư duy phát triển và chuyển đổi mô hình tăng trường phát triển “tiến lên hiện đại và tiến cùng thời đại”, chứ không thể lằng nhằng như hiện nay. Cần phát triển kinh tế thị trường hiện đại, và đặc biệt là phát huy dân chủ đích thực, rộng rãi.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, quá trình tái cơ cấu kinh tế đã được xác định hiện nay là đúng, nhưng cần hoàn chỉnh và cụ thể hóa trong thực tiễn.

Phát triển kinh tế thị trường hiện đại

TS Lưu Bích Hồ cho rằng, vấn đề cốt lõi là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xử lý đúng mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường theo nguyên tắc thị trường quyết định phân bổ nguồn lực. Thị trường phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc của thị trường, chủ yếu là giá cả theo cung cầu, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, đạt hiệu quả tối đa và tối ưu.

Việc phân bổ sử dụng nguồn lực công, vốn đầu tư của Nhà nước cũng phải vận dụng cơ chế thị trường để đạt hiệu quả cần thiết.

Coi trọng việc sử dụng người tài trong bộ máy Nhà nước. Chuyển dần cho khu vực tư nhân, tổ chức xã hội đảm nhiệm những dịch vụ công nếu có điều kiện.

Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, phấn đấu trở thành nước có chỉ số minh bạch thuộc loại cao trên thế giới. (Theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), năm 2013 Việt Nam xếp thứ 116/177 quốc gia và lãnh thổ với điểm số không đổi so với năm 2012 là 31/100).

Làm rõ tiêu chí nước công nghiệp

TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, cần làm rõ hơn tiêu chí nước công nghiệp và tính khả thi của việc thực hiện mục tiêu chiến lược này đến năm 2020.

Đồng thời xác định mục tiêu đến khoảng năm 2025 vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Xác định rõ lộ trình, chương trình hành động để thực hiện.

Trong tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Rà soát lại chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu, phát triển những ngành, sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, nâng cao hàm lượng tri thức, khoa học công nghệ trong các sản phẩm hiện có, tạo giá trị gia tăng và giá trị nội địa lớn để sớm vượt qua giai đoạn gia công đơn thuần hiện nay, đi lên nấc thang cao hơn là công nghiệp chế tạo – một tiêu chí quan trọng của công nghiệp hóa.

Trong sản xuất nông nghiệp tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở áp dụng tối đa, tối ưu công nghệ tiên tiến. Tạo ra và phát triển mô hình tổ chức sản xuất lớn nông thủy sản gắn kết với công nghiệp chế biến sâu, tinh xảo, có thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Đi cùng với hỗ trợ nông dân, ngư dân tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả nhiều hơn.

Đồng ý với TS. Trần Đình Thiên về việc phát triển chất lượng con người, TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh: “Phải đặc biệt coi trọng và tập trung sức thực hiện cho được chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, công nghiệp hóa gắn chặt với kinh tế tri thức. Chỉ có phát triển kinh tế tri thức mới là đường nhanh nhất, có hiệu quả nhất để thực hiện thành công CNH, HĐH và vượt qua bẫy thu nhập trung bình”.

Bởi nguồn nhân lực chất lượng cao chính là động lực chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội, là nội dung chủ yếu của quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển, là trụ cột phát triển kinh tế tri thức.

Việc này cũng bắt nguồn từ đổi mới thể chế, khắc phục mọi cản trở, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện.

Đầu tư mạnh cho khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức bằng cả tiền vốn và nguồn lực con người, của cả Nhà nước, xã hội và hợp tác quốc tế đi cùng với hoàn thiện cơ chế chính sách, các thủ tục hành chính, nhất là về tài chính, ngân hàng.

Chấm dứt cơ chế chủ quản với DNNN

“Để cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cần sớm chấm dứt cơ chế chủ quản. Xem xét thành lập ngay Ủy ban/Bộ quản lý vốn và tài sản Nhà nước trong các doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý thống nhất việc cải cách các doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước”- TS. Lưu Bích Hồ nói.

Ông cho rằng, chỉ giữ lại các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chiếm tỷ lệ vốn Nhà nước chi phối, khu vực này chiếm khoảng 15% GDP.

Thực hiện việc quản trị doanh nghiệp theo mô hình công ty hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Sớm thực hiện phần lớn loại doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh đều niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Không giao nhiệm vụ chính trị, xã hội cho loại doanh nghiệp này mà chỉ có trách nhiệm xã hội như các loại hình doanh nghiệp khác.

Khuyến khích hình thành, phát triển mạnh các doanh nghiệp mới đa sở hữu dưới hình thức các công ty cổ phần, trong đó chú trọng tạo điều kiện tham gia của cổ phần đại chúng.

Chấn chỉnh việc thu hút FDI

TS Lưu Bích Hồ, cảnh báo mạnh mẽ “chấn chỉnh, hoàn thiện việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo đúng mục tiêu chiến lược, tập trung mạnh vào chuyển giao công nghệ tiên tiến hiện đại, bảo vệ môi trường. Đặt hiệu quả tổng thể cao, góp phần tích cực tăng tiềm lực và nội lực kinh tế đất nước; khắc phục, phòng tránh nguy cơ khu vực FDI lấn át khu vực kinh tế trong nước.

Đồng ý về vấn đề này, TS.Trần Đình Thiên cũng lưu ý Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược thu hút FDI, thay đổi cách nhìn về tăng trưởng: “Tạo cơ hội để thu hút FDI chúng ta đã và đang làm rầm rộ nhưng toàn mời những ông công nghệ thấp, tận dụng lao động rẻ, ô nhiễm môi trường nhiều, khai thác tài nguyên cạn kiệt về mặt chiến lược kinh tế như vậy là không ổn”.

Theo TS Hồ, mục tiêu quan trọng nhất ở FDI là chuyển giao công nghệ thì hiện nay chỉ có 5-6%% công nghệ cao, 14-15% công nghệ trung bình, còn lại hơn 70-80% là công nghệ kém, lạc hậu cùng với việc sử dụng lao động phổ thông nên tạo ra giá trị gia tăng chỉ 20%, còn giá trị nội địa chỉ 10%.

“Như vậy làm sao vượt qua bẫy thu nhập trung bình được. Phải xoay chuyển lại tình thế này để sử dụng nội lực của chúng ta hợp tác với quốc tế” – TS Lưu Bích Hồ khuyến cáo./.

Nhân Trí

Nguồn VOV online


Sự kiện