Con đường nào cho các ngân hàng Việt Nam?
Có nhiều phương án để ngân hàng đáp ứng yêu cầu này, trong đó có việc tăng vốn, tìm cổ đông chiến lược trong nước và nước ngoài, tự nguyện sáp nhập, hoặc buộc phải sáp nhập. Đi cùng với sự xuất hiện của những ngân hàng có quy mô lớn, có thể số lượng ngân hàng sẽ giảm đi một cách đáng kể.
Bao nhiêu ngân hàng là đủ?
Việt Nam có 37 ngân hàng thương mại. Vậy sau tái cấu trúc, sẽ còn lại bao nhiêu ngân hàng? Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV), sau tái cấu trúc Việt Nam chỉ nên có khoảng 15 ngân hàng. Trong đó, có 4 ngân hàng lớn với mỗi ngân hàng có vốn tối thiểu 40.000 tỉ đồng; 6 ngân hàng trung bình mỗi ngân hàng có vốn 20.000 tỉ đồng và 5 ngân hàng nhỏ, mỗi ngân hàng 10.000 tỉ đồng. Nếu cộng vốn điều lệ của tất cả các ngân hàng này lại thì sẽ có 330.000 tỉ đồng, tương đương với tổng vốn điều lệ của 37 ngân hàng thương mại hiện nay.
Với mức tăng vốn khoảng 6.000 tỉ đồng trong năm 2012, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) sẽ trở thành ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sở hữu 80% cổ phần của ngân hàng này, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nắm 10%. Nghĩa là vẫn còn cơ hội cho những tổ chức nước ngoài muốn làm đối tác chiến lược của VietinBank. Đó là chưa kể nếu Nhà nước giảm tỉ lệ nắm giữ xuống thì trong thời gian tới, hoạt động đầu tư tại ngân hàng này sẽ rất sôi động. Cũng trong năm nay, VietinBank có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 500 triệu USD. Không riêng gì VietinBank, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 1 tỉ USD.
Kêu gọi đầu tư nước ngoài sẽ là xu hướng của năm 2012, khi thị trường vốn trong nước gặp khó khăn do chính sách tiền tệ chặt chẽ. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng huy động được vốn nước ngoài. Khủng hoảng nợ tại châu Âu đã khiến cho niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tài chính giảm sút. Do đó, chỉ những ngân hàng lớn, được Nhà nước hậu thuẫn, mới có hy vọng đón được dòng vốn này.
Trong năm nay, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ niêm yết trên sàn HoSE. Sau niêm yết, BIDV sẽ bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Theo dự kiến, số cổ phần bán cho cổ đông nước ngoài không quá 20%. Cuối tháng 12.2011, BIDV đã bán đấu giá thành công 3% cổ phần ra công chúng. Đợt đấu giá này mang về cho BIDV trên 1.500 tỉ đồng.
Ngoài 4 ngân hàng BIDV, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), VietinBank, Vietcombank thì còn 8 ngân hàng thương mại khác nằm trong nhóm G12 (nhóm 12 ngân hàng chiếm đến 85% thị trường). Danh sách các ngân hàng trong nhóm này không được công bố chính thức, nhưng nếu xét về vốn, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) hiện là những ngân hàng dẫn đầu. Theo thông tin không chính thống, các ngân hàng khác thuộc G12 là Maritime Bank, Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Quân Đội. Các ngân hàng trong nhóm này chắc chắn không phải là đối tượng bị chỉ định mua bán và sáp nhập (M&A).
Nhưng cũng không ai cấm ngân hàng chủ động tìm đối tác cho mình. Hiện tại, 3 ngân hàng trong nhóm G12 là ACB, Eximbank, Sacombank có sở hữu lẫn nhau. Tháng 1.2012, Eximbank đã mua gần 10% cổ phần của Sacombank từ ngân hàng ANZ Việt Nam. Còn ACB, đang nắm trong tay cổ phần Eximbank, cũng không ngần ngại bày tỏ tham vọng đến năm 2015 sẽ trở thành ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam.
Trái với sự tan vỡ của ANZ và Sacombank, vẫn có những mối tình khá bền chặt giữa ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước. Từ năm 2005 đến nay, HSBC là đối tác chiến lược của Techcombank. Còn VIB thì vào tháng 10.2011 được Commonwealth Bank (Úc) rót thêm 1.150 tỉ đồng, nâng tỉ lệ sở hữu của Commonwealth Bank lên 20%, từ mức 15% trước đó.
Có thể trước áp lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, các ngân hàng trong G12 sẽ phải hợp tác với nhau. Nhưng muốn sở hữu phần lớn cổ phần của các ngân hàng này hoàn toàn không dễ dàng vì họ đều là những ngân hàng mạnh. Đó là chưa kể chuyện sáp nhập phải thông qua thương lượng. Nghĩa là quá trình này sẽ kéo dài.
Ví dụ như trường hợp của Sacombank. Tháng 2/2012, Eximbank tuyên bố mình là đại diện cho nhóm cổ đông nắm hơn 50% cổ phần của Sacombank, yêu cầu bầu lại Hội đồng Quản trị của ngân hàng này. Nhưng ngay sau đó Eximbank đã vấp phải những vướng mắc về pháp lý. Cho đến nay, vẫn chưa biết Sacombank và Eximbank ai phải nghe ai. Rõ ràng, trong nhóm G12, khó có chuyện kết hôn tự nguyện, êm thắm.
Tự nguyện sáp nhập, nếu có, thì chỉ là các ngân hàng nhỏ. Cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước cho biết có khoảng 8 ngân hàng yếu kém cần phải được sáp nhập. Sau cuộc hợp nhất 3 ngân hàng Tín Nghĩa, Đệ Nhất và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), rất có thể còn 4-5 ngân hàng yếu kém cần xử lý. Có thể đó là ngân hàng nhóm 4, nhóm không được tăng trưởng tín dụng trong năm 2012.
Có một sự thật là ngân hàng nhỏ chưa chắc đã yếu. Như Ngân hàng Bản Việt có vốn điều lệ chỉ khoảng 3.000 tỉ đồng nhưng lại được giao chỉ tiêu tăng trưởng lên đến 17%, xếp vào nhóm cao nhất. Nhưng cũng không có lý nào một ngân hàng mạnh lại bị đẩy xuống nhóm thấp nhất. Vì thế, ngân hàng càng nhỏ thì càng bị nghi ngờ.
Hướng đi của các ngân hàng nhỏ
Các ngân hàng nhỏ cũng có nhiều hướng đi trong thời gian tới. Tại Đại hội cổ đông thường niên lần thứ 20 diễn ra hôm 31/3, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Thị Xuân Loan cho biết năm 2012 Nam Á sẽ dựa vào nội lực để phát triển chứ không chọn cách M&A.
Tuy nhiên, không có nhiều ngân hàng tự tin như Nam Á. Là ngân hàng lớn hơn Nam Á xét về quy mô vốn, Đông Á cho biết sẽ hoan nghênh sự hợp tác nhằm phát triển mạnh hơn nhưng sẽ cân nhắc làm sao để “1+1>2”. Ngân hàng này cũng tiết lộ trong số các đơn vị ngỏ lời, có 2 tổ chức tài chính lớn là Commonwealth Bank và BNP Paribas (Pháp). Với những tên tuổi lớn này, công thức “1+1>2” của Đông Á nghe có vẻ hợp lý.
Nhưng đối với một số ngân hàng khác, 1+1 chỉ có thể bằng hoặc nhỏ hơn 2. Đó là trường hợp của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Habubank. Trong biên bản ghi nhớ được ký vào ngày 8/3/2012, sau sáp nhập, sẽ không còn cái tên Habubank. Ngoài ra, từ đây cho đến khi hoàn tất sáp nhập, Habubank bị hạn chế trong hoạt động của mình đặc biệt là về bảo lãnh, nhận nợ, chi trả nhân công, mua bán tài sản…
Nếu tái cấu trúc đi theo hướng đòi hỏi các tổ chức phải nâng cao tiềm lực tài chính và hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ có khoảng 15 ngân hàng thì ngay cả ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất là VietinBank cũng phải tăng gấp đôi số vốn đó lên. Một cách để nhóm ngân hàng lớn (theo phân loại của ông Dũng, DIV) làm được điều này là thâu nạp các ngân hàng nhỏ. Việc BIDV đứng ra bảo lãnh cho cuộc hợp nhất 3 ngân hàng SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất cho thấy khả năng này là có. Đối với nhóm ngân hàng trung bình, các ngân hàng trong G12 có thể tự tăng vốn, hoặc tiến hành M&A để nâng cao tiềm lực tài chính. Đối tượng có khả năng bị xóa sổ nhiều nhất vẫn là các ngân hàng nhỏ.
Nguồn Nhịp cầu đầu tư