Thứ Năm | 24/10/2013 13:49

Còn dư địa tăng thu ngân sách Nhà nước

Cả hai báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đều cho rằng vẫn còn dư địa tăng thu NSNN.
Chiều 23/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013, dự toán và phương án phân bổ NSNN năm 2014 và báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trừ các khoản thu ngoài dự toán thì thu cân đối ngân sách năm 2013 hụt khoảng 63.630 tỷ đồng so với dự toán (tức chỉ đạt thu 92,2%-PV).

Nguyên nhân là do tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kim ngạch hàng xuất khẩu, nhập khẩu chịu thuế thấp; dự toán thu ngân sách 2013 ở mức cao so với khả năng; việc thực hiện miễn, giảm thuế gỡ khó cho doanh nghiệp cũng làm giảm thu ngân sách.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ đồng tình với đánh giá của Chính phủ về hụt thu ngân sách là sát với tình hình thực tế, đồng thời chỉ thêm một nguyên nhân hụt thu ngân sách là do công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa thường xuyên, tính quyết liệt chưa cao.

Giảm chi 22.700 tỷ đồng

Về chi NSNN năm 2013, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh do cân đối khó khăn nên chi NSNN được điều hành theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm. Trong đó, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán, tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên, giảm tối đa khoản chi đã bố trí dự toán nhưng chưa triển khai hoặc phân bổ sai đối tượng, không ban hành cơ chế, chính sách có tác động đến tăng chi NSNN. Nhờ các giải pháp trên đã giảm chi 22.700 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính, ngân sách đánh cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành thực hiện dự toán chi NSNN và cho rằng, trong bối cảnh thu NSNN giảm khá lớn nhưng chi NSNN về cơ bản vẫn được bảo đảm.

Để đảm bảo cân đối thu, chi NSNN năm 2013, Chính phủ kiến nghị Quốc hội nâng bội chi NSNN từ 4,8% GDP lên mức khoảng 5,3% GDP thực tế thực hiện để bù đắp phần thiếu hụt. Việc nâng bội chi vẫn đảm bảo dư nợ công trong giới hạn an toàn, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng tại chỗ các nguồn lực, Quốc hội cho phép các địa phương sử dụng tối đa 70% dự trữ tài chính, kết hợp sắp xếp nhiệm vụ chi để đảm bảo ngân sách địa phương.

Từ nay đến cuối năm, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo ngành Tài chính phối hợp chặt chẽ với các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản phát sinh, kiên quyết phân loại để xử lý tối đa các khoản nợ đọng thuế,...

Giải pháp này nhận được sự đồng tình cao từ phía Ủy ban Tài chính, ngân sách. Cơ quan này cũng nhấn mạnh việc vẫn còn dư địa để tăng thu NSNN trong năm 2013 từ việc rà soát, thu đúng, đủ và kịp thời vào NSNN.

Thu NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Chính phủ xây dựng dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng, tăng 7,9% so với ước thực hiện năm 2013. Ủy ban Tài chính, ngân sách cơ bản nhất trí, song đề nghị Chính phủ rà soát và dự báo sát hơn dự toán thu NSNN.

Ủy ban Tài chính, ngân sách cơ bản đồng ý mức bội chi ngân sách 5,3% vào năm 2014 để phục vụ chi đầu tư phát triển và trả nợ. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội chưa đồng tình việc tăng dự toán chi NSNN năm 2014 là 2,9% so với năm 2013 vì chưa thể hiện được tinh thần tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hiện nay.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết dự toán chi năm 2014 sẽ được Chính phủ kiên định nguyên tắc nâng bội chi để tập trung cho đầu tư phát triển và trả nợ, kiên quyết không dành bội chi để chi thường xuyên.

Đồng thời, Chính phủ bố trí kinh phí chi thường xuyên chặt chẽ, tiết kiệm, ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội và nhu cầu thiết yếu vận hành bộ máy nhà nước; bố trí NSNN cho một số lĩnh vực khoa giáo, môi trường; bố trí kinh phí cho các Chương trình MTQG triệt để tiết kiệm, ưu tiên cho giảm nghèo, nông thôn mới, dạy nghề…

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện